"Beam me up, Scotty", một câu nói đã quá quen với fan ruột của seri phim khoa học viễn tưởng Star Trek. Trong trường hợp bạn chưa biết, đó là mệnh lệnh của thuyền trưởng Kirk dành cho kỹ sư trưởng Montgomery Scott, khi ông muốn khởi động cỗ máy Transporter trên tàu USS Enterprise.
Transporter thực chất là một cỗ máy teleport hay dịch chuyển tức thời. Nó có khả năng đưa một người, từ tàu vũ trụ đang bay quanh quỹ đạo một hành tinh, xuống phía dưới bề mặt của hành tinh đó và ngược lại.
Nghĩa là bản thân con tàu không phải hạ cánh xuống hành tinh, teleport sẽ vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và cả nhiên liệu trong quá trình tàu cất hạ cánh.
Ngay lúc này, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng đang bay trên đầu chúng ta. Thậm chí ISS còn không thể hạ cánh xuống Trái Đất. Nó quá to và không được thiết kế để "rơi" trở lại mặt đất an toàn.
NASA cho biết sau khi ISS hết niên hạn vào năm 2031, nó sẽ hạ dần độ cao và rơi trở lại Trái Đất. Nhưng khi đó, hầu hết các bộ phận của ISS sẽ cháy trong khí quyển như sao băng, những mảnh vụn còn lại của nó sẽ rơi xuống và an nghỉ ở nghĩa địa tàu vũ trụ của NASA ở Thái Bình Dương.
Nhưng đó còn là chuyện của tương lai. Hãy trở lại với một thành tựu mới mà các kỹ sư ở NASA vừa thực hiện được. Gần giống như trong Star Trek, họ vừa "beam" được một bác sĩ từ mặt đất lên trạm vũ trụ ISS trong lần đầu tiên thử nghiệm một công nghệ gọi là "holoportation".
Mặc dù đây không phải là teleport đúng nghĩa, nhưng bác sĩ này đã thực sự "xuất hiện" trên trạm vũ trụ cách mặt đất hơn 400 km dưới dạng hologram và trò chuyện được với các phi hành gia trong thời gian thực.
Trong trường hợp bạn nghĩ công nghệ này chưa được "Star Trek" cho lắm thì trong seri "Star Trek: Voyager" chúng ta cũng từng được thấy một bác sĩ nhân tạo xuất hiện trên tàu vũ trụ dưới dạng hình ảnh 3 chiều.
Và trong xuyên suốt những bộ phim Avengers của Marvel, khán giả cũng thường xuyên được chứng kiến các buổi họp "holoportation" diễn ra tại trụ sở của họ.
Rõ ràng, NASA đang đưa một công nghệ viễn tưởng từ phim bước ra ngoài đời thực.
Công nghệ holoportation trong Avengers: Endgame
Công nghệ 'holoportation' mà NASA sử dụng được phát triển bởi hãng phần mềm Microsoft. Đây là một công nghệ quét và phát hình ảnh 3D trong thời gian thực, cho phép người tham gia vào đó tương tác với nhau bất kể khoảng cách địa lý của họ.
"Đây là một phương thức giao tiếp viễn thông hoàn toàn mới của con người. Nó cho phép thực thể người của chúng ta du hành vượt ra cả bên ngoài biên giới của hành tinh", Josef Schmid – vị bác sĩ của NASA trực tiếp trải nghiệm công nghệ holoportation cho biết.
Không giống như các phép chiếu ảnh ba chiều hologram truyền thống (chỉ cho phép mọi người nhìn thấy hình ảnh trong không gian) holoportation của Microsoft sử dụng một chiếc kính đeo thực tế ảo – HoloLens để những người đeo nó nhận thức và tương tác được với người sử dụng từ xa.
Ví dụ ở đây, hình ảnh của bác sĩ Schmid đã được tái dựng bằng nhiều camera lắp đặt xung quanh căn phòng ông đang ở dưới mặt đất. Trên trạm vũ trụ ISS, phi hành gia Thomas Pesquet của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã đeo một kính thực tế ảo để tương tác và trò chuyện với Schmid.
Công nghệ holoportation của Microsoft đã được thử nghiệm bên dưới mặt đất trong một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nó thực hiện được một kết nối vượt ra khuôn khổ hành tinh, giữa mặt đất với Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Đó là một thách thức về mặt đường truyền, vì ISS đang bay ở độ cao 408 km so với mặt đất và lướt đi với vận tốc 7,66 km mỗi giây. Thí nghiệm holoportation thành công sẽ mở ra những ứng dụng của công nghệ này trong việc kết nối con người ngoài không gian.
Theo đó, các giao tiếp của chúng ta có thể trực quan hơn rất nhiều, sẽ không chỉ là những hình ảnh 2D mà con người có thể tương tác với nhau và với các mô hình 3D trong thời gian thực.
Ví dụ, một kỹ sư dưới mặt đất có thể phát ảnh 3D của một bộ phận đang bị hỏng hóc trên trạm ISS, hình chiếu 3D này sẽ hướng dẫn phi hành gia đi bộ ra không gian và sửa chữa nó đúng cách.
Hoặc một bác sĩ như Schmid có thể có mặt trên trạm vũ trụ để khám cho các phi hành gia mà không cần phải mất công du hành lên đó.
Một trình diễn công nghệ holoportation
"Về cơ bản, cơ thể vật lý của chúng ta không có ở đó, nhưng thực thể con người của chúng ta thì hoàn toàn có mặt", Schmidnói.
"Hãy tưởng tượng bạn có thể mang đến bên cạnh mình một người hướng dẫn giỏi nhất hoặc một nhà thiết kế là cha đẻ của một công nghệ đặc biệt phức tạp, mỗi khi bạn cần làm việc với nó".
Bước tiếp theo trong sự phát triển của công nghệ holoportation là thiết lập được các tương tác 2 chiều.
Trong thử nghiệm lần này, Pesquet là người tham gia duy nhất đeo kính thực tế tăng cường, nó cho phép anh cảm nhận những người tham gia khác dưới dạng ảnh ba chiều kỹ thuật số, vì Schmid và những người tham gia khác không đeo thiết bị đó.
Tuy nhiên, một khi tất cả những người tham gia đều được trang bị kính và hệ thống camera tương tự, họ sẽ có khả năng nhảy vào thực tế của người khác và có thêm nhiều tương tác chân thực hơn.
Christian Maender, giám đốc nghiên cứu tại công ty cơ sở hạ tầng vũ trụ Axiom Space cho biết các công nghệ như holoportation của Microsoft đang cho phép chúng ta tương tác và kết nối một cách nhân văn hơn.
Nó đặc biệt hữu ích với những chuyến bay vào không gian sâu của vũ trụ, khi con người phải đối mặt với nỗi cô đơn và trống vắng. Với holoportation, họ thực sự có thể quay về và hiện diện trở lại hành tinh của mình bất cứ lúc nào.
Ngược lại, chúng ta và những người thân yêu của các phi hành gia cũng có thể đến thăm họ nhờ công nghệ thực tế ảo.
Tham khảo Sciencealert