Khoảng 1/3 thời gian trong cuộc đời, con người dành ra để ngủ. Nhưng có khi nào bạn đặt ra câu hỏi tư thế ngủ nào mới là tốt nhất cho sức khoẻ?
BSCK II Nguyễn Đình Tuấn, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Medlatec, cho hay theo các nghiên cứu thì tư thế nằm ngửa là tư thế ngủ được cho là tốt cho sức khỏe hơn cả. Ưu điểm của tư thế này là giúp tránh nhăn da, tốt cho người mắc bệnh về đốt sống và khớp.
Khi nằm ngửa đầu, cổ và xương sống sẽ cùng nằm trên một trục thẳng và không phải chịu áp lực. Nhờ vậy, sau khi tỉnh dậy, bạn gần như không cảm thấy đau nhức.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn, dù tư thế nằm ngửa tốt cho hầu hết tất cả mọi người, nhưng đối với người có bệnh lý trào ngược dạ dày, bác sĩ khuyến cáo nên nằm nghiêng. Hoặc đối với trường hợp bệnh nhân ngủ ngáy có nguy cơ ngưng thở khi ngủ thì được khuyến cáo không nên nằm ngửa.
"Theo các nghiên cứu, tỷ lệ đột quỵ tăng lên rõ rệt ở người có hội chứng ngừng thở khi ngủ. Ngoài ra, hội chứng ngừng thở khi ngủ còn gây ra những tổn thương về tim mạch, hệ thần kinh trung ương… Do vậy, những người mắc hội chứng này cần phải thăm khám sớm", bác sĩ Tuấn tư vấn.
Về tư thế nằm nghiêng sẽ giúp ngừa tình trạng mỏi lưng hay cổ, hạn chế ngủ ngáy, giảm triệu chứng đau đầu và nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm tư thế ngủ nghiêng phù hợp với những người gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, đặc biệt là chứng ợ nóng do sức ép lên cổ họng và dạ dày khi nằm nghiêng được giảm xuống khá nhiều.
Tuy nhiên theo lời khuyên của các chuyên gia, nhược điểm của tư thế nằm nghiêng về một bên trong thời gian dài lúc ngủ sẽ khiến bạn xuất hiện tình trạng đau mỏi hông. Nằm nghiêng sẽ xuất hiện nếp nhăn trên gương mặt.
Đối với tư thế nằm sấp khi ngủ có thể làm giảm tình trạng ngáy ngủ, nhưng gây nhiều bất lợi. Nằm sấp khi ngủ có thể dẫn đến đau lưng, cổ và vai…
Theo bác sĩ Tuấn, chất lượng giấc ngủ rất quan trọng để cơ thể hồi phục và tái tạo năng lượng. Một giấc ngủ chất lượng là khi ngủ dậy cơ thể cảm thấy khỏe mạnh. Nếu bạn ngủ dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải có thể do ngủ không được sâu giấc. Dấu hiệu này thường gặp ở người có triệu chứng ngừng thở khi ngủ.
Ngoài ra, khi ngủ hay mê man, ngủ ngáy chứng tỏ chất lượng giấc ngủ không được đảm bảo và cần thăm khám chuyên gia về thần kinh, tâm thần.
Mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau. Người trưởng thành nên ngủ 7-9h/ngày và nên đi ngủ từ 21-22h hàng ngày. Để có thể ngủ được sâu giấc thì cần thực hiện những việc sau:
- Cần ngủ đúng giờ, tốt nhất là 21-22 giờ. Với những người do đặc thù công việc, tốt nhất nên chọn một giờ cố định để bắt đầu vào giấc ngủ.
- Giấc ngủ trưa chỉ nên ngủ từ 15-30 phút. Bởi ngủ quá nhiều vào buổi trưa sẽ khiến mất ngủ vào buổi tối, hơn nữa ngủ trưa quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến năng suất làm việc.
- Không nên dùng điện thoại di động, thiết bị có ánh sáng xanh trước khi ngủ.
- Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói vào buổi tối.
- Không sử dụng rượu bia, chất kích thích trước khi đi ngủ.
- Nên tập thể dục nhẹ nhàng 1 tiếng trước khi đi ngủ.
- Phòng ngủ cần yên tĩnh, sạch sẽ. Không để phòng ngủ có yếu tố gây mùi như nước hoa, nến sáp. Có thể để được tinh dầu, nhưng không nên cho mùi quá đậm đặc.
- Cần có tinh thần lạc quan, không đem những vấn đề cuộc sống vào giấc ngủ của mình.
- Tốt nhất nên tắt đèn ngủ để giấc ngủ sâu hơn. Gia đình có trẻ nhỏ, người già có thể dùng đèn ngủ để tránh trượt ngã, nhưng cho cường độ ánh sáng nhẹ, dùng đèn có ánh sáng vàng.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo thêm ngủ nhiều hay ít phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, khi xảy ra tình trạng ngủ nhiều hoặc ngủ ít mà chất lượng giấc ngủ không tốt cũng nên đi khám sớm.