Theo New York Times ghi nhận, Mỹ lại vừa phá vỡ kỷ lục ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày, với 48.000 ca nhiễm mới vào ngày 30/6 (số liệu từ ĐH Johns Hopkins hiện mới chỉ tới ngày 29/6). Đây là con số cao nhất kể từ khi đại dịch xảy ra với nước Mỹ, và cũng là lần thứ 4 trong vòng 1 tuần qua kỷ lục bị phá vỡ.
Bác sĩ Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia phát biểu trong ngày 30/6, Mỹ sẽ sớm thấy con số ấy tăng lên gấp đôi. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nó lên tới 100.000 ca mỗi ngày," - ông Fauci cho biết. Ông cảnh báo, hệ quả của việc này sẽ là rất nghiêm trọng nếu các tiểu bang vội vã thực hiện kế hoạch mở cửa nền kinh tế mà không xây dựng khả năng xét nghiệm và lần vết lây nhiễm diện rộng.
Trên thực tế, một số tiểu bang đã kìm hãm kế hoạch này. Như Texas và California, 2 tiểu bang lớn đã tạm ngưng kế hoạch, và lại một lần nữa giới hạn việc tụ tập trong các quán rượu.
Tuy nhiên tại Florida, thống đốc bang Ron DeSantis lại phản đối xu hướng ấy. "Chúng tôi sẽ không dừng lại, không đóng cửa nữa," - DeSantis trả lời phỏng vấn hôm 30/6, thời điểm sở Y tế bang ghi nhận thêm 6000 ca nhiễm mới. "Tôi không nghĩ nó (việc mở cửa) và để mọi người đi làm là nguyên nhân."
Nhưng vào ngày 29/6, bác sĩ Mark Supino từ khoa cấp cứu tại Miami đã nhận định, số ca nhiễm gia tăng có dấu hiệu liên quan mạnh đến việc tiểu bang tái mở cửa. "Khi mọi thứ trở lại bình thường, mọi người thoải mái hơn, cũng là lúc số ca nhiễm tăng vọt," - ông cho biết.
Ảnh hưởng đến chậm
Trên thực tế, các bằng chứng liên quan đến dịch bệnh từ ảnh hưởng của việc tái mở cửa chỉ xuất hiện sau vài tuần. Nguyên nhân là bởi từ lúc một người tiếp xúc với virus cho đến khi xuất hiện triệu chứng và thực hiện xét nghiệm có thể mất hàng tuần. Chưa kể, việc xét nghiệm cũng mất vài ngày.
Và lần này, việc số ca nhiễm gia tăng dường như không phản ánh khả năng xét nghiệm diện rộng nữa. Tại Louisiana, thống đốc John Bel Edwards cho biết số ca nhiễm mới "khó có thể cho là do tăng cường xét nghiệm," nhất là khi số ca nhập viện cũng tăng lên rất nhanh.
Thêm vào đó, tỉ lệ xét nghiệm dương tính đang tăng mạnh ở nhiều tiểu bang, cho thấy một làn sóng dịch mới và tỉ lệ lây nhiễm gia tăng chứ không đơn thuần là vì đẩy mạnh xét nghiệm. Xét trên phạm vi toàn quốc, tỉ lệ dương tính trong ngày đã tăng kể từ ngày 16/6 - theo số liệu từ ĐH Johns Hopkins.
Và nếu nó đúng, điều này có nghĩa cơn ác mộng quá tải ở các bệnh viện có thể quay trở lại thêm một lần nữa.
"Khi trông thấy tỉ lệ nhiễm mới gia tăng, cần phải hiểu rằng không phải ca nào trên thực tế cũng được hệ thống tìm ra," - tiến sĩ Adalja từ ĐH Johns Hopkins cho biết, nghĩa là con số ấy thậm chí còn chưa đánh giá đúng thực tế. "Nó cho thấy sự cần thiết về một đội ngũ lần vết lây nhiễm cực năng nổ tại các tiểu bang, nhằm giữ cho làn sóng bệnh nhân không tiếp tục tràn vào các bệnh viện."
Nguồn: Business Insider, NYTimes