Mỹ cùng đồng minh bao vây Trung Quốc bằng một chuỗi các căn cứ và cảng quân sự

Vy Lam | 12-09-2020 - 11:23 AM

(Tổ Quốc) - Trong khi đeo "chiếc thòng lọng" vào cổ Trung Quốc, Mỹ và đồng minh cũng đồng thời thiết lập vòng tròn "bao vây" Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo EurAsian Times, cách nhau hàng nghìn dặm nhưng Biển Đông và Địa Trung Hải đều đang "rực cháy", bởi các cường quốc đang chen lấn để chơi phiên bản mới của "Trò chơi lớn", trong đó họ phải canh chừng các lợi ích chiến lược của mình và những phát hiện tầm cỡ về các mỏ dự trữ dầu-khí đốt tại những khu vực này.

Mỹ và đồng minh "bao vây" Thổ bằng dự án năng lượng

Trong nhiều năm qua, các quốc gia xung đột với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng Địa Trung Hải để thiết lập một vòng tròn "bao vây" nước này.

Trong quá trình nỗ lực phá vỡ chiếc "vòng kim cô" bao quanh, động thái khôn khéo của Thổ Nhĩ Kỳ khi ký kết thỏa thuận biên giới trên biển với Libya vào tháng 11 năm ngoái đã khiến nhiều đối thủ của họ trong khu vực và trên toàn cầu, như Hy Lạp, Pháp, Israel, Ai Cập, Mỹ tức giận.

Nhiều phía đã lên tiếng phản đối chủ quyền của cả hai phía chính phủ [Thổ-Libya] đối với thỏa thuận này, bởi nó đã phá vỡ chiến lược bao vây của Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải.

Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) do Ankara và Tripoli nhất trí thiết lập cũng sẽ cắt đứt tuyến đường ống EastMed (viết tắt của "Đông Địa Trung Hải") mà Síp, Hy Lạp và Israel đang lên kế hoạch xây dựng để kết nối với châu Âu.

Đây cũng là dự án năng lượng mà theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), các bên đối lập đang muốn thông qua đó để "bao vây" Ankara.

Mỹ cùng đồng minh bao vây, Trung Quốc và Thổ nằm gọn trong chiếc thòng lọng siết cổ - Ảnh 1.

Lãnh đạo ba nước Hy Lạp, CH Síp và Israel tại lễ ký kết thỏa thuận đường ống EastMed (Ảnh: AP)

Hôm 6/9, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đưa ra tuyên bố thông qua đài RFI, đề cập tới động thái sắp tới của Paris trong chiến dịch kiềm chế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, với phạm vi từ Libya tới Iraq.

"Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nội dung chính trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu diễn ra vào cuối tháng này. Với tư cách là các ngoại trưởng, chúng tôi đã chuẩn bị hồ sơ về vấn đề này tại Berlin vài ngày trước. Hồ sơ sẽ bao gồm một loạt các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ" – Ông Le Drian cho hay.

Theo Anadolu, khi Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc phân định các khu vực tài phán trên biển được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya vào ngày 21/11/2019 và thay đổi cán cân sức mạnh tại Địa Trung Hải, nó đã dẫn tới sự hình thành của một liên minh quân sự với danh nghĩa "tìm kiếm biện pháp ngoại giao" để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Để hiểu rõ tầm vóc và hoạt động của liên minh trên, cần quay trở lại thời điểm năm 2013 và nhìn lại dự án đường ống EastMed. Dự án này ban đầu được khởi xướng với sự hỗ trợ của Ủy ban Châu Âu để đảm bảo lợi ích của châu Âu và hiện nay đang được Mỹ-Pháp hậu thuẫn tại Địa Trung Hải.

Những thành viên đầu tiên của dự án là Israel và chính quyền Síp thân Hy Lạp. Ai Cập sau đó cũng tham gia. Các tranh chấp về việc chia sẻ nguồn tài nguyên hydrocarbon xung quanh đảo Síp và vận chuyển chúng tới châu Âu đã phát triển thành từ khía cạnh cạnh tranh năng lượng sang khía cạnh quân sự, tùy thuộc vào những diễn biến tại Libya trong những năm qua.

Kỳ lạ là, việc dự án đường ống EastMed mất hiệu lực do nền kinh tế toàn cầu suy thoái trong quý cuối cùng năm 2019 và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với ngành sản xuất công nghiệp, dẫn tới nhu cầu năng lượng giảm, cũng không ngăn chặn được việc tiếp đà cho cuộc khủng hoảng này.

Trái lại, Italy, Palestine và Jordan đã gia nhập liên minh – được tái định hình dưới tên gọi "Diễn đàn khí đốt EastMed" vào tháng 1/2020. Pháp và Mỹ sau đó cũng tham gia – đây được xem là bước đi quan trọng nhất tác động tới sự bất đồng từ việc cạnh tranh năng lượng, và phát triển liên minh quân sự.

9 tháng sau, Pháp đã cung cấp cho Hy Lạp các máy bay chiến đấu Rafale, mang lại cho nước này ưu thế tương đối trước Thổ Nhĩ Kỳ trong xung đột. Bên cạnh đó, Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Nam Síp sau 33 năm.

Cuộc gặp ngày 10/9 giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hứa hẹn sẽ cho thấy rõ hơn quy mô các kế hoạch của liên minh này nhằm "bao vây" Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra khả năng Pháp sẽ nối gót Mỹ, triển khai binh lính tới Tây Thrace và tổ chức các cuộc tập trận chung.

Trong khi đó, tại Biển Đông, Mỹ đang bao vây Trung Quốc bằng một chuỗi các căn cứ và cảng quân sự.

Những căn cứ này đúng là "chiếc thòng lọng" mà người Mỹ đeo vào cổ Trung Quốc khiến Bắc Kinh cảm thấy vô cùng ngột ngạt.

Đầu tiên là nhóm căn cứ ở Đông Bắc Á, chúng được thiết lập để đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc, Triều Tiên và Tây Bắc Thái Bình Dương.

Thứ hai là nhóm căn cứ tại Guam, trong đó quan trọng nhất là căn cứ không quân chiến lược Andersen. Đây là nơi đặt Bộ tư lệnh không quân số 13 của Mỹ. Từ đây, máy bay ném bom chiến lược như B-52H, B-1B hay B-2 có thể xuất kích tấn công bất cứ mục tiêu nào tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 12 giờ.

Mỹ cùng đồng minh bao vây, Trung Quốc và Thổ nằm gọn trong chiếc thòng lọng siết cổ - Ảnh 2.

Các máy bay ném bom B-52 của Mỹ tại căn cứ trên đảo Guam. Ảnh: Không quân Mỹ

Tiếp đến, không kém phần quan trọng là nhóm căn cứ quân sự Mỹ tại Philippines và Singapore. Bên cạnh đó có thể kể đến một số căn cứ Mỹ tại Trung Á và Ấn Độ Dương.

Mới đây nhất, đảo quốc Palau, cách Philippines khoảng 1.500 km về phía đông, đã kêu gọi Mỹ xây dựng căn cứ trên lãnh thổ của mình, ngay tại khu vực mà Washington đang cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Trong khuôn khổ chuyến công du Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tới thăm đảo quốc này và cáo buộc Bắc Kinh "gây ảnh hưởng một cách thâm hiểm" và đang "theo đuổi các hoạt động gây bất ổn" trong khu vực.

Tổng thống Palau Tommy Remengesau sau đó cho biết ông đã nói với Bộ trưởng Esper rằng quân đội Mỹ được chào đón đến Palau để xây cơ sở quân sự.

Ông Remengesau cũng gợi ý Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đến hiện diện ở Palau để giúp tuần tra vùng biển rộng lớn của đảo quốc này.

Mỹ cùng đồng minh bao vây, Trung Quốc và Thổ nằm gọn trong chiếc thòng lọng siết cổ - Ảnh 3.

Tổng thống Palau Tommy Remengesau Jr. và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Palau hôm 27/8. Ảnh: Military Times.

Theo AFP, Mỹ đã định xây dựng một cơ sở radar quân sự ở Palau nhưng kế hoạch đang phải dừng lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Không chỉ thân thiết với Mỹ, Palau còn là một trong 4 quốc gia Thái Bình Dương công nhận Đài Loan.

Trung Quốc đang nỗ lực cắt đứt quan hệ ngoại giao của Đài Bắc với các đồng minh ở Thái Bình Dương, đến nay Bắc Kinh đã thuyết phục thành công quần đảo Solomon và Kiribati.

Tuy nhiên, Palau khước từ mời gọi đó, dẫn đến việc Bắc Kinh cấm người dân đến du lịch ở quần đảo này.

Dù không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, Tổng thống Remengesau nhấn mạnh với ông Esper rằng "các nhân tố gây bất ổn" đang có xu hướng lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến đại dịch mà các quốc đảo nhỏ bé đang phải trải qua.