Mỹ, châu Âu rối ren vì Covid, TQ tung luật an ninh Hồng Kông, sẵn sàng soán ngôi số 1

Đại sứ Nguyễn Quang Khai | 04-06-2020 - 06:56 AM

(Tổ Quốc) - Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đang hiện ra trước mắt do sự leo thang căng thẳng giữa hai cường quốc.

01.

Quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn

Ngày 29/5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên một loạt chính sách, trong đó có các biện pháp trừng phạt thương mại, tài chính và du lịch chống Trung Quốc. Lý do là trước đó một ngày, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết về "Thiết lập, cải thiện hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hồng Kông để bảo đảm An ninh".

Ông D. Trump cho rằng, với nghị quyết này Trung Quốc đã không giữ lời hứa duy trì quyền tự trị của Hồng Kông. Tuyên bố này được đưa ra sau một loạt các hành động không thân thiện khác, bao gồm việc cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với đại dịch Covid-19.

Nghị quyết này có nghĩa là sắp tới Trung Quốc sẽ xây dựng một bộ luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông, gọi tắt là Luật an ninh Hồng Kông. Việc xây dựng bộ luật này không cần tham khảo và thông qua Hội đồng lập pháp của Hồng Kông.

Luật an ninh mới này cấm tất cả các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Hồng Kông. Bộ luật cho phép các cơ quan an ninh cà tình báo của Trung Quốc thiết lập các cơ sở của mình tại Hồng Kông. Điều đó có nghĩa là bất kỳ cuộc biểu tình nào chống Trung Quốc cũng có thể bị trừng phạt nghiêm khắc hơn nhiều so với trước đây.

Các nhà phân tích chính trị trên thế giới cho rằng Dự luật mới này thực chất là một bản Hiến pháp nhỏ, một bước tiến tới chấm dứt quyền tự trị của Hồng Kông. Dự Luật này cho Bắc Kinh quyền kiểm soát lớn hơn đối với khu vực hành chính đặc biệt này kể từ khi trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997.

Mỹ và Phương Tây lo ngại rằng, luật pháp sẽ được sử dụng để đàn áp các quyền tự do truyền thống của Hồng Kông, trong đó có tự do chính trị, tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do biểu tình.

Tổng thống Mỹ D. Trump đã tuyên bố sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Trung Quốc và huỷ bỏ "Quy chế thương mại đặc biệt" đối với Hồng Kông. Đồng thời, Washington đã quyết định bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan trị giá 180 triệu USD để tăng thêm sức ép với Bắc Kinh.

Trong khi đó, Bộ Công an Trung Quốc đã đệ trình một bản báo cáo lên Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Trung Quốc nói rằng, tư tưởng chống Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm tương tự như sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Mỹ, châu Âu rối ren vì Covid, TQ tung luật an ninh Hồng Kông, sẵn sàng soán ngôi số 1 - Ảnh 3.

Báo cáo nói thêm rằng, mối quan hệ Mỹ - Trung đã xuống thấp tới mức tồi tệ nhất, Mỹ vẫn không ngừng cáo buộc Trung Quốc trong các hoạt động thương mại và công nghiệp. Báo cáo cũng đề nghị Trung Quốc nên chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất là một cuộc đối đầu vũ trang với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội để có thể giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh hiện đại. Trung Quốc tuyên bố các giàn phóng tên lửa siêu thanh radar không thể phát hiện được sẽ được đưa vào biên chế sử dụng cuối năm nay. Với việc sở hữu loại tên lửa này, Trung Quốc sẽ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có khả năng phóng tên lửa từ trên không, trên bộ và trên biển cùng với Nga và Mỹ.

Trước mắt, Bắc Kinh tập trung sử dụng các lực lượng mềm để đáp trả các chiến dịch leo thang của Mỹ và phương Tây chống Trung Quốc. Tờ Thời báo Hoàn cầu liên tục có các bài viết công kích Tổng thống D. Trump. Truyền hình nhà nước Trung Quốc mô tả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là "ác quỷ" và cho rằng những nỗ lực của Washington nhằm gắn virus Covid-19 chủng mới với phòng thí nghiệm ở Vũ Hán chỉ là nhằm che giấu sự thất bại của Mỹ trong việc đối phó với dịch bệnh.

02.

Tại sao Trung Quốc chọn thời điểm này để thông qua nghị quyết về Luật an ninh Hồng Kông?

Trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XX vào năm 2021, đề phòng khả năng trước đại hội sẽ có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hồng Kông, việc Quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết về xây dựng luật an ninh Hồng Kông là nhằm ngăn chặn các hoạt động chống đối, đòi ly khai như đã từng xảy ra cuối năm ngoái. Bằng bộ luật mới này, Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh quân sự để ngăn chặn và giải tán các cuộc biểu tình tại Hồng Kông.

Thế giới hiện nay là tập trung mọi nguồn lực để đối phó và giải quyết những hậu quả hết sức nặng nề của đại dịch Covid-19. Nội bộ nước Mỹ đang có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, đại dịch Covid-19 đang tàn phá nước Mỹ, bất đồng gay gắt giữa đảng Cộng hoà của Tổng thống D. Trump và đảng Dân chủ trước ngưỡng cửa cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2020.

Nước Mỹ chưa bao giờ trải qua tình trạng chia rẽ như hiện nay. Các cuộc biểu tình bùng phát trong những ngày qua sau vụ công dân da màu George Floyd bị một cảnh sát da trắng giết chết đang làm rung chuyển nước Mỹ và lan rộng sang châu Âu..... Tổng thống D. Trump đang đứng trước nguy cơ của một cuộc bạo loạn không dễ gì dập tắt.

Châu Âu chịu nhiều sức ép từ Mỹ, lại có nhiều lợi ích trong quan hệ với Trung Quốc, không thể hùa theo Mỹ để chống lại Bắc Kinh. Trước sức ép này, châu Âu càng phải tỏ ra độc lập hơn với Mỹ.

Mỹ, châu Âu rối ren vì Covid, TQ tung luật an ninh Hồng Kông, sẵn sàng soán ngôi số 1 - Ảnh 5.

Trong tình hình như vậy, Mỹ và châu Âu không thế làm gì hơn ngoài các tuyên bố "bày tỏ lo ngại" hoặc lên án Trung Quốc. Washington có thế áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngừng thực hiện thoả thuận thương mại ký tháng 1/2020 với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế Trung Quốc là con dao hai lưỡi cũng sẽ gây tổn hại cho chính nến kinh tế của Mỹ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tuỳ thuộc lẫn nhau. Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu quan hệ với Trung Quốc Trương Ngũ Khưu thuộc Đại học Đạm Giang, Đài Loan nói "Việc Mỹ tuyên bố trừng phạt Trung Quốc chỉ là sấm to mưa nhỏ."

Cuối cùng, trước việc Mỹ và châu Âu gây sức ép mạnh mẽ về nguồn gốc đại dịch Covid-19, Trung Quốc thông qua nghị quyết về luật an ninh Hồng Kông vào thời điểm này là nhằm giảm bớt sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào những cáo buộc chống Trung Quốc trong vấn đề Covid-19.

03.

Tổng thống Donald Trump có vũ khí gì?

Tuyên bố của chính quyền D. Trump dỡ bỏ quy chế đặc biệt đối với Hồng Kông không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Trung Quốc, mà ngược lại sẽ tác động tiêu cực nhiều hơn đối với chính nền kinh tế của Mỹ.

Theo ngân hàng thế giới (WB), khi Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, đóng góp của Hồng Kông vào tổng thu nhập quốc nội (GDP) của đại lục khoảng 18%, nhưng nay tỷ lệ này chỉ còn 3%. Trong khi đó, Hồng Kông lại là đối tác lớn thứ 21 của Mỹ, đem lại thặng dư thương mại lớn nhất của Mỹ trên thế giới với trên dưới $31 tỷ/năm, chủ yếu xuất khẩu từ Mỹ và hơn 1.300 công ty Mỹ, 434 công ty quốc tế và đa quốc gia đang hoạt động tại Hồng Kông.

Ngày nay, Trung Quốc và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ nhất của nhau. Theo cơ quan Đại diện thương mại Mỹ trực thuộc văn phòng Tổng thống, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ hai chiếu năm 2018 đạt 737,1 tỷ USD. Trong đó Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 557,9 tỷ USD xuất khẩu sang Trung Quốc 179,3 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới $378,6 tỷ, mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là chưa tính đến việc hiện nay Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với 1,13 nghìn tỷ USD

Hiện tại, hàng năm có trên dưới 3 triệu lượt người xuất nhập cảnh giữa Trung Quốc và Mỹ. Hàng ngày có 110 chuyến bay chở khách giữa Mỹ và Trung Quốc. Các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ đang trở thành một điểm đến học tập ngày càng phổ biến đối với sinh viên Trung Quốc. Khoá học 2018 - 2019 hơn 369 nghìn lưu học sinh Trung Quốc đang theo học các trường của Mỹ. Trong khi đó có 11,613 sinh viên của Mỹ học tập tại các trường đại học của Trung Quốc.

Mỹ, châu Âu rối ren vì Covid, TQ tung luật an ninh Hồng Kông, sẵn sàng soán ngôi số 1 - Ảnh 7.

Như vậy, trừng phạt Trung Quốc, rút quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông sẽ đánh vào chính nền kinh tế Mỹ đang suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, đánh vào chính các doanh nghiệp Mỹ và người dân Hồng Kông. Họ sẽ phải đối mặt với những điều kiện thương mại khó khăn hơn rất nhiều. Hành động này của Mỹ sẽ còn gây ra biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

04.

Bản chất căng thẳng Mỹ - Trung

Quan hệ Trung-Mỹ là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất, là mối quan hệ giữa hai quốc gia lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, cơn bão Covid-19 sẽ cuốn theo sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ trỗi dậy mạnh mẽ như một cường quốc cạnh tranh với vị trí của Mỹ. Căng thẳng Mỹ - Trung trong vấn đề Covid-19 và luật an ninh Hồng Kông chỉ là cái cớ và giọt nước tràn ly.

Nước Mỹ đang đứng trước những khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra. Đến nay số người bị lây nhiễm tại Mỹ đã lên tới 1,86 triệu, trong đó có hơn 107.000 người tử vong. Giá dầu giảm, ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ bị tê liệt, hàng ngàn công ty Mỹ bị phá sản, hơn 40 triệu người gia nhập đội quân thất nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế Mỹ tăng trưởng -6%.

Không ai có thể tưởng tượng được nước Mỹ, siêu cường số một thế giới lại có nhiều người đang bị đói, không đủ tiền trả tiền thuê nhà và viện phí. Nếu không kiểm soát được đại dịch Covid-19, nước Mỹ sẽ còn gặp nhiều khó khăn không lường trước được.

Mỹ, châu Âu rối ren vì Covid, TQ tung luật an ninh Hồng Kông, sẵn sàng soán ngôi số 1 - Ảnh 9.

Trong khi đó, Trung Quốc về cơ bản đã ra khỏi đại dịch và bắt đầu các biện pháp khôi phục lại kinh tế. Năm 2000, Trung Quốc là đối tác đứng thứ 11 của Mỹ thì nay đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ với GDP hơn 14,3 ngàn tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, với đà phát triển như hiện nay, Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt Mỹ vào năm 2030.

Với dân số 1,4 tỷ người, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là chủ nợ lớn nhất của Mỹ và sức mạnh quân sự không thể xem thường, Trung Quốc đang ở vị trí hàng đầu được các nhà phân tích dự đoán sẽ lấy lại sự cân bằng cán cân lực lượng trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều nhà nghiên cứu chiến lược của Mỹ như Joseph Nye, Brzezinski, Farid Zakaria, Richard Haass, Kissinger... nhận định rằng, nếu thế giới quay trở lại trật tự lưỡng cực thì Trung Quốc sẽ là một ứng viên ngang hàng với Mỹ. Tất cả những người này đều đặt Trung Quốc đứng đầu các cường quốc đang phấn đấu để trở thành một cực trong trật tự thế giới mới hậu Covid-19.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói, Trung Quốc không tìm cách tranh giành quyền lãnh đạo thế giới với Mỹ. Tuy nhiên, dù muốn hay không, sau đại dịch Covid-19, trật tự thế giới sẽ phải thay đổi, trong thập niên tới Mỹ sẽ không thể giữ được vị trí cường quốc số một nữa.

Mỹ, châu Âu rối ren vì Covid, TQ tung luật an ninh Hồng Kông, sẵn sàng soán ngôi số 1 - Ảnh 10.

Sáu vấn đề nổi cộm trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc

1. Tổng thống Mỹ D. Trump không ngừng cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch về đại dịch Covid-19. Ông gọi đó là "virus Trung Quốc" hoặc "virus Vũ Hán" bởi vì nó xuất phát từ Trung Quốc.

2. D. Trump coi Trung Quốc là quốc gia được hưởng những điều kiện không công bằng trong quan hệ thương mại bất lợi cho Mỹ. Washington cũng tố cáo tập đoàn công nghệ Huawei ăn cắp các bí mật thương mại của Mỹ. Mỹ đã mở một chiến dịch nhằm cô lập Huawei trên thế giới.

3. Mỹ phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác tại khu vực Tân Cương. Quốc hội Mỹ tăng cường gây sức ép đố với Bắc Kinh thông qua các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc.

4. Trung Quốc coi Đài Loan là một bộ phận thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Mặc dù không công nhận về mặt ngoại giao, nhưng Mỹ vẫn coi Đài Loan là đồng minh cuaur mình và cung cấp vũ khí cho hòn đảo này.

5. Đối đầu ở Biển Đông. Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông và xây dựng các đảo nhân tạo nhằm củng cố sự có mặt quân sự của mình ở khu vực. Trong khi đó, các tàu chiến của Mỹ tiến hành các cuộc tập trận ngay sát các đảo Trung Quốc coi là của mình, nhằm đảm bảo "tự do hàng hải" ở Biển Đông.

6. Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông Đáp lại, Mỹ tuyên bố huỷ quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông với lý do thành phố này không còn độc lập với Trung Quốc nữa.


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.