Ai mà không muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn? Nhưng quá trình thay đổi cuộc sống không dễ dàng. Muốn thay đổi cuộc sống phải bắt đầu từ việc cải thiện và nâng cao bản thân. Hãy xác định điều gì đó bạn làm tốt, rèn luyện chăm chỉ, chiến đấu những thử thách, cho bản thân thời gian để phát triển và bạn sẽ nhận được kết quả tuyệt vời.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cản trở con người ta cố gắng và nỗ lực thay đổi là những rào cản về mặt tâm lý. Dưới đây là một số vấn đề phổ biến và cách ứng phó với chúng:
Voi và người cưỡi voi
Nhiều nhà tâm lý học và nhà văn nổi tiếng như Jonathan Haidt và Robert Greene đã sử dụng phép loại suy này để mô tả cuộc chiến giữa tư duy cảm tính và tư duy lý tính của con người.
Hãy tưởng tượng, người cưỡi có thể muốn tiếp tục đi đúng hướng và về đích, nhưng nếu con voi nặng 6 tấn quyết định nghỉ ngơi, người cầm lái nhỏ bé không có nhiều lựa chọn.
Nó phản ánh một hiện thực rằng, có nhiều vấn đề trong cuộc sống mà mình khó có thể kiểm soát được, khiến bản thân phải đấu tranh giữa lý trí và cảm tính để đưa ra quyết định. Ví dụ như việc ăn kiêng. Lý trí nhận thức được rằng, lượng chất béo trong cơ thể mình đã cao hơn mức cho phép và cần một chế độ ăn kiêng để đảm bảo sức khỏe. Nhưng cảm tính của chúng ta vẫn thôi thúc cảm giác thèm ăn khi nhìn thầy đồ ngọt, các món ăn chiên, rán...
Vậy, phải làm thế nào để cải thiện lối tư duy cảm tính của mình? Đầu tiên, bạn phải tìm cách ép bản thân phá bỏ những rào cản về sự nghi ngờ, nỗi sợ hãi và những cảm xúc tiêu cực để tạo ra những vòng phản hồi tích cực và khiến thói quen mới về suy nghĩ lý tính bắt đầu hình thành. Theo thời gian, bạn sẽ tạo ra một đường phát triển đi lên dựa trên động lực có được từ những thành tựu tích cực, thu được từ những bước cải thiện đầu tiên. Quá trình lặp đi lặp lại sẽ giúp não bộ làm quen và sinh ra phản xạ phân tích mọi thứ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Thiên kiến xác nhận
Thiên kiến xác nhận là một khuynh hướng mà con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ.
Những trải nghiệm trong quá khứ định hình thế giới quan của bạn và bộ não sẽ phủ nhận những điều mới dựa trên những gì bạn đã tin tưởng. Đây là lý do tại sao một số người thực sự không thể nhìn thấy động lực để cải thiện và phát triển.
Những người nghèo đói phải chịu những trở ngại về hoàn cảnh và tâm lý. Về mặt lý thuyết, những người nghèo khó có thể tự vươn lên hoàn cảnh. Nhưng điều này đối với họ là khó khăn hơn người khác vì họ bị ám ảnh bởi hiện thực khó khăn của. Điều này dẫn đến việc sự đói nghèo lại lặp đi lặp lại và truyền sang cho thế hệ tiếp theo.
Con người cần thay đổi niềm tin về nhiều vấn đề cuộc sống để cải thiện chính cuộc sống của mình - niềm tin về tiền bạc, chính trị, bản chất của con người, thành công, may mắn và rủi ro, … Nhưng hầu hết mọi người sẽ lọc ra những quan điểm có lợi cho họ bởi vì họ quan tâm đến điều gì làm bản thân mình thoải mái, hơn là việc thay đổi cuộc sống của họ. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, đã đến lúc phân tích và sàng lọc những suy nghĩ của mình, bước ra khỏi vòng suy nghĩ an toàn và hướng tới những điều mới hơn.
Tâm lý hài lòng với hiện tại
Có thể hiểu hiện tượng Hyperbolic Discounting đơn giản là, khi phải đưa ra quyết định, con người thường có xu hướng chọn sự hài lòng ngay lập tức hơn là những giá trị lớn hơn sẽ đạt được trong tương lai.
Đây là một vấn đề mà những người nghèo thường có xu hướng mắc phải. Họ không đủ khả năng để tiết kiệm tiền. Trong trường hợp đó, thật khó để tính đến một khoản tiền lớn trong tương lai và bỏ qua một khoản tiền chi tiêu thiết yếu ngay lập tức.
Đây là lý do tại sao mọi người không đầu tư mà lại dành thời gian để thỏa mãn những nhu cầu ngay lập tức của mình. Ví dụ: mọi người có xu hướng tiêu tiền quá tay khi nhận lương vào đầu tháng, và kết quả đến giữa tháng hết tiền và sẽ có xu hướng ứng lương hoặc đi vay để đáp ứng nhu cầu hiện tại, sau đó tiền lương nhận được sẽ dùng để trả nợ và một vòng như vậy lại lặp lại.
Vậy, làm thế nào để phát triển tư duy dài hạn? Bạn có thể rèn luyện bản thân để kiềm chế những mong muốn tức thời. Hãy phát triển các kỹ năng suy luận để nhìn xa hơn trong tương lai và cần có niềm tin để phán đoán và đưa ra quyết định.
Tâm lý chia sẻ công bằng (Kantian Fairness Tendency)
Có thể hiểu đơn giản là những người có tâm lý chia sẻ công bằng thường có những tầm nhìn không tưởng rằng mọi thứ trên thế giới là công bằng. Nhưng sự thật là, để thành công, bạn phải hiểu rằng cuộc sống không công bằng. Bạn cần tìm hiểu sự khác biệt giữa cách thế giới thực sự đang hoạt động với cách bạn nghĩ thế giới nên hoạt động.
Khi bạn hiểu thế giới không công bằng, chúng ta sẽ không còn so sánh mình với người khác nữa. Đồng thời, chúng ta sẽ không gục ngã khi có điều gì đó không theo ý mình vì thiếu may mắn. Và nếu bạn là người thông minh, bạn sẽ nhận ra rằng may mắn chỉ đóng một vai trò nhỏ trong sự thành công và điều này sẽ thôi thúc bạn cố gắng nhiều hơn thay vì trông chờ vào những may mắn.
Tâm lý đám đông
Tâm lý đám đông là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài, sự tác động đó lớn tới mức cá nhân có thể “đánh mất chính mình”, có những cảm xúc, thái độ, hành vi mà lúc ở một mình họ không thể nào có được.
Nếu bạn quyết định bắt tay vào hành trình tự cải thiện bản thân, có một thời điểm, bạn sẽ không đồng ý với vô số những điều thông thường đã trở thành quy luật trong xã hội. Đó không phải điều lạ lùng.
Nếu bạn muốn đạt được kết quả mà người khác không thể đạt được, thì bạn cũng không thể nghĩ giống như họ. Để nghĩ khác đi, bạn sẽ phải đấu tranh chống lại tư duy bắt chước đám đông của mình. Khả năng bạn tự suy nghĩ và phân tích sẽ định hình cách bạn hành xử. Cách bạn cư xử, kết hợp với may mắn và hoàn cảnh, sẽ tạo ra kết quả của bạn.
*Dịch từ báo nước ngoài