Dệt may là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nặng nề nhất. Trong giai đoạn I, ngành dệt may bị thiếu nguồn nguyên liệu do các nhà cung cấp chính của họ tại Trung Quốc vẫn đang vật vã chống dịch. Còn đến giai đoạn II, lượng cầu của họ lại sụt giảm nghiêm trọng bởi đại dịch Corona bắt đầu tàn phá Âu – Mỹ. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thậm chí có không ít doanh nghiệp đã mang hàng đến cảng mà không thể xuất đi được, đành phải chịu chi phí lưu kho lớn.
Cụ thể: kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4/2020 đã sụt giảm 20% so với tháng 3, mà trước đó tháng 3 cũng đã sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 10,63 tỷ USD, sụt giảm 6,6% và kim ngạch nhập khẩu đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng cùng năm trước. Lần đầu tiên trong lịch sử, cả xuất nhập khẩu đều tăng trưởng âm.
"Có thể nói, mảng ăn nên làm ra nhất hiện nay ở ngành dệt may chính là sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Tính đến tháng 4/2020, Việt Nam đã xuất khẩu được 415 triệu khẩu trang, trị giá tầm 6,3 triệu USD vào các thị trường đang là tâm điểm của dịch bệnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hong Kong và Singapore. Tuy nhiên, con số 6,3 triệu USD nói trên chẳng thấm vào đâu nếu so với 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hằng năm của ngành dệt may", ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết.
Có 2 yếu tố quan trọng giúp mảng khẩu trang Việt chớp thời cơ thành công. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã có các hỗ trợ đáng kể nhằm nới lỏng các điều kiện xuất khẩu giúp khẩu trang Việt Nam nhanh chóng thông quan. Trước đây, tất cả các loại khẩu trang phải qua kiểm định mới được xuất khẩu, nay Chính phủ đã nới lỏng các cơ chế cho việc xuất khẩu khẩu trang vải – kháng khuẩn – kháng giọt bắn và y tế thuận lợi hơn.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS (thứ hai từ trái sang).
Thứ hai là do nhu cầu khẩn thiết từ người dân và ngành y tế trước tốc độ lây lan kinh khủng của virus Corona, những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản cũng đã không còn khắt khe như trước đây khi nhập khẩu các sản phẩm vừa kể trên.
"Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh ở những thị trường này tạm thời lắng xuống, chắc chắn ngành sản xuất khẩu trang và bảo hộ y tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn thời điểm hiện tại. Châu Âu và Mỹ sẽ bắt đầu xiết lại các quy định về chất lượng khẩu trang, với châu Âu thì cần đạt tiêu chuẩn CE còn Mỹ sẽ phải đạt tiêu chuẩn FDA. Thêm nữa, Việt Nam sẽ dần bị các nước có thế mạnh về dệt may trong khu vực cạnh tranh như Trung Quốc, Indonesia…
Hiện các doanh nghiệp Việt đang sản xuất khẩu trang có chất lượng không đồng đều, tôi sợ tình trạng ‘con sâu làm rầu nồi canh’, ví dụ 1 doanh nghiệp Việt tuồn hàng kém chất lượng vào thị trường nào đó, khiến họ phát hiện và có những ‘chăm sóc đặc biệt’ với các doanh nghiệp Việt khác", ông Trương Văn Cẩm quan ngại.
Ông Đinh Ngọc Long – Chuyên gia về chứng chỉ chất lượng CE cũng khẳng định là ông đã thấy một văn bản nào đó của Nhà nước đề cập đến việc một vài nước châu Âu cho phép nhập khẩu trang mà không cần chứng chỉ CE, tuy nhiên doanh nghiệp phải trình bày rõ lý do vì sao mình chưa có CE cũng như lộ trình để đạt được giấy chứng nhận tiêu chuẩn châu Âu này.
Theo ông Long, để đạt chứng chỉ CE thì sản phẩm khẩu trang và bảo hộ lao động của doanh nghiệp Việt phải có đủ 3 tiêu chí: an toàn, tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khi thực hiện form đăng ký, các doanh nghiệp không cần quan tâm đến việc khẩu trang của mình có bao nhiêu lớp, mà chỉ cần đề cập đến việc nó là loại sử dụng 1 lần hay nhiều lần.
Ông Đinh Ngọc Long đang trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang Việt trong Hội thảo do VITAS vừa tổ chức.
Cũng như thế, ông Trần Anh Tuấn - Chuyên gia về chứng chỉ chất lượng FDA cũng lưu ý các doanh nghiệp một vài khác biệt về các quy định tiêu chuẩn khẩu trang đi Mỹ so với trước kia. Quy định mới thứ nhất: sản phẩm cần sẵn sàng cho việc copy, nếu FDA chưa yên tâm thì họ sẽ copy sản phẩm mang về xem lại. Quy định mới thứ hai: các chuyên gia của FDA sẽ đến doanh nghiệp thẩm định thông tin bất cứ khi nào họ muốn mà không cần thông báo trước.
"Các bước làm chứng chỉ FDA như thế này: bước 1, doanh nghiệp lên đăng ký thông tin trên form có sẵn; bước 2, nộp phí trên website (phí này không hề rẻ, lưu ý là các doanh nghiệp SMEs có vốn dưới 100 triệu USD sẽ được giảm 50%); bước 3, doanh nghiệp sẽ đợi FDA thẩm định và nếu mọi chuyện suôn sẻ, sản phẩm sẽ được cấp chứng nhận FDA. Thời gian cấp chứng chỉ sẽ phụ thuộc và tất cả các khâu kể trên và rất khó để nói chính xác thời gian hoàn tất", ông Trần Anh Tuấn khẳng định.
Cuối cùng, từ quan điểm của mình, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương cho rằng: nếu muốn được chia phần 'ổ bánh thơm ngon' là thị trường khẩu trang thế giới, ngành dệt may Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng hơn là số lượng. Thế nên, Bộ kêu gọi sự đầu tư nghiêm túc và phát triển bài bản của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Bởi, nếu không có yếu tố chất lượng, qua mùa dịch ngành khẩu trang của Việt Nam sẽ bị ‘chết yểu’, chưa nói chúng ta có thể bị thiệt hại lớn nếu không nắm vẫn các quy cách hàng hóa – chuẩn chất lượng sản phẩm của từng thị trường cụ thể. Ngành khẩu trang và đồ bảo hộ lao động Việt Nam phát triển kiểu ‘chóng nở tối tàn’ hay bền vững phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm của từng doanh nghiệp.