Thu Hằng (1992, Hà Nội) hiện đang là nhân viên của một công ty thuộc lĩnh vực tài chính, ngoài ra cô cũng sở hữu 1 kênh blog chuyên chia sẻ về những câu chuyện tài chính và đầu tư. Thu Hằng cho biết, cô đã có 1 chặng đường tích lũy tài chính cá nhân rất dài, bắt đầu đi lên từ hai bàn tay trắng cùng “vài món nợ” - cho đến khi có nhà. Và bây giờ thì lại “đủng đỉnh” trong chuyện tiền bạc, cũng đã sở hữu cho mình 1 vài quỹ đầu tư có tiềm năng.
Đã từng tiêu xài hoang phí như thế!
Mình bắt đầu biết đến quản lý tài chính cá nhân là khoảng 7 năm trước, lúc bắt đầu học Thạc sĩ ở Pháp. Khoảng thời gian khi còn là sinh viên, gia đình luôn chu cấp tiền sinh hoạt phí hàng tháng cho mình. Khi đó cuộc sống còn rất màu hồng, vì thế mình thoải mái mua sắm, ăn uống, đi chơi cùng bạn bè và chi tiêu không kiểm soát. Cứ hết là gọi mẹ gửi thêm.
Nhưng được học ở môi trường nước ngoài, mọi người tự lập từ khá sớm, nên bạn bè mình cũng bắt đầu dạy cho mình cách tiết kiệm để có thể mua vé máy bay về nước. Đấy là lần đầu tiên mình học cách quản lý tài chính cá nhân sao cho hiệu quả. Tính từ thời điểm rời đại học, mình đã không cần phải xin tiền mẹ nữa.
Thời điểm đó, mình cũng dần tiếp xúc với sách báo nhiều hơn. Những cuốn sách về quản lý tài chính cá nhân khiến mình ám ảnh, gây ảnh hưởng đến quá trình nhận thức và trưởng thành trong tài chính, biến mình từ 1 đứa vô lo trở thành người biết tự lập và lo xa hơn.
Tốt nghiệp Thạc sĩ xong, mình bắt đầu đi làm và tiết kiệm. Dần già, mình có thể tự mua chiếc piano đầu tiên. Và sau đó 1 khoảng thời gian, mình lập gia đình. Tụi mình phải tự gom tiền để kết hôn, mua vé bay đi bay lại nhiều lượt, rất tốn kém. Khi đó, cả hai đều chưa có gì trong tay, cùng nhau gom nhặt từ những điều nhỏ bé, rồi đến kế hoạch lớn hơn là mua nhà.
Một kế hoạch tài chính cụ thể giúp mình mua nhà thành công
Lúc mới cưới, mình bán 3 cây vàng được khoảng hơn trăm triệu. Cộng thêm cả tiền mừng và tiền tiết kiệm, thì mình dồn được khoảng 300 triệu. Kể ra cũng là 1 con số lớn với 1 cặp đôi chưa có gì trong tay.
Mình hỏi mượn thêm họ hàng khoảng 1 tỷ nữa, con số khi đó đủ để mua 1 căn hộ officetel (dạng căn hộ linh hoạt, vừa có thể ở vừa có thể biến tấu thành phòng làm việc), khoảng 30m2 và có gác mái bé xinh. Tuy bị mọi người chê nhỏ, nhưng với tụi mình thì không nhỏ chút nào, vì trên vai còn 1 đống nợ. Bỏ ngoài tai lời nhận xét đó, mình nghĩ từ giờ sẽ có 1 “chiếc ổ nhỏ” để chui ra chui vào là đã thấy hạnh phúc lắm rồi.
Nửa năm sau, tụi mình mới gom xong tiền để làm nội thất. Và kể từ thời điểm này, con đường dành dụm từng đồng từng cắc để… trả nợ bắt đầu.
Bài toán tài chính được cân đo đong đếm lại. Tụi mình quyết định cho thuê căn hộ đó, vì làm nội thất xong quá đẹp, có rất nhiều người ngỏ ý muốn thuê. Nắm bắt được cơ hội, tụi mình cho thuê với giá là 11 triệu/tháng. Thế là nói với nhau: “Từ giờ lại có thêm 1 đầu lương nữa rồi!”
Rồi từ khi mua nhà đến khi trả nợ xong cho họ hàng là hơn 3 năm. Trong thời gian đó, lương chồng mình thì tăng, còn lương mình lúc tăng lúc giảm không có con số cụ thể.
Vậy mà cứ từ 1 triệu, 5 triệu, 10 triệu, tiền nhà cho thuê,... gom từng chút 1, cuối cùng cũng trả xong khoản nợ hơn 1 tỷ đó.
Trả xong nợ thì tụi mình vẫn cho người ta thuê lại căn hộ đó. Còn tụi mình thì thuê căn hộ khác rộng hơn để ở, vị trí cũng thuận lợi cho việc đi làm. Và thế là căn nhà đó cũng thuộc vào khoản tài sản có khả năng sinh lợi rồi.
Mua nhà và trả nợ xong, tiếp tục bài toán tài chính thế nào đây?
Sau khi thanh toán hết bài toán mua nhà, mình lại tìm đến những kênh đầu tư khác vì nhận ra sức mạnh của lãi kép quá lớn. Và mục tiêu mình muốn chinh phục tiếp theo, đó là “tự chủ tài chính tuổi 30”.
Hiện tại, mình xác định sản phẩm tài chính tiếp theo tụi mình đã, đang và sẽ đầu tư bao gồm:
- Bảo hiểm: Tất cả các loại bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, bệnh tật,... đều được xem xét kỹ lưỡng, vì vô cùng có lợi và đảm bảo quyền lợi về sau. Đây sẽ là khoản tiền hỗ trợ tài chính cho gia đình, và không bị tác động bởi biến số ngẫu nhiên nào.
- Các loại quỹ mở.
- Vàng và các loại tài khoản gửi tiết kiệm ngân hàng: Mình gọi đây là dòng tiền trú ẩn. Dòng tiền này mình sẽ dành riêng để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Thời điểm chưa cần dùng tới, thì những con số này sẽ tiếp tục tiền đẻ ra tiền trong “vô thức”.
- Quỹ lương hưu và Quỹ giáo dục: Đây là loại tài khoản dành riêng để phục vụ bản thân. Ít nhất là mình sẽ không cần nhờ đến con cái khi về già.
Sở dĩ mình phân nhiều danh mục đầu tư như vậy: Thứ nhất bởi vì tiền dư mình không cần đem đi trả nợ nữa. Thứ hai, là nếu để tiền nằm nguyên 1 cục ở đó, không có kế hoạch khiến chúng sinh sôi nảy nở, thì bao nhiêu công sức học về tài chính của mình coi như đổ bể. Hiện tại, mình cũng đã đủng đỉnh để vào mỗi danh mục một ít, và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên.
Tuy nhiên, tất cả danh mục này mình đều lựa chọn đầu tư lâu dài, góp dần theo mỗi tháng, để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất mà vẫn giữ được lợi nhuận trung bình như kỳ vọng. Mình luôn thận trọng trong từng bước một.
Dù hiện tại, số tiền này không quá lớn, nhưng giúp mình “đủng đỉnh” trong chuyện tài chính hơn nhiều. Mình luôn tâm niệm, không để trứng vào một rổ, luôn biết tiết kiệm và đầu tư đúng kỷ luật (điều này quan trọng lắm). Chính những thói quen nhỏ này sẽ khiến cuộc sống tụi mình trở nên tự chủ và an toàn hơn!
Cảm ơn Thu Hằng vì những chia sẻ!