Mưa axit, được mệnh danh là thần chết trên bầu trời có tác hại như thế nào?

Đức Khương | 14-01-2022 - 20:48 PM

(Tổ Quốc) - Mưa axit được xem như là một trong những thảm họa thiên nhiên, gây tác động xấu đến con người, sinh vật cũng như môi trường tự nhiên.

Mưa axit là gì?

Tên chính thức của mưa axit là lắng đọng axit, dùng để chỉ mưa, tuyết, sương mù, mưa đá và các lượng mưa trong khí quyển khác với giá trị pH nhỏ hơn 5,6. Nó có thể được chia thành hai loại: "lắng đọng ướt" và "lắng đọng khô". Loại trước dùng để chỉ tất cả các chất ô nhiễm dạng khí hoặc chất ô nhiễm dạng hạt rơi xuống đất cùng với lượng mưa, tuyết, sương mù hoặc mưa đá. Loại thứ hai đề cập đến một số các chất chua mang theo bụi rơi từ không khí vào những ngày trời không mưa.

Mưa axit, được mệnh danh là thần chết trên bầu trời có tác hại như thế nào? - Ảnh 1.

Mưa axit ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng, nguồn nước nhạt, và đất, làm chết côn trùng và thủy sinh, cũng như ăn mòn các kết cấu thép như cầu, và phong hóa các tòa nhà và tượng bằng đá cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Từ thập niên 1970, một số quốc gia đã từng cố gắng giảm thải lượng lưu huỳnh dioxide và nitơ oxide vào khí quyển với những kết quả khả quan. Nitơ oxide cũng có được tạo ra từ tia sét, và lưu huỳnh dioxide cũng được tạo ra từ các vụ phun trào núi lửa.

Mưa axit có giá trị pH thấp hơn 4,7 sẽ chuyển chì hữu cơ trong đất thành chì vô cơ, ức chế sự phân chia tế bào của rễ cây, do đó, bào tử của các loại vi khuẩn, nấm, virus và các mầm bệnh khác xâm nhập vào rễ cây và có thể làm chết cây; Nếu giá trị PH thấp hơn 3,5 thì nó sẽ gây hại trực tiếp đến tán lá của cây, làm cho cây bị héo và chết. Chính vì vậy, người ta thường gọi trận mưa axit này là "thần chết trên bầu trời".

Mưa axit, được mệnh danh là thần chết trên bầu trời có tác hại như thế nào? - Ảnh 2.

Ở Việt Nam đã xuất hiện mưa axit ở bán đảo Cà Mau năm 1998. Tỉnh Cà Mau của Việt Nam không phải là một khu công nghiệp phát triển, vì vậy nguyên nhân gây ra mưa axit ngoài những tác động cục bộ như: hoạt động giao thông vận tải, nạn cháy rừng, đốt rừng,… cần phải xem xét đến những tác động khác như khói công nghiệp, hoạt động của núi lửa và cả những nguyên nhân xuất phát từ các vùng lân cận như Indonesia, Philipines, Malaysia,… do gió mang đến. Tại khu vực thành phố Cần Thơ, tần suất xuất hiện mưa acid trung bình trong mười năm đã lên đến 58%. Ở Tây Ninh tần suất xuất hiện mưa acid trung bình trong mười năm cũng ở con số 57,9%.

Sự hình thành mưa axit

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mưa axit như sự phun trào của núi lửa hay các đám cháy… Nhưng nguyên nhân chính vẫn là con người. Mưa axit được hình thành chủ yếu là do con người thải ra một lượng lớn các chất có tính axit vào bầu khí quyển. Ví dụ, ở Trung Quốc, mưa axit chủ yếu hình thành do đốt than có hàm lượng lưu huỳnh cao, phần lớn là mưa axit sunfuric, ít mưa axit nitric hơn.

Mưa axit, được mệnh danh là thần chết trên bầu trời có tác hại như thế nào? - Ảnh 3.

Trong thành phần các chất đốt tự nhiên như than đá và dầu mỏ có chứa một lượng lớn lưu huỳnh, còn trong không khí lại chứa nhiều nitơ. Quá trình đốt sản sinh ra các khí độc hại như: lưu huỳnh dioxide và nitơ dioxide. Các khí này hòa tan với hơi nước trong không khí tạo thành các axit sunfuric và axit nitric. Khi trời mưa, các hạt axit này tan lẫn vào nước mưa, làm độ pH của nước mưa giảm. Nếu nước mưa có độ pH dưới 5,6 được gọi là mưa axit. Do có độ chua khá lớn, nước mưa có thể hòa tan được một số bụi kim loại và oxide kim loại có trong không khí như oxide chì,... làm cho nước mưa trở nên độc hơn nữa đối với cây cối, vật nuôi và con người.

Sự nguy hiểm của mưa axit

1. Mưa axit có thể làm chua đất, mất chất dinh dưỡng khoáng của đất; thay đổi cấu trúc đất, dẫn đến đất cằn cỗi, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cây trồng; mưa axit cũng có thể gây ra bệnh thực vật và côn trùng gây hại, làm giảm năng suất cây trồng rất nhiều.

2. Mưa axit có thể gây ra tác hại lớn đối với thực vật rừng. Lá cây tiếp xúc với mưa axit càng lâu thì mức độ gây hại càng nặng.

3, Tác động đến cơ thể con người. Thứ nhất, các kim loại nặng như thủy ngân và chì xâm nhập vào cơ thể con người qua chuỗi thức ăn, gây ung thư và sa sút trí tuệ do tuổi già; thứ hai, sương mù axit xâm nhập vào phổi gây phù phổi hoặc tử vong; thứ ba, sống trong môi trường chứa axit lắng đọng lâu ngày, thời gian tạo ra quá trình oxy hóa lipid quá mức làm tăng khả năng mắc các bệnh như xơ cứng động mạch và nhồi máu cơ tim.

4. Mưa axit có thể làm tan lớp xi măng đã đông cứng trên bề mặt vật liệu xây dựng phi kim loại (bê tông, vữa và gạch vôi cát), tạo ra các lỗ rỗng và vết nứt, làm giảm cường độ và hư hỏng công trình.

Mưa axit, được mệnh danh là thần chết trên bầu trời có tác hại như thế nào? - Ảnh 4.

Mưa axit được phát hiện ra đầu tiên năm 1952 nhưng đến những năm 1960 thì các nhà khoa học mới bắt đầu quan sát và nghiên cứu về hiện tượng này. Thuật ngữ "mưa acid" được đặt ra bởi Robert Angus Smith vào năm 1972. Người ta đã thấy rằng mưa acid rất nguy hại đến môi trường sống, trong xây dựng, trong bảo tồn di tích lịch sử... Phát hiện tại Đức năm 1984 cho thấy, hơn một nửa các cánh rừng của miền Tây nước này đã và đang ở vào thời kỳ bị phá hủy với những mức độ khác nhau và sản lượng gỗ bị hủy ước tính khoảng 800 triệu USD. Hay như ở Thụy Sĩ bị thiệt hại khoảng 12 triệu cây (chiếm 14% diện tích rừng), trong khi đó ở Hà Lan diện tích rừng bị phá hủy lên đến 40%. Sở dĩ mưa axit "giết hại" các khu rừng, vì chúng rửa trôi toàn bộ chất dinh dưỡng và những vi sinh vật có lợi, làm yếu đi sức đề kháng của cây cối, khiến cây dễ bị mắc bệnh do nhiễm ký sinh trùng. Lá cây gặp mưa axit bị "cháy" lấm chấm, mầm chết khô… Thông là loài cây đặc biệt nhạy cảm với mưa axit


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM