Ngày 9/3, cái tên Sun & Sea Resort bắt đầu tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ở Thừa Thiên Huế, khi đây trở thành khu cách ly của 14 du khách ở khách sạn Moonlight – nơi nữ du khách 66 tuổi, là bệnh nhân số 30 trong đại dịch Covid-19 đã lưu trú.
Đến ngày 12/3, ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đăng chia sẻ lên Facebook cá nhân để cảm ơn ông chủ của Sun & Sea Resort vì đã tình nguyện 'hiến' resort này cho công tác cách ly của tỉnh nhà, thì mọi người mới vỡ lẽ là Sun & Sea Resort tự nguyện chứ không phải bị chỉ định.
"Khu nghỉ dưỡng Sun & Sea Resort có cái tên cũ là Abalone Resort and Spa. Là khu nghỉ dưỡng duy nhất nằm ven đầm phá Tam Giang ở Thuận An. Một khu nghỉ dưỡng có vị trí tuyệt đẹp, hội tụ những tiềm năng để phát triển thành bậc nhất trong khu vực đầm phá rộng lớn hơn 22.000ha này.
Những ngày dịch Covid-19 đang tràn qua. Ứng xử cách ly với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh và nghi nhiễm bệnh là câu chuyện vô cùng phức tạp, nhạy cảm. Cầu cạnh, tìm kiếm một nơi đủ điều kiện kinh doanh du lịch chấp nhận làm nơi cách ly là điều vô cùng khó. Không chủ doanh nghiệp nào muốn cơ sở của mình trở thành nơi như thế.
Ông chủ của Sun & Sea Resort - anh Trịnh Quang - là một trong số rất ít người đã chấp thuận ngay đề nghị của lãnh đạo tỉnh qua điện thoại trong vòng một nốt nhạc, không cần đắn đo suy nghĩ.
Ngày đưa khách về Sun & Sea Resort, nhân dân quanh vùng lao xao phản đối; quản lý, nhân viên nghỉ việc; khách đang lưu trú bỏ đi nơi khác. Chỉ còn giám đốc cùng một vài người lăn lộn cùng ngành Y tế, du lịch, huyện lo tiếp đón, chăm sóc khách. Nói chung là tan hoang.
Mọi khó khăn bước đầu đang dần qua đi...
Tối qua, điện thoại hỏi ông chủ Sun & Sea Resort về khó khăn của đơn vị. Ông nói: khó thì trăm bề nhưng người du lịch là khách đến chơi nhà mình, chẳng may gặp nạn thì mình phải dành những gì tốt nhất cho khách. Mình có khó khăn một chút rồi nó cũng qua thôi.
Nói lời cảm ơn vì đã dũng cảm đứng ra giúp Huế. Ông chia sẻ: Anh đã vào Huế đầu tư hơn mười mấy năm rồi, chưa có được lợi lộc kinh tế gì nhiều nhưng Huế cũng đã là quê hương", ông Phan Thiên Định đã viết như thế trên Facebook.
Đã có rất nhiều bình luận khen ngợi Sun & Sea Resort trên status của ông Phan Thiên Định.
Còn theo ông Ngô Văn Đạo – Giám đốc Sun & Sea Resort, quả thật họ đã gặp rất nhiều khó khăn như nhận định của ông Phan Thiên Định. Theo ông Đạo, mệt mỏi nhất vẫn là vấn đề truyền thông, không chi với nhân viên mà còn với khách cách li và người dân chung quanh.
Dù những du khách cách ly tại khu nghỉ dưỡng này chưa có ai dương tính với virus Corona, nhưng điều đó không ngăn được việc người dân chung quanh ‘bàn ra tán vào’ phản đối.
Thế nên, Ban lãnh đạo resort và địa phương đã phải đứng ra giải thích cho bà con rằng: đầu tiên, họ âm tính với virus Corona thì mới được về đây; thứ hai, tất cả những du khách bị cách ly sẽ không được phép ra khỏi resort; thứ ba, những người phục vụ trong resort đã được huấn luyện kỹ càng việc chăm sóc người cách ly, nên trong resort thật ra là còn an toàn hơn ở ngoài.
Bên cạnh đó, đơn vị lữ hành này còn phải làm tư tưởng cho các du khách trong khu cách ly; phải cho họ thấy rằng, họ đang được Chính phủ Việt Nam đãi ngộ tốt như thế này: cách ly được ở trong resort 3 sao, được trợ cấp tiền ăn 150 ngàn/ngày, có người phục vụ 24/24.
"Mới đầu, dự định của chúng tôi là dùng riêng khu D để thành lập khu cách ly, đón 14 người ở khách sạn Moonlight về, còn những khu khác vẫn kinh doanh bình thường. Nhưng, cuối cùng mọi chuyện đã ra ngoài kế hoạch. Sau khi đón đoàn cách li, chúng tôi gần như không còn đón được khách thường. Dù đã lường trước được hệ quả, nhưng khi nó diễn ra, chúng tôi vẫn cảm thấy khá khó khăn.
Còn hiện tại, Sun & Sea Resort đang có 48 khách du lịch cách ly qua 3 đợt. Giờ thì khu nghỉ dưỡng chuyên dùng để cách li chứ không kinh doanh nữa - vì phải mở 3 khu cho 3 đợt cách li và chúng tôi cũng phải huy động hết nhân sự. Do đã quyết định cùng chung tay cùng cộng đồng để phòng chống dịch, bỏ qua hết các lợi ích kinh tế khác, nên ‘đâm lao thì phải theo lao’", ông Ngô Văn Đạo tiết lộ với chúng tôi.
Chắc chắn thiệt hại kinh tế của Sun & Sea Resort là khá lớn sau đợt dịch này, nhưng như ông Đạo nói, thì trước mắt là ‘chống dịch’ như ‘chống giặc’ nên chuyện gì cũng phải để sau. Ngoài ra, ông cũng mong các đồng nghiệp khác trên địa bàn cùng chung tay phòng dịch, phục vụ cộng đồng, vì sắp tới nhiều khả năng Sun & Sea Resort không thể nhận thêm khách đến cách li nữa.
Có lẽ, lợi ích duy nhất mà Sun & Sea Resort nhận được sau khi đại dịch Covid-19 đi qua chính là thương hiệu của họ được cả tỉnh Thừa Thiên Huế biết đến. Bởi, kể từ ngày 9/3 đến nay, cái tên Sun & Sea Resort luôn được xuất hiện trên bản tin cập nhật mùa dịch của các phương tiện truyền thông của tỉnh. Tại thời điểm này, tin về kế hoạch phòng chống Covid-19 của tỉnh là thứ mà người dân quan tâm nhất.
Thế nên, trước Covid-19, chẳng mấy ai ở Huế biết cái tên Sun & Sea Resort, nhưng chắc chắn sau mùa đại dịch, ai cũng biết họ.
Đã có 80 bình luận và 380 chia sẻ status của ông Phan Thiên Định, trong đó có rất nhiều lời khen ngợi nghĩa cử của Sun & Sea Resort cũng như ông Trịnh Quang, đồng thời hầu hết bình luận đều khẳng định sẽ dùng hoặc giới thiệu dịch vụ của Sun & Sea Resort khi mùa dịch đi qua.
Sun & Sea Resort có cái tên cũ là Abalone Resort and Spa, nằm ở thị trấn Thuận An – cách TP. Huế khoảng 12 km. Mặc dù nằm ở vị trí khá đẹp, nhưng khu nghỉ dưỡng này đổi chủ liên tục, vì làm ăn thua lỗ, năm 2008, Abalone Resort and Spa từng bị chủ đầu tư của mình là TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch Thuận An rao bán với giá 40 tỷ đồng.
Sun & Sea Resort hay còn gọi là Khu nghỉ dưỡng sinh thái Tam Giang, hiện có 76 phòng, thuộc sở hữu của công ty Công Ty Cổ Phần Điện Tử Tin Học Viễn Thông (EG) có trụ sở tại TP. Hải Phòng, do ông Trịnh Quang làm Chủ tịch.