Đầu những năm 2000, khi nghiên cứu về cách nâng cao tuổi thọ, Dan Buettner chuyên gia hàng đầu về tuổi thọ, cùng nhiều nhà khoa học đã đặt ra khái niệm Vùng Xanh. Thuật ngữ này để chỉ những nơi có cư dân sống lâu nhất thế giới, gồm tỉnh Okinawa, Nhật Bản; tỉnh Nuoro, Sardinia, Italy; bán đảo Nicoya, Costa Rica; Icaria, Hy Lạp và Loma Linda, California. Đầu năm 2023, Singapore, quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á được thêm vào danh sách này.
Buettner lần đầu tiên bị Singapore thu hút vào năm 2005 khi ông thực hiện một bài viết cho National Geographic. Kể từ đó, ông đã gặp gỡ người dân và nghiên cứu dữ liệu, phân tích các chỉ số sức khỏe của hòn đảo. Tuổi thọ của người dân Singapore đã tăng thêm 20 năm kể từ năm 1960 và số người sống trên trăm tuổi đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
“Ngoài việc có mức độ hài lòng về cuộc sống rất cao, Singapore còn là nơi có dân số sống lâu nhất và khoẻ mạnh nhất”, Buettner nói. Chia sẻ trên tờ Fortune, Buettner cho biết nhờ 5 bí kíp này, người dân Singapore đang từng bước nâng cao tuổi thọ của mình
1. Thường xuyên vận động
Trong chuyến du lịch của mình, Buettner đã quan sát thấy chính quyền Singapore thiết kế rất nhiều đường đi bộ cho người dân với các không gian xanh đẹp bảo vệ người dân khỏi ánh nắng mặt trời. Biển báo dành cho người đi bộ cũng được lắp đặt khắp nơi nhằm giúp mọi người đi bộ an toàn.
Chia sẻ thêm, ông cho biết, hòn đảo này cũng đánh thuế ô tô và xăng dầu, đầu tư vào hệ thống tàu điện ngầm. Ngoài những lợi ích về mặt môi trường của các phương tiện công cộng, mọi người còn có thể rèn luyện thể chất bằng cách đi bộ đến các nhà ga.
“Người đi bộ đang được ưu tiên hơn người lái xe. Mỗi ngày họ thường đi bộ 10.000-20.000 bước/ngày mà không cần cố gắng”, Buettner tiết lộ.
2. Tiếp cận thực phẩm lành mạnh
Buettner rất ngạc nhiên trước khung cảnh mua sắm thực phẩm ở Singapore. Những thực phẩm lành mạnh được trợ cấp, khuyến khích mua các loại nguyên chất có nhiều dinh dưỡng thay cho các loại chế biến kỹ.
Chính phủ Singapore đã đặt ra một loạt chính sách khuyến khích ăn uống lành mạnh, từ đánh thuế đồ uống có đường và rượu đến giảm giá các mặt hàng bổ dưỡng hơn như ngũ cốc nguyên hạt. Nước này đặt lệnh cấm nghiêm ngặt đối với các loại thuốc giảm đau gây nghiện một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Các nhà sản xuất giảm lượng đường trong đồ uống có đường và bổ sung nhãn thực phẩm lành mạnh cho các mặt hàng có lượng đường, chất béo và natri hạn chế. “Nhờ những chính sách này, người dân Singapore đang tiêu thụ ít đường hơn một cách vô thức”, Buttner chia sẻ.
3. Chăm sóc sức khỏe
Buettner mô tả bệnh viện ở Singapore là khu nghỉ dưỡng 4 mùa. Bệnh viện như khách sạn sang trọng, có nhà hàng, lớp học… Với mục tiêu là nâng cao sức khoẻ của người cao tuổi bằng cách ngăn ngừa bệnh mãn tính trong những năm cuối đời, bệnh viện mà Buettner đến thăm có hẳn một chương trình cử y tá đến từng nhà. Họ giup sàng lọc miễn phí và kết nối bệnh nhân với thực phẩm lành mạnh hơn nếu cầu.
Buettner cũng đề cập đến Thử thách Bước đi Quốc gia của Singapore, trong đó người dân theo dõi hoạt động thể dục hàng ngày trên ứng dụng và đổi phiếu mua hàng điện tử.
4. Khuyến khích các thế hệ sống cùng nhau
Người Singapore được giảm thuế nếu cha mẹ già sống cùng con gái. Điều này khuyến khích các thế hệ trong cùng gia đình gắn kết. "Nếu có cha mẹ sống cùng nhà hoặc cách dưới 150m, bạn sẽ được giảm thuế, bởi chính phủ biết bạn đang chăm sóc người lớn tuổi", Buettner giải thích.
Một dự án mang tên Kampung Admiralty được phát triển vào năm 2018 nhằm mục đích kết nối người cao tuổi với thiên nhiên và con cái. Khu đô thị Kampung có công viên trong nhà, trung tâm biểu diễn, khu ẩm thực, căn hộ và trung tâm y tế. Buettner cho biết khu chăm sóc người giàu và người mầm non được thiết kế cạnh nhau.
5. Hạn chế sự cô đơn
Một yếu tố độc đáo khác trong thiết kế đô thị của Singapore là sự phong phú của các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn công cộng và công viên. 90% dân sống cách không gian xanh khoảng 10 phút đi bộ. Theo các nghiên cứu, dành nhiều thời gian với thiên nhiên giúp giảm cảm giác cô đơn, chứng mất trí nhớ và bệnh tim mạch - ba trong số những mối đe dọa chính đối với người lớn tuổi trên toàn thế giới.