Ấn Độ qua mặt Trung Quốc
Theo tờ EurAsian Times, website World Directory of Modern Military Aircraft (WDMMA) vừa xếp hạng Không quân Ấn Độ (IAF) trở thành Không quân mạnh thứ 3 toàn cầu năm 2022.
Báo cáo của WDMMA đã đánh giá tổng quan khả năng chiến đấu các lực lượng không quân trên khắp thế giới và xếp hạng dựa vào đó.
Theo bảng xếp hạng, Không quân Ấn Độ đang xếp hạng cao hơn Không quân Trung Quốc - đối thủ của họ trong khu vực, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF), Không quân Israel và Lực lượng Hàng không & Vũ trụ Pháp.
Màn trình diễn "voi đi bộ" của Không quân Ấn Độ.
WDMMA sử dụng một công thức tính điểm TrueValueRating (TvR), cho phép đánh giá sức mạnh không quân từng nước dựa trên sức mạnh tổng thể, và các yếu tố khác như hiện đại hóa, năng lực tấn công, phòng thủ...
Theo phương pháp này, lực lượng không quân chiến thuật của một quốc gia được đánh giá không chỉ bởi số lượng máy bay, mà còn bởi chất lượng và sự đa dạng trong kho vũ khí của họ.
Không quân Mỹ (USAF) có điểm TvR cao nhất là 242,9. Họ có lực lượng máy bay đa dạng, trong đó nhiều loại được cung cấp nội địa nhờ nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ.
Không quân Mỹ có các loại máy bay ném bom chiến lược chuyên dụng, máy bay yểm trợ đường không, lực lượng máy bay chiến đấu và cường kích quy mô lớn (trong số đó có nhiều loại đa nhiệm), hàng trăm máy bay vận tải. Họ cũng đang tiếp tục đặt hàng để trang bị thêm hàng trăm máy bay các loại.
Điều thú vị là 2 vị trí dẫn đầu theo bảng xếp hạng của WDMMA đang thuộc về Không quân và Hải quân Mỹ, tiếp đó mới đến Không quân Nga, Không quân Lục quân Mỹ và Thủy quân Lục chiến Mỹ. Tiếp sau danh sách này là Không quân Ấn Độ và Trung Quốc (PLAAF).
Theo WDMMA, Không quân Ấn Độ (IAF) có tổng cộng 1.645 máy bay đang hoạt động trong kho vũ khí.
Cư dân mạng Trung Quốc phản ứng
Trong khi giới truyền thông Ấn Độ hoan hỉ với bảng xếp hạng, thì cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra không hài lòng, họ đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực của Không quân Ấn Độ và bảng xếp hạng WDMMA.
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng sở dĩ Không quân Ấn Độ đứng ở vị trí cao hơn là bởi WDMMA thiếu thông tin về Không quân Trung Quốc.
Mạng xã hội Trung Quốc chia sẻ một bài viết nêu rằng: Trong một thời gian dài, Ấn Độ đã phụ thuộc vào các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài để tăng cường năng lực quân sự.
Năm 2016, Ấn Độ đã trả gần 8.7 tỷ USD cho 36 máy bay chiến đấu Rafale nâng cấp từ Pháp. Hiện tại, các máy bay chiến đấu này đã được triển khai tới khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ và Ấn Độ-Pakistan để giành lợi thế cạnh tranh với mẫu J-16 và J-20 của Trung Quốc.
Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc.
Bài viết này nói thêm rằng, chính phủ Ấn Độ luôn nhấn mạnh vào chương trình "Make in India" [sản xuất tại Ấn Độ] nhưng hãy cứ nhìn vào chương trình máy bay chiến đấu LCA Tejas của Ấn Độ mà xem, đó là một sự thất vọng.
Khi Trung Quốc tung ra mẫu máy bay chiến đấu nội địa J-10, Ấn Độ cũng vội vã cho ra mắt LCA Tejas. Khi J-10 bay thử nghiệm, LCA cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Thế nhưng khi J-10 được đưa vào trang bị, LCA vẫn đang thử nghiệm. Khi phiên bản J-10B ra đời, LCA vẫn tiếp tục thử nghiệm.
Và rồi khi Trung Quốc đưa tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 vào thử nghiệm, chương trình LCA của Ấn Độ không có gì khả quan hơn.
Theo các cư dân mạng Trung Quốc, đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự yếu kém của Không quân Ấn Độ so với Không quân Trung Quốc. Họ hoàn toàn không đồng tình với bảng xếp hạng này.