CIO Jimmy Ng chia sẻ với Nikkei Asia, mỗi năm, DBS đã đầu tư khoảng 1 tỷ SGD (730 triệu USD) vào công nghệ trong suốt 10 năm qua cho các lĩnh vực như điện toán đám mây hay trí tuệ nhân tạo và sẽ tiếp tục duy trì mức đầu tư này trong tương lai.
DBS được Công ty tài chính Euromoney có trụ sở tại Vương quốc Anh vinh danh là "ngân hàng kỹ thuật số tốt nhất thế giới" vào năm 2021. Theo DBS, trong vòng 4 năm từ 2017-2021, số tiền ngân hàng dành cho đầu tư kỹ thuật số đạt 4,8 tỷ SGD.
Khái niệm metaverse đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những cái tên như Microsoft và Meta (công ty mẹ của Facebook). Ở metaverse, mọi người tương tác với tư cách là những hình đại diện kỹ thuật số trong một thế giới ảo.
“Có một số công nghệ chủ chốt mà chúng tôi hướng tới. Một trong số đó, tất nhiên là metaverse. Chúng tôi đang chủ động nghiên cứu lĩnh vực này, ngay cả trong trường hợp khái niệm này tiến hóa xa hơn”, ông Jimmy Ng cho biết.
Vị CIO không đi vào chi tiết về cách ngân hàng có kế hoạch khai thác tiềm năng của metaverse, nhưng gợi ý rằng các mã thông báo không thể thay thế (NFT) có thể đóng một vai trò nào đó. NFT được giao dịch giữa những người chơi trò chơi trực tuyến và giữa các nền tảng metaverse khác nhau. Ông tin rằng, đây là một trong những lĩnh vực DBS có thể thực sự cân nhắc tới.
Mặc dù không nêu chi tiết về thời điểm và dịch vụ cụ thể công ty có thể đưa ra, nhưng lãnh đạo DBS cho biết “cách thức chúng ta sử dụng ngân hàng có thể được tích hợp vào các nền tảng khác nhau, trong đó có metaverse”.
"Qua thời gian, các công nghệ như blockchain, thực tế ảo tăng cường và thực tế ảo sẽ hội tụ lại và đem tới nhiều trường hợp thú vị để ứng dụng mà chúng ta chưa từng nghĩ tới, và những công nghệ này sẽ là 'nhân tố thay đổi cuộc chơi' trong ngành ngân hàng trong vài năm tới", vị CIO DBS nhấn mạnh.
Theo Nikkei Asia, metaverse cũng thu hút sự chú ý từ các ngân hàng lớn khác. Cụ thể, JP Morgan gần đây đã bỏ ngỏ cánh cửa cung cấp dịch vụ tài chính cho vũ trụ ảo.
"Thành công của việc xây dựng và mở rộng quy mô metaverse phụ thuộc vào việc có hệ sinh thái tài chính linh hoạt, mạnh mẽ cho phép người dùng kết nối liền mạch giữa thế giới thực và ảo hay không", trích nhận định của ngân hàng này trong một nghiên cứu về metaverse. "Cách tiếp cận của chúng ta đối với cơ sở hạ tầng thanh toán và tài chính sẽ cho phép khả năng tương tác đó phát triển".
DBS bắt đầu chuyển đổi số cách đây gần 10 năm, với 60% khách hàng hiện tại sử dụng các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số. DBS có khoảng 10.000 kỹ sư công nghệ, hầu hết ở Ấn Độ và Singapore, chiếm 30% tổng số nhân viên công ty. Ông Jimmy Ng cho biết, đội ngũ công nghệ của ngân hàng phát triển với tốc độ khoảng 1.000 nhân viên mỗi năm.
"Theo thời gian, công nghệ sẽ lan tỏa mọi khía cạnh của dịch vụ tài chính", ông Jimmy Ng chia sẻ.
Năng lực kỹ thuật số ngày càng quan trọng đối với DBS, đặc biệt khi các cơ quan quản lý của Singapore đang cân bằng sân chơi với các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Grab niêm yết tại Nasdaq và Sea niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York, cả hai đều đã giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số từ Cơ quan tiền tệ Singapore vào năm 2020, dự kiến sẽ ra mắt dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số trong năm nay. Nikkei Asia nhận định, hai cái tên này sẽ thách thức các ngân hàng địa phương truyền thống như DBS, Oversea-Chinese Banking Corp. và United Overseas Bank.
Cả Grab và Sea dự kiến sẽ tận dụng cơ sở khách hàng hiện tại khổng lồ của công ty, bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp vừa đến nhỏ, để cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số được cá nhân hóa và chi phí thấp.
Khi được hỏi về sự cạnh tranh từ các đối thủ, ông Jimmy Ng cho biết: "Đối với tôi, điều quan trọng hơn không phải là nghĩ về công nghệ nào tốt hơn hoặc liệu bạn có công nghệ tốt hơn so với đối thủ. Đó là cách chúng tôi áp dụng công nghệ vào hành trình và trải nghiệm của khách hàng".
Nguồn: Nikkei Asia