Biến thể Delta tiếp tục lan rộng, phá vỡ các kế hoạch đưa cuộc sống trở lại bình thường. Các nhà lập pháp Mỹ thì bận cãi nhau về mức trần nợ công và kế hoạch chi tiêu. Trung Quốc thì đang chìm trong cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi một loạt các biện pháp quản lý chặt chẽ. Khủng hoảng với Evergrande chưa thể xác định được hồi kết.
Chi phí nhiên liệu và thực phẩm đang tăng cao trên toàn thế giới. Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn ở các cảng và gián đoạn chuỗi cung ứng càng làm tăng áp lực với giá cả. Tình trạng thiếu lao động xảy ra ở nhiều lĩnh vực.
Dù cơ hội tăng trưởng vẫn còn nhưng bối cảnh hiện nay làm dấy lên những lo ngại giữa tăng trưởng yếu và lạm phát nhanh hơn, có thể ảnh hưởng mạnh tới chính sách của các ngân hàng trung ương khi họ muốn rút lại các gói kích thích mà không gây xáo trộn thị trường.
Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại HSBC, cho biết: "Kỳ vọng về một lối thoát nhanh chóng khỏi đại dịch đã bị đặt sai chỗ. Sự phục hồi hoàn toàn sẽ được tính bằng năm chứ không phải bằng quý".
Nhiều ngân hàng trung ương đang tính tới việc rút các gói kích thích.
Thiếu điện ở Trung Quốc
Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đã buộc các nhà máy phải sản xuất cầm chừng, khiến các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng của họ. Bloomberg Economics cho rằng tình trạng thiếu điện sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến việc tăng trưởng của Trung Quốc kể từ khi quốc gia này buộc phải giãn cách xã hội để ngăn dịch bệnh lây lan.
Những khu vực thiếu điện đóng góp 2/3 cho GDP Trung Quốc. Chúng bao gồm 5 tỉnh hàng đầu là Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang và Hà Nam. Kết hợp với những diễn biến tồi tệ từ vụ Evergrande, công ty bất động sản nợ nhiều nhất thế giới, tình hình chung ở Trung Quốc không mấy khả quan. Thêm vào đó, hàng loạt lĩnh vực, bao gồm công nghệ, đang bị nhà chức trách Trung Quốc xiết chặt quản lý.
Giá thực phẩm và năng lượng tăng phi mã
Các vấn đề về năng lượng của Trung Quốc có nguy cơ gây ra một đợt tăng giá mới với các sản phẩm nông nghiệp. Giá lương thực thế giới vì đó cũng có thể tăng mạnh. Trong năm qua, Bắc Kinh đã nhập khẩu một lượng nông sản kỷ lục do thiếu hụt trong nước, dẫn tới giá cả và chi phí lương thực trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Giá dầu hiện tại đã ở mức 80 USD/thùng lần đầu tiên sau 3 năm và giá khí đốt tự nhiên cũng đã phá kỷ lục 7 năm. Thậm chí, cuộc khủng hoảng khí đốt này có thể gây tác động nặng nề tới châu Âu, nơi chuẩn bị bước vào mùa đông, và toàn thế giới. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất có thể vẫn còn ở phía trước.
Tắc nghẽn tại các cảng huyết mạch
Với một mùa đông đang tới dần ở bắc bán cầu và biến thể Delta lây lan rộng khắp, thế giới vẫn còn một nỗi lo khác là thiếu hàng hóa. Điều đó giúp giải thích tại sao tình trạng tắc nghẽn gia tăng tại các cảng huyết mạch với thương mại toàn cầu, từ các cảng ở Thượng Hải tới Los Angeles hay các trạm trung chuyển đường sắt ở Chicago và các nhà kho ở Anh.
Các nhà bán lẻ đang cố gắng "đặt mọi thứ có thể" để đảm bảo các kệ luôn có hàng, đặc biệt là khi nhu cầu tăng lên trong mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, các nhà sản xuất lại gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cho các cấu phần quan trong như chất bán dẫn, hóa chất hay thủy tinh….
Dubai’s DP World, một trong những nhà khai thác cảng toàn cầu lớn nhất, cho rằng những tắc nghẽn, vốn đang làm ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu, sẽ chỉ có thể được giải quyết trong ít nhất 2 năm nữa.
Ngoài ra, phải kể đến sự thiếu hụt lao động trong một số ngành tiếp tục khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Chính trường nước Mỹ
Nước Mỹ đã thoát khỏi nguy cơ đóng cửa trong ngắn hạn với nỗ lực của Chính quyền Biden. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất vẫn đang tồn tại là những bất đồng giữa 2 đảng với khoản ngân sách khổng lồ mà Chính quyền Biden đang theo đuổi. Nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công vào ngày 18/10, Chính phỹ Mỹ sẽ phải đóng cửa, đe dọa tạo ra một cuộc suy thoái kèm khủng hoảng tài chính.
Trên toàn cầu, việc rút bớt các gói kích thích sẽ diễn ra vào năm 2022. Cùng với đó, các chính phủ sẽ gánh khoản nợ lớn nhất kể từ năm 1970.
Ngoài ra, ông Biden và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng phải quyết định xem có để ông Jerome Powell lãnh đạo FED nhiệm kỳ thứ 2 hay không. Quyết định này cũng có thể tác động mạnh tới thị trường.
Trong khi đó, đối với ông Powell và những người đồng cấp trên khắp thế giới, sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát kéo dài là một thách thức lớn. Hiện tại, ông Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đều đang bày tỏ sự lạc quan một cách thận trọng rằng lạm phát sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang thiên về khả năng lạm phát sẽ dai dẳng hơn.
Và điều đó khiến kế hoạch giảm mua trái phiếu hoặc tăng lãi suất trở thành một đề xuất rủi ro. Nhiều ngân hàng trung ương Mỹ - Latin và một số ở Đông Âu đã tăng lãi suất vay. Na Uy vừa trở thành quốc gia phát triển đầu tiên làm như vậy và FED đang báo hiệu rằng họ sẽ ngừng chương trình mua trái phiếu của mình ngay từ tháng 11.
Chiến lược gia Jim Reid của Deutsche Bank AG cho rằng nền kinh tế thế giới có thể đang phải đối mặt với một thời kỳ diều hâu nhất về chính sách tiền tệ trong 1 thập kỷ.
"Các ngân hàng trung ương đang chơi với lửa khi giảm bớt áp lực lạm phát mà không hoàn toàn chắc chắn về vị trí của chúng ta trong chu kỳ", Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Natixis, cho biết.