Ung thư dạ dày gây tỷ lệ tử vong cao thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi và đang có xu hướng trẻ hóa. Ung thư dạ dày hiện là một trong 5 bệnh ung thư phổ biến toàn cầu.
TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ung thư dạ dày có thể xảy ra ở mọi giới và mọi lứa tuổi, song phổ biến nhất là ở những người từ 50 tuổi trở lên. Nhiều trường hợp phát hiện ung thư dạ dày dưới 45, thậm chí có bệnh nhân dưới 30 tuổi. Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao hơn phụ nữ. Nếu bệnh được phát hiện từ giai đoạn sớm, cơ hội điều trị thành công cao, khả năng chữa khỏi trên 90%, tỷ lệ sống trên 5 năm là 93-97%.
"Ở giai đoạn sớm, tế bào ung thư chỉ nằm ở lớp niêm mạc, nơi tạo chất nhầy của dạ dày. Ung thư chưa xâm lấn hoặc đã xuống dưới niêm mạc nhưng chưa vượt quá 500 micromet. Nếu cắt bỏ toàn bộ phần ung thư là có thể khỏi bệnh", BS Khanh cho hay.
Tuy nhiên, theo BS Khanh, người mắc bệnh ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc có biểu hiện của chứng khó tiêu như đau bụng; đầy bụng, nóng rát vùng thượng vị sau ăn; ăn nhanh no. Khi ung thư tiến triển, xuất hiện thêm nôn, vàng da, các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa xảy ra liên tục, cảm giác đau vùng dưới xương ức dữ dội hơn. Người bệnh còn có dấu hiệu tổn thương khác như nôn ra máu, đại tiện lẫn máu hoặc phân màu đen. Kém hấp thu chất dinh dưỡng khiến người bệnh sụt cân nhanh, thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi kéo dài. Lúc này, ung thư không thể điều trị triệt để.
Theo BS Khanh, do dấu hiệu nhận biết sớm ung thư dạ dày không đặc trưng khiến người bệnh chủ quan không tầm soát sớm, thường tình cờ phát hiện qua nội soi. Hầu hết bệnh nhân ở Việt Nam (hơn 95%) phát hiện bệnh ở giai đoạn tiến triển hoặc di căn. Người bệnh không còn khả năng phẫu thuật hoặc còn khả năng phẫu thuật nhưng tái phát trong vòng 5 năm. Tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng dưới 20%.
Bên cạnh việc tầm soát ung thư, BS Khanh khuyến cáo người dân các cách phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày như:
- Duy trì chế độ sinh hoạt, luyện tập, nghỉ ngơi khoa học.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh với các thực phẩm giàu vitamin và chất xơ.
- Hạn chế ăn các thực phẩm giàu nitric và amin thứ cấp như dưa muối, cà muối, đồ ăn lên men, thịt hun khói, đồ nướng. Bởi vì khi đi vào dạ dày, các chất này sẽ kết hợp thành độc tố gây nguy cơ ung thư.
- Không hút thuốc lá, uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích.
- Hạn chế đồ ăn công nghiệp và nước ngọt đóng chai.
- Chủ động tầm soát ung thư dạ dày sớm đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ.