Sữa không chỉ giàu dinh dưỡng, vừa giải khát vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn rất tốt cho sức khỏe. Nhất là đối với xương khớp, hệ tiêu hóa và làm đẹp. Tuy nhiên, uống quá nhiều sữa lại gây phản tác dụng, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Uống quá nhiều sữa làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt lên 27%
Vào ngày 8 tháng 6 năm 2022, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ đã đánh giá mối quan hệ giữa các sản phẩm từ sữa, lượng canxi và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Cụ thể, các nhà khoa học tại Trường Y Đại học Loma Linda (Mỹ) cho biết uống trên 430g sữa mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt lên 27%.
Họ đã tiến hành nghiên cứu trên 28.737 nam giới khỏe mạnh trong vòng 8 năm bằng cách phân tích chế độ ăn và thu thập dữ liệu về đặc điểm nhân khẩu học của họ. Kết quả là có tổng cộng 1254 trường hợp mắc ung thư tuyến tiền liệt, trong đó có 190 trường hợp là ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối.
Từ đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình hồi quy mối nguy theo tỷ lệ đa biến để phân tích và kết luận rằng:
- So với những người tham gia chỉ tiêu thụ 20,2g sản phẩm từ sữa mỗi ngày thì những người tham gia tiêu thụ 430g có tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 26 - 27%. Kể cả khi họ ăn chay.
- Có 1 một mối quan hệ phi tuyến tính giữa việc tiêu thụ các sản phẩm từ sữa và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Cụ thể, uống 50g sữa mỗi ngày làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt so với những người không uống sữa, nhưng nếu tăng lượng sữa trong khoảng 150g - 300g thì lại không tạo ra sự khác biệt lớn về tỷ lệ mắc bệnh này.
- Thành phần chất béo hoặc canxi trong sữa không phải là thủ phạm làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Sau khi đánh giá tác động của nhiều loại sữa đối với nguy cơ phát triển bệnh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sữa ít béo có tác động đến nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tương tự như sữa nguyên chất.
Nhóm nghiên cứu cho biết, 1 trong số các lý do có thể là do hàm lượng hormone sinh dục trong sữa bò. Bởi vì có tới 75% số bò đang cho con bú là đang mang thai nên sữa có chứa hormone sinh dục, làm thúc đẩy sự phát triển của một số bệnh ung thư xuất hiện và tiến triển, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt.
Uống quá nhiều sữa làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 22%
Ngày 6 tháng 5 năm 2022, 1 bài báo khoa học đăng tải trên Tạp chí y khoa BMC Medicine đã khiến rất nhiều người bất ngờ về mối liên hệ giữa việc uống sữa tới tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Cụ thể, uống trên 80g sữa mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư vú lên 22% và ung thư gan 18%.
Nghiên cứu được thực hiện bởi 1 số học giả Trung Quốc từ Đại học Bắc Kinh, Bệnh viện Fuwai và Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc cùng các học giả từ Đại học Oxford ở Vương quốc Anh.
Số liệu được thu thập và phân tích trong 10,8 năm trên 510.146 người lớn Trung Quốc đến từ nhiều vùng khác nhau và không mắc bệnh ung thư. Trong đó, nhóm tiêu thụ sữa thường xuyên chiếm 20,4% trên tổng số mẫu với khoảng trung bình 80,8g mỗi ngày, ít nhất 1 lần mỗi tuần. Nhóm tiêu thụ sữa trung bình chiếm 11,1% với lượng sữa khoảng 37,9g mỗi ngày. Còn lại có 68,5% là nhóm không bao giờ hoặc rất hiếm khi tiêu thụ sữa.
Kết quả, có 29.277 trường hợp ung thư đã xuất hiện sau 10,8 năm nghiên cứu, tức là chiếm gần 6% tổng số mẫu được theo dõi. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng lượng sữa tiêu thụ tỷ lệ thuận với nguy cơ mắc bệnh ung thư, tức là lượng sữa hoặc các sản phẩm từ sữa càng nhiều thì càng có nhiều khả năng bị ung thư. Phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư gan và cả ung thư hạch.
Nếu phân theo lượng tiêu thụ, nhóm thường xuyên tiêu thụ các sản phẩm từ sữa làm tăng nguy cơ ung thư tổng thể lên 9%, nguy cơ ung thư gan lên 18% và nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ lên 22%. Với nhóm trung bình, đặc biệt là tiêu thụ trên 50g sữa mỗi ngày sẽ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư nói chung lên 7%, 12% với ung thư gan và 17% với ung thư vú. Đặc biệt, người uống sữa nhiều hơn cũng dễ gặp các vấn đề tim mạch, tiểu đường cao hơn hẳn.
Nhóm nghiên cứu cũng đề cập đến 3 lý do gây ra tình trạng trên. Đầu tiên là uống nhiều sữa hơn có thể dẫn đến tăng yếu tố tăng trưởng giống insulin trong huyết tương. Thứ hai là các axit amin chuỗi nhánh, đường lactose trong sữa có thể kích hoạt các phân tử ung thư và thúc đẩy tăng sinh tế bào, có thể liên quan đến ung thư vú. Thứ ba là các axit béo bão hòa trong sữa có liên quan đến việc tăng nồng độ axit béo chuyển hóa và các cytokine gây viêm, có thể là một trong những yếu tố dẫn đến ung thư gan.
Nguồn và ảnh: Sohu, BMC Medicine, Eat This