Trong tháng 3 mùa xuân, các loại rau xanh nên bổ sung vào chế độ ăn như rau muống, rau cải bó xôi, rau mầm, rau diếp cá, rau ngải cứu... Những loại rau này không chỉ giàu vitamin và khoáng chất, mà còn giúp cơ thể thích nghi với sự thay đổi của thời tiết.
Rau ngải cứu đặc biệt được khuyến nghị trong mùa xuân vì đây là thời điểm rau ngải cứu mọc nhiều và tươi tốt nhất, hàm lượng dinh dưỡng cao. Nó không chỉ giúp kích thích tiêu hóa, giảm triệu chứng cảm lạnh mà còn có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, rất tốt cho sức khỏe sau một mùa đông lạnh giá.
Bánh ngải Lạng Sơn - Đặc sản ngọt lành tốt cho sức khỏe
Rau ngải cứu không chỉ là bí quyết nấu những món ăn thơm ngon, đậm đà như trứng rán ngải cứu, ngải cứu hầm hay gà tần ngải cứu, mà còn là linh hồn cho một tuyệt phẩm ẩm thực của Lạng Sơn. Đó chính là món bánh ngải – một thức quà ngọt lành, quyện hương thảo mộc, vừa quen vừa lạ. Màu xanh tươi mát, vị ngọt nhẹ, bánh ngải Lạng Sơn đã chinh phục không chỉ trái tim người dân địa phương mà còn khiến bất cứ ai từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng phải ngây ngất, "phải lòng" từ lần đầu chạm môi.
Khi nói đến ẩm thực truyền thống, không thể không nhắc đến món bánh ngải Lạng Sơn – một biểu tượng ẩm thực đầy màu sắc của miền núi phía Bắc. Đây là một món ăn hấp dẫn không chỉ bởi sự kết hợp hài hòa giữa hương vị thơm dẻo của bột nếp mà còn bởi cách mà nó biến hóa, loại bỏ hoàn toàn vị đắng tự nhiên của ngải cứu, để lại một trải nghiệm ẩm thực vô cùng dễ chịu và không hề ngấy.
Mùa xuân, khoảnh khắc thiên nhiên thức tỉnh sau giấc ngủ đông, là lúc rau cỏ bừng lên sức sống, trong đó phải kể đến loài rau thảo dược – ngải cứu. Từ hương vị đượm đà của loài rau này, món bánh ngải Lạng Sơn không chỉ là niềm tự hào ẩm thực địa phương mà còn là bí kíp làm đẹp và bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Bánh ngải Lạng Sơn, một đặc sản tinh tế, kết tinh từ vị ngon của loài rau mùa xuân, không những tôn vinh nét đẹp truyền thống mà còn mang đến lợi ích không ngờ cho làn da và sự cân bằng khí huyết, giảm thiểu cơn đau đầu khi thời tiết giao mùa.
Không chỉ vậy, bánh ngải còn sử dụng nhân là vừng đen hoặc lạc, bọc ngoài bằng lá chuối rất lành cho sức khỏe. Vừng đen và lạc đều là những nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Vừng đen chứa nhiều chất béo không bão hòa, chất xơ, protein, vitamin E, calcium và các khoáng chất khác như magie và sắt. Nó có thể giúp cải thiện sức khỏe xương, làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và hỗ trợ quản lý cân nặng. Vừng đen cũng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, hỗ trợ làn da khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch.
Lạc, hay còn gọi là đậu phộng, là một nguồn cung cấp protein thực vật tốt, cũng như vitamin và khoáng chất như vitamin E, thiamin, magie và phosphorus. Lạc cũng chứa chất béo không bão hòa và chất xơ, giúp kiểm soát cholesterol và đường huyết. Đồng thời, lạc còn chứa resveratrol, chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.
Đó là khi nói về góc nhìn khoa học, còn đối với dân gian, bánh ngải là thức quà tốt lành dành cho phụ nữ. Khi rau ngải, vừng đen, lạc đều là những nguyên liệu tốt cho khí huyết, đẹp da, đen tóc. Hơn nữa, phần bột ngải khi bọc kèm nhân là vừng đen, vừng trắng và lạc tạo nên món bánh dân dã, quen thuộc lại rất hợp vị.
Bánh ngải Lạng Sơn làm có khó không?
Cách làm bánh ngải Lạng Sơn khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ việc chọn lựa ngải cứu tươi ngon đến khâu trộn bột và hấp bánh. Mỗi chiếc bánh ngải không chỉ hấp dẫn bởi màu xanh thiên nhiên, mùi thơm nồng nàn mà còn chứa đựng giá trị dinh dưỡng cao, phản ánh tinh hoa ẩm thực và văn hóa Lạng Sơn.
Có thể kể đến một vài công đoạn khi làm bánh ngải như sau. Lá ngải cứu non sau khi nhổ về mang rửa sạch với nước. Cho thêm vôi trong vào nước, dùng phần nước lắng xuống đó hầm với lá ngải đã ruwae sạch. Sau đó, vớt lá ngải ra rửa sạch cho hết nước vôi, vắt kiệt nước và thái nhỏ. Tiếp đó, sao khô lá ngải để không bị cháy.
Dùng nước vôi trong có thể giúp giữ được màu xanh mát mắt của lá ngải, thêm vào đó lá ngải cũng nhanh chín. Ngoài ra, người ta cũng có thể dùng tro của vỏ đỗ xanh hoặc tre nứa sạch hòa nước, chắt lấy nước trong để luộc ngải. Với cách làm như vậy, lá ngải không chỉ giảm đắng mà còn dậy mùi thơm của bánh thành phẩm.
Phần bột bánh sẽ dùng nước đổ vào phần lá ngải, mang xay mịn. Tiếp đó, mang trộn với bột nếp, nhào đều tay đến khi thành khối bột mịn dẻo, không bị rời rạc hay bở tơi.
Phần nhân sẽ sử dụng đường đỏ hoặc đường thốt nốt, nấu chảy, thêm lạc giã nhỏ, vừng đen, dừa khô vào đảo đều rồi tắt bếp. Vo thành các viên tròn nhỏ tùy theo khẩu vị. Nhân này cũng tùy mỗi nhà làm khác nhau, có bánh nhân hỗn hợp, có bánh chỉ nhân vừng đen hoặc lạc mà thôi.
Sau khi chuẩn bị xong bột bánh và nhân bánh, người ta nặn bột thành miếng tròn dẹt, kích thước đủ to để bọc kín nhân. Viên lại rồi ấn dẹt. Thoa chút dầu ăn lên mặt bánh để không bị dính và tạo độ mịn bóng cho bánh. Rồi người ta gói bánh vào với lá chuối, mang đi hấp. Trước kia, người dân thường làm bánh ngải kích thước to, độ ngọt đậm, nhưng giờ đây bánh có kích thước nhỏ hơn và vị ngọt cũng vừa phải.
Bánh khi hấp chín xong có màu xanh sẫm tự nhiên đẹp mắt, tươi tắn không bị thâm, mùi thơm lá ngải nhẹ nhàng, hương vị hơi hơi đắng một chút, nhưng đã được vị ngọt của nhân cân bằng lại. Các bước làm bánh nghe chừng đơn giản, nhưng mỗi nhà lại có bí quyết làm bánh khác nhau và điều đó giúp họ giữ được tay nghề của mình.
Bánh ngải Lạng Sơn không chỉ dừng lại là một món bánh dân dã ăn chơi, ở việc làm quà biếu, mà còn là một phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, góp phần thúc đẩy du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực địa phương đến bạn bè quốc tế. Món bánh này không những phản ánh truyền thống, tình yêu cuộc sống mà còn là thông điệp về một lối sống khoẻ, một nét đẹp văn hóa ẩm thực cần được gìn giữ và phát huy.
Sở hữu giá trị dinh dưỡng cao cùng công dụng làm đẹp và chữa bệnh, bánh ngải Lạng Sơn không chỉ là món ăn, mà còn là một phần của bản sắc văn hóa và sự sáng tạo trong ẩm thực Việt Nam. Hãy thử và cảm nhận hương vị độc đáo của món bánh này để khám phá thêm nhiều điều thú vị về vùng đất Lạng Sơn tươi đẹp.