Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình trực tuyến Roy TV, cựu chỉ huy lực lượng ly khai miền Đông Ukraine (Donbass), Igor Girkin cho biết lực lượng vũ trang của cộng hòa tự xưng Transnistria sẽ không cầm cự nổi 2 ngày nếu Moldova, Romania và cả Ukraine phát động một chiến dịch quân sự giành lại quyền kiểm soát khu vực này.
Trước đó,ngày 30/11, trả lời trước truyền thông, Tổng thống đắc cử Moldova Maia Sandu cho biết đã yêu cầu Nga rút quân ngay lập tức khỏi Transnistria, đồng thời khẳng định sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán nào với Moscow về vấn đề này.
Các binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga ở Transnistria. Ảnh: topwar
"Quân đội Nga đang hiện diện bất hợp pháp ở Transnistria, Moldova chưa từng có thỏa thuận nào cho phép Moscow hiện diện quân sự trong khu vực. Do đó, quan điểm của Kishinev là họ phải rút toàn bộ số quân này về nước và giải giáp toàn bộ số vũ khí có trong lãnh thổ chúng tôi", bà Maia Sandu cho biết.
Theo ông Girkin, lực lượng vũ trang thuộc cộng hòa tự xưng Transnistria hiện chỉ có hơn 1.000 người, đa phần những cư dân địa phương mang quốc tịch Nga. Địa hình của khu vực này cũng không mấy ủng hộ Transnistria trong việc phòng thủ trước các cuộc tấn công của Moldova.
Transnistria là một dải đất cực kỳ dài và hẹp dọc theo sông Dniester, kẹp giữa Moldova và Ukraine, không có lối thoát ra Biển Đen. Đoạn rộng nhất cũng không quá 26km.
Theo cựu chỉ huy Donbass, phương Tây có thể đang thúc đẩy các nước trong khu vực Đông Âu phát động một cuộc xung đột mới nhằm vào Transnistria cũng như lợi ích của Nga. Tuy nhiên, một mình Moldova sẽ là không đủ nên việc Romania nhập cuộc gần như không thể tránh khỏi.
Transnistria là một dải đất cực kỳ dài và hẹp dọc theo sông Dniester, kẹp giữa Moldova và Ukraine, cũng không có lối thoát ra Biển Đen.
Cũng theo Girkin, Moscow gần như không thể viện trợ cho Transnistria nếu xung đột nổ ra, vì Ukraine sẽ không cho máy bay quân sự Nga bay qua không phận của ho, bản thân vùng đất này cũng không giáp với Biển Đen.
Do đó, quân của Transnistria và cả lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực gần như nắm chắc thất bại khi Moldova phát động chiến tranh.
"Với sự tham gia của Romania không quá một tuần. Nếu Ukraine tham chiến thì Transnistria thất thủ trong hai hoặc ba ngày", ông Girkin nhấn mạnh.
Cựu chỉ huy Donbass cũng đánh giá cao khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Transnistria và lính gìn giữ hòa bình Nga nhưng họ không thể chống đỡ các cuộc tấn công từ cả hai phía, đó là chưa nói đến yếu tố địa lý.
Sau khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, Moldova tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, vùng Transnistria cũng muốn có tự do của riêng mình. Vùng này đã trải qua cuộc chiến đẫm máu vào năm 1992 để giành quyền tự trị từ Moldova. Tuy nhiên, đến nay, Liên Hợp Quốc và các nước thành viên vẫn chưa chính thức công nhận Transnistria.
Về phía Nga, năm 2010, Tổng thông Nga khi ấy là Dmitri Medvedev tuyên bố rằng ông ủng hộ “tình trạng đặc biệt” của Transnistria, đồng thời nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong việc ổn định tình hình khu vực.