Câu chuyện tình yêu huyền thoại giữa hai chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu đã được nhà văn Nguyễn Văn Bổng khắc họa trong tiểu thuyết Áo Trắng.
Những ấn tượng đầu tiên
Kể về thời khắc "định mệnh" gặp người con gái của đời mình trong cuộc phỏng vấn với TTXVN, đôi mắt của cựu tử tù Côn Đảo Lê Hồng Tư lại ánh lên với nụ cười đầy hạnh phúc.
Ông Lê Hồng Tư vốn là công nhân hỏa xa được bố trí cho đi học lớp đề tam ở trường Văn Lang. Ông Tư được tổ chức cách mạng đưa vào các trường học để gây dựng phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên.
Ngày đầu năm học 1956, có một nữ sinh từ Biên Hòa đến trường Văn Lang (Sài Gòn) nhập học. “Tôi bị thu hút bởi vẻ dịu dàng, cách nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép và đặc biệt là bộ áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài hiền hòa của cô ấy. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi gặp Châu,” ông Lê Hồng Tư kể với phóng viên TTXVN.
Trái tim nhiệt huyết của người chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư kể từ đó liên tục rung lên không ngừng vì sự nhanh nhẹn, chăm chỉ và chân thật, hòa nhã của cô bạn Nguyễn Thị Châu. Châu cũng rất gan dạ, kiên cường nên được lựa chọn để bồi dưỡng trở thành hạt nhân của phong trào đấu tranh chống Mỹ trong học sinh - sinh viên.
"Từ những rung động ban đầu, dần dần, tôi cảm thấy thực sự thương và muốn bảo vệ, che chở cho người con gái có vẻ ngoài nhỏ bé mà nghị lực phi thường ấy," ông Tư bồi hồi nhớ lại những rung động tuổi trẻ.
Một ngày cuối năm 1958, trái tim chàng trai Lê Hồng Tư như thắt lại khi lần đầu tiên Nguyễn Thị Châu từ chối lời thổ lộ tình cảm của ông.
Sau đó, Lê Hồng Tư bị lộ và phải chuyển sang trường khác. Nguyễn Thị Châu tiếp tục ở lại gây dựng phong trào ở trường Văn Lang.
"Không phải tôi không thương ảnh mà vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cha mất sớm, tôi đã hứa phải chăm sóc cho đứa em còn nhỏ. Hơn nữa, tôi muốn cống hiến hết mình để cách mạng sớm thành công"- bà Châu tâm sự về lý do lần đầu tiên từ chối tình cảm của ông Tư với báo Người lao động.
Nhiều tháng sau, ông Tư lấy hết can đảm hẹn gặp bà Châu lần nữa. Ông Tư kể trong cuộc trò chuyện với nguồn trên: "Hôm ấy tôi hỏi mà cô Châu chỉ im lặng. Cuối cùng tôi nói dứt khoát, chừng nào còn sống trên đời này, tôi còn giữ ý định kết hôn với cô Châu. Rồi tôi ra đi...". Đó cũng là cuộc gặp cuối cùng trước cuộc chia xa kéo dài 14 năm đằng đẵng.
14 năm định mệnh
Năm 1961, ông Tư bị địch bắt, kết án tử hình và đày ra Côn Đảo chờ ngày hành quyết. Lúc đó, bà Châu cũng đã bị địch bắt, khi bị áp giải lên nha tổng thì bà Châu nghe được tin sét đánh kia. "Tôi nấc lên mà không dám khóc, sợ mai mắt sưng đỏ tụi lính biết được", bà Châu kể với Zing News.
Cũng trong ngày nhận được tin ông Tư bị địch kết án tử hình, bà Nguyễn Thị Châu đi đến quyết định quan trọng nhất đời người: Bà nhận lời cầu hôn của Lê Hồng Tư dù ông đã không còn đứng đó để tỏ tình thêm lần nữa. Dù ông có bị tử hình, bà vẫn sẽ là vị hôn thê của ông. Chuyện đó, đồng đội đều biết, chỉ trừ Lê Hồng Tư.
Kể lại suy nghĩ lúc ấy với báo QĐND, bà Châu nói: "Ảnh bị địch bắt và sắp bị xử tử. Vậy thì mình sẽ công khai nhận là vợ chưa cưới của ảnh, để chúng biết rằng chúng có thể giết chết thân xác người cộng sản nhưng không thể giết chết tình yêu và lý tưởng của họ".
Sau khi có quyết định quan trọng đó, bà Châu kiếm 2 mảnh vải đen xé ra từ 2 chiếc quần đùi cho để thêu hai chữ T và C lồng vào nhau rồi nhờ bạn tù gửi đến cho ông Tư ngoài Côn Đảo. Đó là vật làm tin, là lời thề ước trọn đời của 2 chiến sĩ cách mạng trung kiên.
Phải mất vài năm sau, ông Tư mới nhận được kỷ vật mà bà Châu gửi. Cầm mảnh vải đính ước trên tay, mọi nỗi đau đớn về thể xác do bị tra tấn cực hình như tan biến trong ông Tư.
Ông sau đó cũng kiếm một miếng bạc mỏng khéo léo cắt thành hình trái tim, một mặt khắc hình búa liềm, mặt còn lại khắc chữ T.C lồng vào nhau để gửi phản hồi cho bà Châu. Đó là hiện thân của trái tim ông Tư: một nửa dành cho Châu, một nửa dành cho Tổ quốc.
Nhờ có lời hẹn ước từ bà Châu, ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim Lê Hồng Tư ngày một bừng cháy. 14 năm bị giam cầm, tra tấn ở địa ngục Côn Đảo cũng không khiến ông gục ngã.
Nhìn các anh em ngã xuống, nỗi đau chồng chất nỗi đau, bị bệnh kiết lỵ đến thập tử nhất sinh nhưng ông Lê Hồng Tư vẫn kiên cường sống tiếp trong ngục tù, chờ đón ánh bình minh ngày giải phóng.
Đây là những vần thơ nồng nàn Lê Hồng Tư gửi người thương phương xa trong dịp đất trời vào xuân:
"Dù khi tắt lửa tối trời
Vững vàng quyết sống, không rời lòng son
Còn trời, còn nước, còn non
Anh còn hơi thở là còn yêu em..." (báo QĐND trích đăng).
Cuối năm 1964, địch trả tự do cho bà Châu. Ra tù, bà tiếp tục móc nối liên lạc, tham gia hoạt động cách mạng và cập nhật tin tức của ông Tư. Đã không ít lần, bà tin báo ông đã hy sinh nhưng bà vẫn luôn tin tưởng ông vẫn còn sống và nhất định sẽ trở về.
Cái kết viên mãn
Ngày 7/5/1975, niềm tin sắt son ấy của bà Châu đã trở thành sự thật. Ông Lê Hồng Tư đã cùng đồng đội trở về đất liền trong sự chào đón nồng nhiệt của đồng chí, đồng bào và của người con gái ông thương - Lê Thị Châu.
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu hạnh phúc trong ngày cưới. Ảnh: QĐND
“Hơn ba tháng sau, chúng tôi tổ chức đám cưới. Ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi và Châu góp lại cũng chỉ có khoảng 50 đồng, nên đám cưới cũng chỉ có ít bánh kẹo và trà mời khách. Điều thú vị là, quá nửa số khách là khách… không mời, có những người chúng tôi cũng không quen. Thế nhưng, họ biết câu chuyện tình yêu của chúng tôi và chủ động đến chia vui,” ông Tư vui vẻ kể với TTXVN
17/8/1975 là ngày cưới của họ, khi đó, ông Lê Hồng Tư 40 tuổi, bà Nguyễn Thị Châu 37 tuổi, họ cuối cùng đã về chung một nhà sau 14 năm cách xa đằng đẵng bằng một đám cưới cách mạng, giản dị nhưng đặc biệt vui vẻ, ấm áp.
Vì những di chứng sau nhiều năm liên tục chịu sự tra tấn của kẻ thù, phải mất 2 năm sau, gia đình mới đón thêm thành viên nhí khi cậu bé Lê Nguyễn Hồng Quang cất tiếng khóc chào đời.
Họ có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc nhiều năm sau này với gia đình và công việc. Trước khi nghỉ hưu, bà là Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em TP.HCM, còn ông là Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM.
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong một buổi giao lưu. Ảnh: Người lao động
“Những ngày ở Côn Đảo, khi nhận được lời hứa hôn và vật làm tin của em gửi tới, anh đã hiểu sâu sắc rằng, trong cuộc đời chúng ta không phải chỉ có đấu tranh không thôi, mà còn có niềm vui của một tình yêu thật sự tốt đẹp, chân chính” (báo QĐND trích thư ông Lê Hồng Tư gửi ý trung nhân trước ngày ra pháp trường lần hai).
Tổng hợp