Trong 1 tháng gần đây, giá vàng trong nước bắt đầu được người dân chú ý khi có những biến động tăng mạnh và lập đỉnh cao. Từ câu chuyện giá vàng bật tăng liên tục, trong khi các môi trường đầu tư khác ì ạch, dậm chân tại chỗ thì có không ít người cho biết rằng đã chuyển sang mua vàng. Bởi phương pháp tích trữ vàng để đầu tư trong thời buổi lạm phát cao không còn quá mới mẻ nhưng vẫn luôn cho thấy hiệu quả cao.
Cụ thể, tại TP.HCM, cô Ngô Cẩm (sinh năm 1960) đã bắt đầu tích trữ vàng từ năm 1985. Cô Cẩm cho biết, sau khi lấy chồng vào năm 25 tuổi, cô đã bắt đầu thói quen tích trữ vàng mỗi tháng.
“Cách tích cóp vàng của tôi khá đơn giản. Mỗi tháng tôi sẽ để dành tiền ra đủ mua 5 phân vàng. Tháng này mua 5 phân thì đến tháng tới, tôi sẽ mang 5 phân đó ra tiệm vàng. Tôi đưa chủ cửa hàng miếng vàng 5 phân trước đó đã mua, và số tiền mua thêm 5 phân vàng nữa; lúc đó tôi sẽ có 1 chỉ mang về.
Cứ thế tôi tiết kiệm và mua 5 phân vàng/tháng liên tục trong vòng 5 năm, giai đoạn từ năm 1985-1990 được 3 cây vàng. Từ năm 1990-2000, khi thu nhập tốt hơn, tôi tăng mua lên 1 chỉ vàng/tháng hoặc có tháng sẽ mua nhiều hơn. Sau 10 năm, tôi có thêm 17 cây vàng”, cô Cẩm nhớ lại.
Theo chia sẻ của cô Cẩm, cách mua 5 phân vàng trong 5 năm đầu khi thu nhập còn eo hẹp là để phù hợp với bản thân. Bởi nếu mỗi tháng cầm tiền ra mua 5 phân vàng, thì giá 5 phân tháng sau có thể cao hơn tháng trước. Mang 5 phân lẻ ra đổi lại rất dễ và cô chỉ cần đưa thêm số tiền mua 5 phân vàng nữa là đủ 1 chỉ cầm về. Việc tích trữ như vậy cũng thành ra dễ dàng hơn lại phù hợp kinh tế.
Và sau 15 năm áp dụng phương pháp này, tới năm 2000, cô Cẩm đã tích luỹ được trong tay 20 cây vàng. Cô dùng số vàng này để mua 1 căn nhà hơn 10m2 ở quận 10.
“Tôi mua căn nhà này năm 2000 với giá tương đương 22 cây vàng. Trong tay lúc đó có 20 cây vàng từ việc mua tích trữ trong vòng 15 năm như đã kể trên. 2 cây vàng còn thiếu tôi vay tiền bạn bè. Sau khi mua được nhà, tôi trả dần là hết nợ”, cô Cẩm chia sẻ.
Nhà cô Cẩm mua không quá rộng, chỉ hơn 10m2 nhưng nằm ngay khu vực trung tâm nhiều tiện ích lại gần chợ, gần trường học. Cô Cẩm chia sẻ, từ nhà cô đi ra Chợ Lớn và quận 1 khá gần; nhờ vậy mà miếng đất hiện có tiềm năng tăng giá tốt.
“Hiện kế bên nhà tôi có căn nhà diện tích tương tự đã bán được 2,7 tỷ đồng. Nên tôi thấy việc đầu tư vàng vừa dễ áp dụng mà sau khi dùng vàng mua bất động sản lại thành ra sinh lời tốt”, cô Cẩm tấm tắc chia sẻ.
Cách chi tiêu tiết kiệm để ‘mua vàng' giản đơn, rất dễ áp dụng
Ý tưởng chọn mua vàng để tích luỹ của cô Cẩm tới từ suy nghĩ bản thân thường tiêu pha khi có tiền trong người và cô muốn tìm một nơi gửi gắm khoản tiền của mình an toàn mà vẫn sinh lời đều đặn, hiệu quả. Để có tiền mua vàng tích cóp, cô Cẩm cũng phải lập kế hoạch cụ thể cho từng khoản chi ra mỗi tháng sao cho thật tiết kiệm.
“Công việc của tôi là làm giáo viên; so với mặt bằng chung thì mức lương cũng không phải là cao. Trong khi gia đình lại có rất nhiều khoản phải chi tiêu, con cái còn nhỏ nên thú thực khi tiết kiệm theo cách này tôi cũng thường xuyên bị thiếu hụt trong chi tiêu.
Nhưng tôi nghĩ rằng việc thuê nhà trọ tốn tiền quá, nên cần có một căn nhà ở cho ổn định. Bởi ông bà ta đã nói rồi, an cư thì lạc nghiệp nên tư tưởng của tôi đã xác định bản thân phải tích luỹ càng sớm càng tốt.
Thế nên khi có lương, tôi sẽ ưu tiên chi tiêu các khoản cho con cái như ăn uống, sữa, tiền học… Sau đó sẽ đến chi phí sinh hoạt cần thiết để duy trì cuộc sống cho gia đình. Còn với các khoản chi tiêu cho bản thân, tôi tiết kiệm hoàn toàn. Số tiền còn dư lại, tôi dùng để mua vàng tích trữ như trên”, cô Cẩm chia sẻ.
Cô Cẩm cũng dành lời khuyên tới các bạn trẻ nên biết cách lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư từ sớm sẽ tích luỹ được nhiều hơn. Có thể bằng cách mua vàng như cô hay phương pháp khác tuỳ từng người, miễn sao cảm thấy phù hợp là được.
Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật.