"Người đầu tiên team Hà Nội gặp trong buổi sáng nay không phải là người già nhất nhưng có lẽ là người có "thâm niên" sống trên đường phố lâu nhất. Năm nay ông 82 tuổi và đã sống ở đường phố 32 năm. Những năm đầu mới sống ở đường phố, ông ngủ ở ga tàu, nhưng rồi ở đó đông đúc, ồn ào, ông chọn một mái hiên của một nhà hàng cách đó không xa để ngủ. Nhà chủ cũng biết ông rồi nên không đuổi. Ông chờ đến khi nhà hàng dọn dẹp, đóng cửa rồi thì ông lên "giường". Ông kể cho bọn mình lịch trình hàng ngày của ông – đi bộ từ khu vực ga lên khu vực trung tâm thành phố, chừng 10h đêm thì lại bắt đầu đi về.
Mình hỏi đợt dịch bệnh này đời sống của ông có bị ảnh hưởng không. Ông bảo: "Ảnh hưởng nhiều chứ chị. Trước thì cũng có nhiều người đi phát đồ từ thiện nhưng từ sau Tết đến giờ, người ta cũng sợ." Rồi ông thẹn thùng: "Nói thật với chị và cháu, một tuần nay tôi chưa được bữa cơm nào". Hỏi ông – vậy thì sống thế nào. Ông lại thẹn thùng bảo: "Nói thật với chị và cháu, các nhà họ ăn không hết thì mình ăn" – có lẽ ông cố tránh dùng từ ăn thừa. Mắt ông lấp lánh niềm vui chỉ vào túi bún trong chiếc túi nilon đỏ thường được dùng để đựng quà tết mà ông xách theo.
"Người ta ăn không hết, người ta để lại thì mình ăn, chỉ có bún vậy thôi nhưng thế là may rồi". Ông lôi từ trong túi ra chai Trà xanh 0 độ còn 2/3: "Chai này người ta không uống hết". Trong ngày ông đi quanh các phố kiếm đồ ăn. Ông bảo ở quanh khu vực ấy, có nhà ăn không hết thì cho vào túi nilon treo ở ngoài. "Giống tôi ngày trước còn những cái cột điện bê tông mà có các lỗ ấy, tôi ăn không hết thì lại để vào đấy, người khác cần thì ăn".
Gia tài của ông để cả trong 2 cái túi nilon màu đỏ. Đi đâu cũng xách theo hai túi ấy. Trước Tết, có người đi ôtô đến cho ông 3 lần, tổng cộng 700k. Cộng với tiền trợ cấp cho người trên 80 tuổi của nhà nước, ông mua được chiếc xe đạp 950k. Buổi tối mùng 7 Tết, ông ngủ say kẻ gian lấy mất xe đạp, ông mất luôn cả mấy túi đồ trong đó có chiếc chăn còn mới và chiếc áo dạ màu đỏ mà đám thanh niên thiện nguyện biếu ông đón Tết. Nhưng ông tiếc nhất là mất hết cả giấy tờ của ông, trong đó có cả các giấy chứng nhận con liệt sĩ, huân huy chương – ông là cựu chiến binh đã có mặt ở cả 3 nước Đông Dương.
Nói chuyện với ông thật là thú vị vì ông luôn lạc quan. "Ngủ thì có chỗ ấy rồi, người ta cũng tốt với mình, không bao giờ đuổi. Ăn thì mình có ăn mấy đâu. Mà đằng nào thì chết cũng không mang đi được mà". Ông cũng có những niềm vui riêng. Ông lấy từ trong chiếc áo vest ông mặc có một tập bao lì xì. "Tôi thấy người ta vứt đi thì tôi nhặt xem có bao nhiêu loại".
Ông thông thạo tình hình thời sự, chính trị. Hoá ra là ông có cái đài con. "Đài Trung quốc đấy, lúc thì mua một trăm, lúc thì mua trăm rưỡi". Ông ngủ say nên đã bị lấy cắp mất đài mười mấy lần rồi. Ông dùng dây buộc cái tai nghe vào tai mình, vậy mà vẫn mất cả đài lẫn tai nghe. Ông cười hiền lành kể chuyện đó.
Mình đưa cho ông tờ 50 nghìn. Ông từ chối, ông bảo: "Chị cho tôi đồ ăn rồi mà, tôi không cần gì nhiều đâu", ép mãi thì ông nhận. Rồi ông bảo, "Nói thật với chị, trong túi tôi chỉ còn có 4 nghìn thôi".
Chia tay, ông cứ "Xin lỗi vì làm phiền chị với cháu" – ông tưởng Hùng là con trai mình – ông ám chỉ việc hai đứa đứng nói chuyện với ông. Hùng và mình thì cảm thấy may mắn và biết ơn ông vì đã chia sẻ thật cởi mở với mình."
Tấm lưới đỡ mang tên "tình người"
Câu chuyện của ông cụ có thâm niên sống trên đường phố lâu nhất cũng chỉ là một trong số nhiều những câu chuyện mà các thành viên của Quỹ Mỗi ngày Một quả trứng gặp mỗi ngày. Hành trình một ngày của các tình nguyện viên đều bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt, tiếp sức cho người dân vô gia cư, người nghèo và vô cùng nghèo - mất việc làm, mất thu nhập, mất nơi trú nắng mưa thậm chí mất cả đường về quê nhà giữa tâm dịch Covid-19.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - người khởi xướng Quỹ Mỗi ngày Một quả trứng và chương trình hỗ trợ "Nạn nhân không triệu chứng" tâm sự: "Chiến dịch hỗ trợ "Nạn nhân không triệu chứng" này được làm nên bởi ba chân kiềng. Các nhà hảo tâm đóng góp, từ 20 nghìn đến hàng chục triệu đồng - mà mỗi lần mình nghĩ đến là trong đầu mình ngân lên từ "sẻ chia" – biết rằng nhiều người cũng đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế mà Covid-19 gây ra.
Đội ngũ của những người thực hiện chương trình không kể sớm khuya, thời tiết – mà dường như chỉ có từ "xả thân" mới có thể diễn tả hết lòng nhiệt tình và trách nhiệm – cho dù có phải đối diện với nỗi lo dịch bệnh. Và những người nhận hỗ trợ của chương trình – với sự chân thành và tấm lòng biết ơn. Không chỉ là nối liền những đứt gãy, mà chương trình đã tạo nên tấm lưới đỡ mang tên "tình người". Và cho mình thật nhiều hy vọng."
Được biết, bác sĩ Oanh hiện đang điều hành một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng hay quen thuộc với tên gọi SCDI từ năm 2010 thực hiện các chương trình làm việc với người sống chung với HIV, người sử dụng ma tuý, người bán dâm, nam quan hệ tình dục với nam, người chuyển giới, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, viêm gan C, sốt rét, thanh thiếu niên sử dụng ma tuý, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư... Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh là một trong 50 Phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Vietnam bầu chọn năm 2017.
Tình nguyện viên chạy hết công suất để mọi người "đỡ đói"
"Cho đến lúc này, Quỹ đã nhận được đóng góp của hơn 400 người từ 50.000 đến hàng chục triệu, cả tiền và hiện vật. Nhiều người không chỉ đóng góp mà còn kêu gọi bạn bè, người thân cùng đóng góp, và sẵn sàng làm tình nguyện.
Đọc những lời nhắn kèm theo lệnh chuyển tiền, cảm thấy ấm áp trong trái tim. Nhiều gia đình đã gieo vào lòng con mầm thiện. Có bà mẹ nhắn cho mình là sau khi cho con trai đọc post của Mỗi ngày một quả trứng thì con tự lấy tiền để dành ra để góp 500.000, làm cho mẹ vui quá. Rồi lại có người vận động được bố mẹ cùng đóng góp.
Rồi những thông điệp mong cho dịch mau qua, mong cho người vô gia cư, người nghèo, trẻ lang thang được ăn uống đầy đủ, mọi người được bình an. Cảm động không kém là nhiều người gửi thông điệp cảm ơn chương trình và chúc sức khoẻ và bình an.
Hình ảnh các tình nguyện viên phát đồ ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Fanpage Mỗi ngày một quả trứng - One Egg a Day.
Không phụ lòng mọi người, tất cả các team đều chạy hết công suất, đua với thời gian để mọi người đỡ đói, để phát được đồ cho nhiều người nhất trước khi có những khó khăn mới.
Đi xe máy hàng chục cây số, chở đồ chẳng khác xe thồ, bị công an, dân phòng hỏi han, đói mờ mắt, ăn mì tôm úp hoặc mì tôm với trứng vỡ, về đến nhà chỉ muốn nằm vật ra và ngủ ngay... là tình trạng thường xuyên của cả nhóm."
Chỉ vài dòng thôi cũng đủ thấy tâm sức của những tình nguyện viên tham gia chiến dịch này thực lòng muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đợt dịch bệnh Covid-19. Có những người bị ảnh hưởng bởi đợt dịch này mà mất việc, không có lương nhưng cũng có những người chẳng kiếm nổi một hạt cơm ăn mỗi ngày hay một chỗ ngủ ngoài đường...
Tranh thủ đăng kí làm tình nguyện viên truyền thông trong thời gian nghỉ sinh, chị Hoa Vũ cho hay những đóng góp của mình chẳng thấm tháp gì so với các anh chị tình nguyện viên khác: "Tôi thích ý tưởng và tấm lòng của Quỹ Mỗi ngày một quả trứng, từ những ngày đầu khi mục tiêu của Quỹ là cải thiện bữa ăn của các học sinh trường mầm non xã Văn Xuôi, Kon Tum. Tôi cũng thích tên gọi của Quỹ, nó khiến tôi và nhiều người có định hướng rõ ràng hơn khi tham gia từ thiện. Mỗi ngày – Một – Quả trứng có nghĩa là mỗi người cần đóng góp một cách cụ thể với một lượng vừa đủ nhưng phải bền bỉ và lâu dài.
Còn về cái khó cho các chương trình như thế này là thu hút và tạo lập được tính cam kết của các bên tham gia: người đóng góp, mạnh thường quân... để duy trì tiền, hiện vật; chính quyền, công an, các cơ quan vì mình đi làm với các nhóm không có giấy tờ, rất phức tạp, người được nhận hỗ trợ, làm sao để họ tin tưởng mình, tham gia các can thiệp mà mình cung cấp, giúp họ cải thiện cuộc sống."
"Lá lành đùm lá rách" chung tay đẩy lùi Covid-19
"Mỗi ngôi nhà bọn mình đặt chân đến cũng đến cùng với muôn vẻ xót xa. Đa số các nhà đều lâm vào cảnh mất thu nhập kể từ dịch bệnh. Tại Hải Dương, một gia đình 4 người nhưng có đến 3 người không đủ sức lao động, người ít ốm đau nhất thì đã không được ai thuê mướn kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Cả nhà phải sống nhờ vào hàng xóm ai cho gì ăn đấy. Tiền điện nước hàng tháng hết khoảng hơn 100.000 đồng thì được người hàng xóm cạnh nhà hỗ trợ trả cho khoảng 3 năm nay. Câu chuyện ở Hải Phòng lại khác. Một người chở xe ôm sống tại chân cầu trong túp lều không điện, không nước. Anh đang bị bệnh tim, từ tết đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cũng không có khách, nhiều lúc cũng không có ăn."
"Một chú ngoài 50 tuổi, công việc chính là bơm xe đạp, hoàn toàn không hay biết gì về bệnh dịch cũng như cách để bảo vệ bản thân, chỉ lờ mờ đoán được điều gì đó đang xảy ra với thành phố khi từ sáng đến tối chỉ kiếm được 10 nghìn đồng. Dù là người Hà Nội nhưng không có nhà để về, phải đi ở nhờ. Lại cũng có cô thu ve chai có nhà, có quê nhưng kể từ khi dịch ập đến thì không có chuyến xe nào để về quê nữa, mà về quê cũng đói... Rồi một cặp vợ chồng nọ, người vợ khuyết tật trước đi bán nước mía thuê giờ không có việc, người chồng trước làm thợ xây nhưng mất sức nên không ai mướn. Hai vợ chồng gác tạm mấy viên gạch, bắc cái nồi con nấu bữa trưa, tối khi ngủ ven hồ khi nương nhờ sân đền."
Hình ảnh các tình nguyện viên phát đồ ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Fanpage Mỗi ngày một quả trứng - One Egg a Day.
Những câu chuyện đăng tải trên fanpage Mỗi ngày một quả trứng - One Egg a Day đều nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người. Tuy biết rằng mỗi người trong chúng ta có những hoàn cảnh sống khác nhau, có những lý do bị đẩy vào ngõ cụt chẳng giống ai nhưng cùng chung tay, "lá lành đùm lá rách", chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Hy vọng với những gì mà Quỹ Mỗi ngày một quả trứng - One Egg a Day đã và đang làm sẽ lan toả được tinh thần tích cực và sự tương thân tương ái vốn có của người Việt Nam tới mỗi chúng ta. Hãy tin tưởng rằng chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch và chẳng ai phải chịu đói trong cơn bão tố này!
Chương trình hỗ trợ Nạn nhân không triệu chứng, hỗ trợ bữa ăn, lương thực cho người lang thang, cơ nhỡ, và cho các hộ gia đình nghèo nhất để giúp họ vượt qua giai đoạn điêu đứng vì dịch bệnh Covid-19. Một suất ăn trị giá 20.000 đồng, một phần hỗ trợ cho gia đình khoảng 300.000 đồng.
Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi thông tin tại trang fanpage của Quỹ: https://www.facebook.com/MNMQT