Dịch Covid-19 khiến nghề môi giới BĐS "lao đao"
Cũng như nhiều ngành nghề khác, năm 2020 đối với hoạt động môi giới bất động sản có thể xem như "thảm hoạ" kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid – 19. Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong năm 2020 có những thời điểm số lượng sàn, công ty môi giới bất động sản trong cả nước phải đóng cửa, ngưng hoạt động lên đến 80%.
Bước sang năm 2021, tình hình có vẻ khả quan hơn trong những tháng đầu năm. Dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động mở bán, giới thiệu dự án bất động sản được doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh. Nhân viên môi giới sau một năm chịu đựng cũng phác thảo kế hoạch cho năm mới với nhiều kỳ vọng. Thậm chí, nhiều người tin tưởng 2021 có thể lấy lại những gì đã mất trong năm 2020.
Tuy nhiên, cuối tháng 4/2021 dịch bệnh quay trở lại ở một số nơi và sau đó bùng phát ra nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, Tp.HCM đô thị đông dân nhất và là đầu tàu kinh tế của cả nước phải vật lộn với Covid-19 trong suốt 3-4 tháng. Không chỉ Tp.HCM mà các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, BR-VT cũng chung cảnh khi hứng chịu đợt dịch kéo dài, diễn biến phức tạp.
Gần như thị trường BĐS Tp.HCM và các tỉnh phía Nam tê liệt, hoạt động kinh doanh gần như ngủ đông. Trong đó, các công ty môi giới bất động sản thực sự gặp khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp lâm cảnh nợ nần, vay nóng để xoay sở tiền lương, tiền mặt bằng, cầm cự hoạt động.
Với nhiều môi giới BĐS, đặc biệt là những người đã có gia đình thì áp lực còn gấp bội. Nhiều người tích cực chủ động tìm thêm nhiều việc làm khác như chạy grab, giao hàng, bán hàng online…
Theo khảo sát của Hội môi giới BĐS Việt Nam, sức ảnh hưởng của Covid-19 đến các sàn giao dịch bất động sản là vô cùng lớn khi có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.
Thống kê cho thấy, hiện tại đã có tới hơn 80% Sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Không có doanh thu, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự. Đã có tới 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.
Theo đó, 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập (tương đương khoảng 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch). Số còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Hiện, 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động.
Đáng chú ý là khó khăn về vay vốn, lãi suất vay. Có tới 89% sàn giao dịch không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các ngân hàng cũng là rất hạn chế.
Cộng với khó khăn chi phí thuê mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh khi trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng chung, doanh thu sụt giảm, thậm chí không có nguồn thu nhưng có tới hơn 70% các sàn giao dịch không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Thậm chí, nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm.
Môi giới BĐS mong cái Tết ấm no
Đến nay, khi Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đã nới giãn cách, các hoạt động đang dần trở lại "trạng thái bình thường mới", nhưng cũng chưa hoàn toàn hết dịch. Nhiều môi giới BĐS "xông pha" ra quân sau giãn cách, tăng tốc chào sản phẩm đến khách hàng cũng chỉ mong cái Tết ấm no, bởi thực tế họ cũng "ngủ đông" gần nửa năm giống như thị trường BĐS.
"Em mong cái Tết ấm no nên cũng ráng để "cày" nè chị. Đợt này em chủ yếu nhận sản phẩm đất nền từ nhà đầu tư muốn bán lại, đã có sổ. Khách thì còn tâm lý e dè nhưng cũng có giao dịch, mong từ giờ đến cuối năm thị trường ổn hẳn, có nhiều giao dịch hơn", B, một môi giới tự do khu Đông Sài Gòn chia sẻ.
Cùng tâm trạng, anh Th, ngụ Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) hiện đang bán đất nền dự án tại Đồng Nai cho biết, hiện khách đi xem đất cũng kha khá nhưng chưa có giao dịch nhiều. Tết cũng sắp đến nơi nên anh em môi giới khu vực dạo này tăng tốc để mong có cái Tết ấm no. Không chỉ bán đất dự án, nếu nhà đầu tư gửi lại sản phẩm đất nền lẻ trong dân, anh Th cũng nhận hàng để chào khách đầu tư. " Gần một năm nay không làm ăn được gì rồi, nên cũng mong thời điểm này có sản phẩm, có khách để bán, mong có tiền về quê ăn Tết chị ạ", Th (cười) bộc bạch.
Ghi nhận cho thấy, những tuần gần đây, thị trường khu ven Tp.HCM, nhất là khu vực Tp.Thủ Đức (Q.9, Q.2, Q. Thủ Đức) rục rịch trở lại. Nhu cầu đi xem BĐS đã nhiều hơn rõ nét khi TP nới giãn cách. Nhiều chốt trực của môi giới BĐS đã được dựng lên; nhiều sàn giao dịch đã nhộn nhịp đón khách trở lại…
Trong đó, có nhiều môi giới BĐS bận rộn hơn nhiều, thậm chí không kịp ăn trưa, có khách gọi là dẫn đi xem và tư vấn. Mặc dù việc chốt giao dịch chưa nhiều nhưng theo các môi giới, khách hàng chịu đi xem đất nghĩa là cơ hội "chốt cọc" sẽ cao hơn.