Mọi người ai cũng biết, kể từ sau khi triều đình nhà Thanh thi hành chính sách "Bế quan tỏa cảng", Trung Quốc đã ngày một cách xa với các quốc gia phương Tây, rồi dần trở nên lạc hậu hơn nhiều so với các quốc gia phía bên kia địa cầu.
Sau này, cửa ngõ vào Trung Quốc bị các quốc gia phương Tây cưỡng chế mở ra bằng đạn pháo, mở ra giai đoạn lịch sử đầy nhục nhã.
Sau hai lần chiến tranh nha phiến thất bại, Trung Quốc phải bồi thường khoản phí tổn chiến tranh rất lớn.
SỰ SUY YẾU CỦA THANH TRIỀU
Đến cuộc chiến tranh Giáp Ngọ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, quân Thanh đại bại, tiếp tục phải bồi thường phí tổn chiến tranh; liên quân Anh Pháp đốt Viên Minh viên, đoạt đi rất nhiều văn vật có giá trị liên thành, tất cả đã khiến nhà Thanh trở nên vô cùng suy yếu.
Từ đó trở đi, mỗi khi phải đối mặt với sự xâm lược của các thế lực bên ngoài, triều đình nhà Thanh đều chỉ biết mê muội mà cầu hòa, nhượng bộ, khiến các quốc gia phương Tây càng mạnh mẽ lấn tới xâm lược Trung Quốc, thậm chí còn thành lập thành khu vực thuộc địa.
Mùa thu năm 1899, phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nổ ra, bản chất của phong trào này chính là một cuộc khởi nghĩa nông dân, về mặt tư tưởng vẫn giơ cao khẩu hiệu "Phục Thanh diệt Dương" (tiêu diệt phương Tây, khôi phục Đại Thanh) đầy phong kiến.
Nhưng họ nào có biết, triều đại mà mà họ muốn khôi phục ấy sau lưng lại âm thầm liên kết với kẻ thù phương Tây để trấn áp chính họ.
Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nổ ra là bởi giai cấp nông dân Trung Quốc căm phẫn trước hành vi lộng hành ngang ngược của người phương Tây trên đất nước họ, vì muốn đả kích các thế lực phương Tây, phong trào Nghĩa Hòa Đoàn đã giết người phương Tây, phá hủy các giáo đường của người phương Tây xây dựng trên lãnh thổ Trung Quốc. Số lượng người phương Tây chết trong phong trào này không thể tính toán được, cũng chính hành động này đã khiến các thế lực phương Tây cảm thấy không hài lòng, liên quân 8 nước được thành lập, quá trình xâm lược Trung Hoa bắt đầu.
Lấy lý do là muốn tiêu diệt Nghĩa Hòa Đoàn nhưng mục đích thật sự của họ là muốn tiến thêm một bước xâm chiếm Trung Quốc nhằm đạt được thêm nhiều lợi ích.
Sự tấn công mạnh mẽ của liên quân 8 nước cũng vấp phải sự phản kháng của quân đội nhà Thanh, nhưng đối diện với hỏa lực tiên tiến của các quốc gia phương Tây, quân đội nhà Thanh không khác gì lấy trứng chọi đá.
Khi thấy việc đấu tranh không có hiệu quả, Từ Hi Thái hậu đã bỏ chạy, để lại Lý Hồng Chương cùng các quan đại thần tiến hành thương lượng với các nước phương Tây.
Liên quân 8 nước chiếm được Bắc Kinh.
Khi đó, yêu cầu các nước phương Tây đưa ra chính là triều đình nhà Thanh phải tham gia vào hàng ngũ tiêu diệt phong trào Nghĩa Hòa Đoàn. Kết quả là, Đại Thanh mà Nghĩa Hòa Đoàn muốn khôi phục lại quay lưng chĩa súng vào chính họ.
CÓ VŨ KHÍ HIỆN ĐẠI CŨNG VẪN THUA
Giành thắng lợi, liên quân 8 nước đã tiến vào cướp bóc trong Tử Cấm Thành, ngồi trên long ỷ chụp ảnh lưu niệm. Trung tướng Simon của Hải quân Italia còn vô tình mở kho vũ khí của nhà Thanh, trông thấy lượng vũ khí trong đó, ông ta còn cảm thấy choáng váng.
Bên trong kho chứa một lượng lớn vũ khí hơn nữa còn đều là vũ khí tân tiến bấy giờ, ví dụ như súng Maxim, pháo Krupp, đạn mini, súng Gatling….
Thế nhưng khi tham chiến với liên quân 8 nước, quân đội nhà Thanh lại không dùng đến mà vẫn chỉ sử dụng đao kiếm để tấn công, điều đó khiến Simon hoài nghi liệu có phải hay chăng nhà Thanh cố tình thua cuộc?
Thực tế là, việc nhà Thanh bại trận chẳng liên quan gì đến chuyện vũ khí có nhiều, có tân tiến hiện đại hay không mà bởi vì sĩ khí quân đội nhà Thanh lúc ấy xuống thấp, không còn tinh thần yêu nước như thời kháng chiến chống Nhật.
Nói về cuộc chiến tranh liên quân 8 nước xâm lược Trung Hoa, ông John Otway Percy Bland – nhà văn, nhà báo người Anh cho rằng:
"Quan lại nhà Thanh bấy giờ không đoàn kết, cũng chẳng có ai có thể đảm nhiệm trọng trách lớn, họ thiếu đi tinh thần yêu nước, dù cho phải đối mặt với sự xâm lược của kẻ thù nhưng họ lại không thể vực dậy ý chí chiến đấu của mình."
Điều đó cũng tức là nói nội bộ chính quyền nhà Thanh khi ấy giống như những hạt cát rời rạc, bọn họ chỉ muốn yên ổn nhất thời chứ không dám liều chết đấu tranh.