MiG-29: Nỗi khiếp sợ của Mỹ-NATO một thời liên tiếp bị bắn hạ, mất nanh vuốt thảm thương

N. Tuấn Sơn | 31-07-2022 - 18:30 PM

(Tổ Quốc) - MiG-29 được kỳ vọng là sát thủ đối với F-15 và F-16 Mỹ, nhưng tiếc thay, trên thực tế, dòng tiêm kích từng là nỗi khiếp sợ của Mỹ-NATO lại dễ dàng bị bẻ nanh vuốt.

MiG-29: Nỗi khiếp sợ của Mỹ-NATO một thời

Trước khi giáp mặt thực chiến với nhau trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, MiG-29 do Liên Xô chế tạo vẫn được coi là tiêm kích thế hệ 4 có những tính năng không chiến ngang ngửa với các chiến đấu cơ của Không quân Mỹ như F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon, ít nhất là trên lý thuyết, trên báo chí phương Tây trong suốt thập kỷ 1980.

Viết trên trang thông tin quân sự nổi tiếng 19fortyfive, chuyên gia Christian Orr khẳng định MiG-29 đã khiến Mỹ-NATO phải dè chừng hết sức đặc biệt, thường xuyên tìm cách thu thập thông tin tình báo về đặc tính kỹ - chiến thuật. Nó là một trong những nguyên mẫu "máy bay thù địch" của F-14 Tomcat Mỹ trong bộ phim Top Gun ra mắt công chúng năm 1986.

Nhưng thực tế và lý thuyết khác xa nhau quá, đặc biệt là trên bầu trời Iraq năm 1991 hay trên không phận Serbia và Kosovo 8 năm sau đó trong Chiến dịch Sức mạnh Đồng minh. Tuy nhiên kết quả những trận không chiến đó không hẳn là do MiG-29 có thiết kế kém.Chúng ta hãy lướt qua lịch sử của MiG-29 để có một cái nhìn toàn diện.

Mikoyan MiG-29 (tiếng Nga: Микоян МиГ-29, NATO định danh là "Fulcrum" - hay Điểm tựa trong tiếng Việt) là một loại máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ tư do Liên Xô và Nga thiết kế chế tạo, MiG-29 được thiết kế cho vai trò chiếm ưu thế trên không.

Được phát triển vào thập niên 1970 bởi Phòng thiết kế Mikoyan, nó bắt đầu đi vào hoạt động trong Không quân Liên Xô vào năm 1983, và tiếp tục được sử dụng bởi Không quân Nga cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tên gọi "Fulcrum" (Điểm tựa) của NATO không được các phi công Xô viết sử dụng. MiG-29 được thiết kế để đối đầu với những loại máy bay tiêm kích hạng nhẹ mới của Mỹ như General Dynamics F-16 Fighting Falcon, và McDonnell Douglas F/A-18 Hornet, trong khi Su-27 (loại tiêm kích có hình dáng rất giống MiG-29 nhưng lớn hơn) được thiết kế để đối đầu với tiêm kích hạng nặng McDonnell Douglas F-15 Eagle .

Tới nay, đã có khoảng 1.600 chiếc MiG-29 được sản xuất, 900 trong số đó để xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia trên thế giới, và MiG-29 cũng đã tham gia một số cuộc xung đột.

Cũng như mọi loại tiêm kích khác, những thành công hoặc thất bại trong không chiến của MiG-29 phụ thuộc đáng kể vào chiến thuật, trình độ phi công, cũng như tương quan lực lượng với kẻ thù.

Hầu hết các chuyên gia hàng không quân sự đều có chung nhận định MiG-29 rõ ràng là được thiết kế để ứng phó với đối thủ F-16 của Mỹ. Tuy nhiên, một chuyên gia giấu tên trên trang GlobalSecurity.org lại nhận định ngược lại:

"MiG-29 không được thiết kế để không chiến tầm gần (quần vòng) và được không quân các nước thuộc khối Xô-viết sử dụng như một chiếc tiêm kích đánh chặn. Nó có nhanh chóng leo cao cần thiết, tăng tốc lên siêu âm, nã tên lửa rồi nhanh chóng quay trở về căn cứ".

Và chuyên gia này nhấn mạnh rằng "các thùng dầu phụ mang theo đã ảnh hưởng tới khả năng của nó khiến MiG-29 không thể đạt tốc độ siêu âm". Tuy nhiên, dường như ý kiến này không thật sự đúng.

Theo công bố của nhà sản xuất, MiG-29 có trọng lượng cất cánh tối đa 18 tấn, tốc độ cực đại Mach 2.25 (2.400 km/h hay 1.500 dặm/h hoặc 1.300 hải lý/h).

Vũ khí gồm 1 pháo hàng không Gryazev-Shipurov GSh-30-1 cỡ nòng 30mm với cơ số 150 viên đạn, cùng các giá treo cho phép mang được các loại vũ khí như bom hoặc tên lửa không đối không như AA-8 Aphid, AA-10 Alamo, AA-11 Archer, AA-12 Adder, tổng trọng lượng 4.000 kg (tương đương 8.800 pounds).

MiG-29: Nỗi khiếp sợ của Mỹ-NATO một thời liên tiếp bị bắn hạ, mất nanh vuốt thảm thương - Ảnh 2.

Xác 2 chiếc tiêm kích MiG-29 của Nam Tư bị liên quân bắn hạ.

MiG-29 là "điểm tựa" nhưng bị bẻ nanh vuốt thảm thương

Như tôi (Christian Orr) đã đề cập ngay từ đầu, "trên giấy", MiG-29 có những tính năng cực kỳ ấn tượng nhưng điều đó không hẳn luôn đúng trong thực tế chiến đấu giành giật bầu trời.

Trang MiGFlug đã làm một việc hết sức ấn tượng khi thống kê đầy đủ thành tích không chiến của tất cả các loại máy bay quân sự hiện có trên thế giới, tuy nhiên họ chưa kịp cập nhật những kết quả không chiến mới nhất trong các cuộc xung đột gầy đây.

Số liệu của MiGFlug cho biết MiG-29 bắn hạ được 6 mục tiêu trên không, trong khi đó lại mất tới 18 chiếc. Tỷ lệ diệt địch/bị bắn hạ là 1:3, nghĩa là MiG-29 tổn thất rất lớn.

Tuy vậy, thành tích không chiến của MiG-29 bao gồm cả chiến công bắn hạ 2 máy bay Cessna 337, loại dân sự, không được trang bị vũ khí.

Trở lại chủ đề chính về hiệu quả chiến đấu của MiG-29 trong các Chiến dịch Bão táp Sa mạc (Iraq, 1991) và Sức mạnh Đồng minh (Nam Tư, 1999), 5 MiG-29 của Iraq và 6 chiếc cùng loại của Nam Tư đã bị bắn hạ mà không lập được chiến công nào.

Ít nhất 1 phi công của Không quân Iraq (IqAF), Đại úy Jameel Sayhood, tuyên bố đã bắn hạ 1 chiếc máy bay tiêm kích bom Tornado của Không quân Saudi Arabia, tuy nhiên các nguồn tin phương Tây lại cho rằng trên thực tế nó bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không Iraq.

Trong trường hợp MiG-29 của Không quân Nam Tư, 1 chiếc bị hạ do "quân ta bắn quân mình", 1 chiếc 1 F-16 Mỹ diệt, 1 chiếc bới F-16 Không quân Hoàng gia Hà Lan, và 3 chiếc Mig-29 khác bị bắn hạ bởi F-15 Mỹ.

Một trong những phi công F-15 Mỹ bắn hạ được MiG-29 Nam Tư là Đại tá phi công huyền thoại Cesar Rodriguez hiện vẫn còn sống, ông là phi công có nhiều thành tích không chiến nhất của Không quân Mỹ kể từ sau Chiến tranh Việt Nam.

MiG-29: Nỗi khiếp sợ của Mỹ-NATO một thời liên tiếp bị bắn hạ, mất nanh vuốt thảm thương - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ba Lan. Ảnh minh họa.

Trong chiến tranh giữa Ethiopian và Eritrea những năm 1998-2000, MiG-29 của Eritrea đã bắn hạ 3 chiếc MiG-21 Fishbed của Ethiopia.

Gần đây nhất, MiG-29 còn được cho là đã bắn hạ cả Su-35 đời mới.

Dẫu vậy, thành tích chiến đấu của MiG-29 không tương xứng với những tính năng vốn có của nó, điều mà một thời Mỹ-NATO hết sức lo sợ.

Phần lớn những bí mật của MiG-29 được Mỹ phương Tây biết đến là sau thời kỳ Liên Xô sụp đổ. Trước chiến tranh Nam Tư, các kỹ sư và giới nghiên cứu ở Mỹ bất ngờ có cơ hội trực tiếp khi thu được các mẫu máy bay chiến đấu MiG và việc Không quân Đức Liên bang Đức được thừa hưởng một số mẫu từ Không quân Đông Đức sở hữu trước đó.

Thậm chí, Mỹ còn mua hẳn mấy chục chiếc MiG-29 để làm "quân đỏ", đóng giả tiêm kích đối phương nhằm huấn luyện cách đối phó.

Khách quan mà nói MiG-29 thường tham chiến ở bên yếu hơn, phải đương cự với đối thủ mạnh hơn gấp nhiều lần.

Chẳng hạn trong thập kỷ 1990, Mỹ và NATO đã thực hiện và hoàn thiện chiến thuật tấn công phủ đầu với việc sử dụng rộng rãi tên lửa hành trình và vũ khí tấn công chính xác cao. Đi cùng với chúng là các đơn vị máy bay mang vũ khí áp chế radar với mục đích tấn công phẫu thuật vào các vị trí trọng yếu để bẻ gẫy và làm tê liệt khả năng đánh trả của đối phương.

Điều này có thể thấy rõ ràng trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần 1 năm 1991 và tiếp đó là chiến dịch Con cáo sa mạc nhằm vào Iraq năm 1998. Chiến thuật này được tiếp tục áp dụng ở Nam Tư (1999) ở mức độ cao hơn nhiều lần.

Việc khả năng phòng thủ trên mặt đất bị áp chế, không phận bị mở toang cho các máy bay tác chiến điện tử và máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) của Mỹ và liên quân giám sát chặt các dấu hiệu thù địch trên bầu trời đã khiến không quân Nam Tư không còn đất diễn trên chính sân nhà.

Số lần xuất kích của không quân Nam Tư rất ít ỏi do giới chức quân sự Nam Tư muốn bảo toàn lực lượng với mục đích tiến hành một cuộc chiến dài hơi.

Mặt khác, do thiếu hệ thống dẫn đường mặt đất, cũng như khả năng cảnh giới và phối hợp với lực lượng phòng không mặt đất vốn đã phải sơ tán để tránh bị tiêu diệt đã khiến các máy bay chiến đấu Nam Tư không đạt được hiệu suất chiến đấu cần thiết.

Phần lớn các đợt xuất kích của không quân Nam Tư được tiến hành theo các nhóm nhỏ, cất cánh bí mật và tìm vị trí phục kích đối phương trên không. Máy bay chiến đấu của Nam Tư thường không ở lâu trên không vì toàn bộ không phận đã bị máy bay tác chiến điện tử và máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) giám sát.

MiG-29: Nỗi khiếp sợ của Mỹ-NATO một thời liên tiếp bị bắn hạ, mất nanh vuốt thảm thương - Ảnh 6.

Tiêm kích F-15 Mỹ bá chủ bầu trời Nam Tư.

Chúng nhanh chóng trở thành mồi cho các đơn vị tiêm kích liên quân mang tên lửa không đối không phóng ngoài tầm nhìn tấn công ở phạm vi tới 80km. Đây là khoảng cách máy bay chiến đấu Nam Tư không thể phản kháng.

Trong tác chiến, các phi công Nam Tư thường bay thấp, lợi dụng các vật cản tự nhiên để tạo nhiễu địa vật và ẩn nấp. Họ chỉ tăng độ cao khi phát hiện đối phương và cảm thấy thời cơ đã chín muồi. Ngay sau khi leo cao công kích, phi công Nam Tư thường nhanh chóng hạ độ cao để thoát ly và tìm đường về căn cứ.

Từ các tài liệu được công bố, hiệu quả tác chiến không cao của không quân Nam Tư phần nhiều là do thiếu máy bay chiến đấu hiện đại có khả năng độc lập tác chiến cao.

Không quân Nam Tư chỉ có 15 chiếc MiG-29A có khả năng chiến đấu với tên lửa tầm ngắn, nhưng tính năng của chúng đã bị Mỹ và NATO nắm rõ nhờ khai thác các máy bay cùng loại từ các quốc gia Đông Âu cũ, trong đó có CHDC Đức.

Rõ ràng, việc thiếu khả năng tấn công tầm xa bằng tên lửa dẫn bắn bằng radar, dẫn đường mặt đất theo truyền thống tác chiến của Liên Xô, đã khiến không quân Nam Tư gần như "mù" trên không. Trong số 15 máy bay MiG-29 của Nam Tư, thì 8 chiếc đã bị phá hủy (4 chiếc mất trong không chiến và 4 chiếc bị phá hủy trên mặt đất).

Các máy bay MiG-21Bis về cơ bản đã không còn khả năng đối đầu với máy bay F-15, F-18 và F-16 mang tên lửa tầm xa và hỗ trợ tuyệt đối trên không. Dẫn chứng rõ ràng là không ghi nhận thành tích chiến đấu của nào của máy bay MiG-21Bis trong khi có tới 4 máy bay loại này bị liên quân bắn hạ.

Một yếu tố nữa là ngoài số lượng máy bay chiến đấu hiện đại ít ỏi, Nam Tư cũng không có nguồn bổ sung cho các máy bay thiệt hại trong chiến đấu.

Ở thế yếu, bất lợi do phải đơn độc tác chiến, ít được sự hỗ trợ thì kết quả không chiến của MiG-29 qua các cuộc xung đột cũng không phải thảm họa. Muốn đánh giá thực tế thì F-16 hay F-15 thử 1 chọi 1 với Mig-29 xem, chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào đâu"!

Tiêm kích MiG-29 Fulcrum


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM