** Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS Lê Quỳnh Trang Đài - Cố vấn Đối tác doanh nghiệp và Ngân hàng sữa mẹ của Alive & Thrive và bác sĩ Đoàn Ngọc Minh – Phó khoa Sản, bác sĩ phụ trách chương trình "Nuôi con bằng sữa mẹ" của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.
Ngực nhỏ thì không có đủ sữa cho con ti?
Cấu tạo vú của phụ nữ sẽ gồm có 3 thành phần: tuyến vú, mô mỡ và mô liên kết. Có nhiều nang sữa được cấu tạo bởi các tế bào tiết sữa bên trong tuyến vú. Các nang sữa (tuyến tạo sữa) được bao xung quanh bởi các tế bào cơ trơn, khi tế bào cơ trơn co thắt sẽ đẩy sữa theo các ống dẫn chảy ra ngoài.
Nguyên nhân các bà mẹ có kích thước ngực to nhỏ khác nhau là bởi thành phần mô mỡ và mô liên kết nhiều hoặc ít, còn số lượng mô tuyến vú hoàn toàn tương đương nhau.
Vậy nên có thể khẳng định rằng, ngực mẹ nhỏ không phải là nguyên nhân gây nên hiện tượng ít sữa. Sự thiếu hormone oxytocin và prolactin mới là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng ít sữa ở người mẹ.
Mẹ sau sinh sẽ không có sữa ngay?
Một số mẹ lo lắng khi sinh không có sữa ngay, nhưng thực tế thì từ 3 tháng cuối thai kỳ, cơ thể mẹ đã sẵn sàng tạo sữa, các tuyến sữa đã hoạt động mạnh mẽ và sữa non đã có sẵn trong ngực. Cơ thể mẹ còn có một cơ chế hoàn hảo để giữ sữa lại không tiết ra khi bé chưa ra đời, được kiểm soát bởi các nội tiết trong thai kỳ như steroids, progesterone.
Tín hiệu để gọi sữa là để bé tiếp xúc da kề da và tự ngậm bắt vú ngay khi ra đời (ảnh bệnh viện cung cấp)
Đến khi bé ra đời, các khóa kiểm soát mới được mở ra và sữa chỉ được tiết khi có đúng tín hiệu gọi sữa. Tín hiệu để gọi sữa là để bé tiếp xúc da kề da và tự ngậm bắt vú ngay khi ra đời. Việc bé bú kích thích vú ngay khi vừa sinh chính là chìa khóa sẽ giúp tăng lượng oxytocin nhằm tiết sữa.
Nên vắt bỏ sữa đầu vì không có chất cho bé?
Theo giai đoạn tiết sữa trong một cữ sữa, sẽ gồm có hai giai đoạn: sữa đầu và sữa cuối.
Sữa đầu có màu như nước vo gạo, có chứa nhiều nước, kháng thể và chất dinh dưỡng (protein, vitamin, khoáng chất, ít chất béo…) giúp trẻ thỏa mãn cơn khát và tăng cường hệ miễn dịch, phòng bệnh xâm nhập.
Việc mẹ vắt bỏ sữa đầu tức là đã bỏ đi lượng kháng thể có sẵn rất tốt cho trẻ.
Do sữa mẹ nóng nên bé chậm tăng cân?
Nhiều mẹ cho rằng do sữa mẹ nóng khiến trẻ chậm tăng cân. Điều này hoàn toàn không đúng. Bởi việc trẻ tăng cân hay không phụ thuộc nhiều yếu tố như:
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ, nên mẹ cần phải ăn uống đầy đủ để sữa có chất cho con
- Khả năng hấp thu dưỡng chất của trẻ do hệ tiêu hóa gặp vấn đề
- Trẻ không nhận đủ lượng sữa cho cơ thể nên không đủ nguồn năng lượng để cơ thể phát triển do mẹ ít sữa, cho trẻ bú sai cách, trẻ mắc bệnh lý bẩm sinh, trẻ bú lắt nhắt không theo cữ…
Trẻ tăng cân chủ yếu do lượng chất béo có trong sữa cuối, do đó mẹ cần cho trẻ ti hết cữ, đến khi ngực hết sữa rồi mới chuyển sang ngực còn lại. Nếu trường hợp mẹ quá nhiều sữa, có thể vắt bớt sữa đầu và trữ lại để cho trẻ ti được cả sữa đầu và sữa cuối, lấy được đầy đủ dưỡng chất và tăng cân tốt.
Sữa mẹ loãng thì không có chất, trẻ không tăng cân?
Phụ nữ mới sinh thường gặp phải tình trạng sữa mẹ bị loãng và cảm thấy lo lắng vì sợ không cung cấp đủ dưỡng chất cho con, trẻ không tăng cân.
Quan niệm này hoàn toàn sai lầm vì trên thực tế, thành phần của sữa mẹ về cơ bản đều giống nhau với khoảng 80 – 90% là nước, 10 – 20% là các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất.
Trẻ bú mẹ nhưng vẫn không tăng cân sẽ phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng của mẹ
Khi nhìn bằng mắt thường, mẹ thấy rõ ràng sữa bị loãng nhưng thực chất thành phần của sữa lại không thay đổi chút nào, sẽ không ảnh hưởng tới cân nặng của trẻ.
Trẻ bú mẹ nhưng vẫn không tăng cân sẽ phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng của mẹ, cách cho con bú có đúng cách hay không. Vậy nên đòi hỏi mẹ cần ăn uống đầy đủ để sữa có chất cho con.
Sau 6 tháng, sữa mẹ không còn chất nữa?
Sau 6 tháng đầu, thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ không hề thay đổi. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo: Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng tuổi hoặc hơn.
Tùy thuộc vào độ tuổi, trẻ sẽ cần nhiều năng lượng hơn nên mẹ hãy xem xét ngoài sữa mẹ hãy cho trẻ ăn dặm thêm các thức ăn bên ngoài để cung cấp đủ lượng chất dinh dưỡng.
Chỉ cần con ăn sữa mẹ hoàn toàn, còn ti bình hay ti mẹ không quan trọng?
Trẻ được bú mẹ trực tiếp sẽ mang lại nhiều ưu điểm hơn so với việc vắt sữa và cho trẻ bú bình như:
- Bú mẹ trực tiếp cung cấp nhiều kháng thể bảo vệ trẻ hơn; giúp trẻ luyện tập cơ vùng mặt và thúc đẩy cho sự phát triển hàm mặt một cách cân xứng. Đồng thời trẻ phát triển được khả năng nói và phát âm rõ.
- Bú sữa mẹ trực tiếp giúp giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh đối với phụ nữ, trẻ được da kề da với mẹ tạo sự kết nối mẹ - con tốt hơn.
- Bú sữa mẹ trực tiếp giảm nguy cơ béo phì cho trẻ
- Bú mẹ trực tiếp tiện lợi, ít tốn kém, sạch sẽ và đáp ứng nhanh nhu cầu của trẻ khi bị đói
(Còn tiếp)