Bà Quỳnh Dao sinh năm 1938 tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Bà cũng có họ hàng xa với hai nhà văn nổi tiếng là Kim Dung và Từ Chí Ma.
Bà để lại nhiều tiểu thuyết để đời, được chuyển thể thành phim, có sức ảnh hưởng lớn trong làng thơ văn Trung Quốc. Bút pháp của bà luôn đầy tình thơ ý họa, cảnh sắc tuyệt đẹp. Những áng văn hay và đầy khí chất được bà trau chuốt từng câu, từng chữ, không lối mòn.
Không ít tác phẩm nổi tiếng đến mức người người đều biết, có thể kể tên như Thủy vân gian, Triều thanh, Hoa mai lạc, Hải âu phi xứ, Dòng sông ly biệt, Hoàn Châu cách cách, Một thoáng mộng mơ…
Những tên tuổi của nhiều diễn viên như Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Trần Đức Dung, Tưởng Cần Cần, Cổ Cự Cơ, Tô Hữu Bằng… cũng được chắp cánh từ vai diễn trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của bà. Đặc biệt, Hoàn Châu cách cách còn được xếp vào hàng tác phẩm truyền hình kinh điển và là "bảo vật trấn đài" của màn ảnh Trung Quốc.
Tuy con đường sự nghiệp lẫy lừng như vậy nhưng cuộc sống tình cảm cá nhân của nữ sĩ Quỳnh Dao lại tràn đầy sóng gió. Bà trải qua ba mối tình lớn và hai cuộc hôn nhân, nhiều năm liền mang danh “kẻ thứ 3”, “cướp chồng” người khác. Hiện tại, ở tuổi 83, bà đang sống cô độc một mình và chỉ mong tìm kiếm sự bình yên.
"Mẹ đẻ Hoàn Châu Cách Cách" sống một thân một mình khi về già. (Ảnh: Sina)
Tình đầu “sư đồ” cách biệt 25 tuổi đầy ngang trái
Trong những tác phẩm của Quỳnh Dao, tình cảm luôn là yếu tố chủ đạo hàng đầu. Chỉ cần có tình, con người có thể vượt qua mọi giới hạn, định kiến để theo đuổi cái gọi là tình yêu.
Chính tác giả của những áng văn cũng sống với tinh thần như vậy. Bà luôn khát vọng yêu và được yêu, mang trong mình “tiếng yêu” một cách cháy bỏng. Điều này đã thôi thúc Quỳnh Dao khi mới là một nữ sinh trẻ tuổi, đã nảy sinh tình đầu với thầy giáo dạy văn góa vợ. Khi đó, hai người họ cách nhau tới 25 tuổi.
Quỳnh Dao thời trẻ sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê văn chương (Ảnh: Sohu).
Bỏ qua khoảng cách tuổi tác và định kiến xã hội lúc bấy giờ, khi mà tình cảm sư - trò bị ngăn cấm mãnh liệt, cả hai người vẫn đến với nhau một cách bất chấp. Tình đầu chớm nở đầy ngọt ngào khiến Quỳnh Dao say mê. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến cô nữ sinh đánh mất sự tập trung, lơ là việc học, dẫn tới thi trượt đại học.
Chuyện hẹn hò của hai người nhanh chóng bị bại lộ. Cả gia đình và nhà trường đều lập tức ngăn cấm cặp đôi. Mối tình đầu mở màn và kết thúc trong ồn ào khi người thầy lập tức phải chuyển công tác, Quỳnh Dao thì đúc kết tất cả tâm tư tình cảm vào cuốn tiểu thuyết mang tên Song Ngoại, được bà xuất bản về sau này.
Cuộc hôn nhân ngắn chẳng tày gang
Từ sau lần đổ vỡ trong tình yêu, Quỳnh Dao chuyên tâm sáng tác văn học. Tới năm 20 tuổi, bà gặp được một chàng sinh viên có xuất thân nghèo khó, nhưng cùng chung đam mê là văn chương. Đó chính là Mã Sâm Khánh, người đàn ông thứ hai trong cuộc đời của vị nữ sĩ, cũng là người chồng đầu tiên của bà.
Sau một thời gian say đắm trong tình yêu, cùng nuôi dưỡng đam mê văn học, Quỳnh Dao và Mã Sâm Khánh ngày càng mặn nồng. Họ quyết định đi tới hôn nhân vào năm 1995 và nhanh chóng có một đứa con, bất chấp những lời phản đối từ bố mẹ của nhà gái.
Sau 4 năm hôn nhân, tác phẩm Song Ngoại được thai nghén rất lâu của Quỳnh Dao cuối cùng cũng hoàn thành. Đây cũng là tác phẩm đem tới những thành công rực rỡ bước đầu, khiến tên tuổi của nữ sĩ trở nên nổi tiếng hơn nhưng đau đớn là, nó cũng trở thành con dao nhọn xé toạc một cuộc hôn nhân êm ấm hạnh phúc.
Quỳnh Dao kết hôn và có một người con với Mã Sâm Khánh (Ảnh: Sina).
Song Ngoại là cuốn tiểu thuyết mà Quỳnh Dao trút hết nỗi lòng về mối tình đầu với người thầy giáo hơn 25 tuổi của mình. Tình cảm non nớt, ngây thơ nhưng đầy mãnh liệt đã chinh phục nhiều khán giả, nhưng nó lại “đâm thẳng” vào trái tim người chồng.
Mã Sâm Khánh cảm thấy vô cùng bức bối khi câu chuyện tình cũ của vợ được mang ra bàn tán khắp nơi. Những xích mích gia đình ngày một tăng lên. Thậm chí, chính gia đình của Quỳnh Dao cũng không thể chấp nhận Song Ngoại.
Vào năm thứ 5 của cuộc hôn nhân, Mã Sâm Khánh đã chỉ trích bạn đời ngay trên báo và đặt dấu chấm hết cho mọi chuyện. Năm 1964, họ ly hôn. Đồng thời, mẹ của Quỳnh Dao cũng tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ với bà.
Cuộc hôn nhân thứ 2 càng thêm sóng gió, hơn 50 năm chịu tiếng “cướp chồng”
Mối tình tiếp theo của Quỳnh Dao cũng đầy sóng gió và tai tiếng, không khác gì những nhân vật trong tiểu thuyết do chính bà viết ra. Người đàn ông mà bà trót đem lòng yêu lại là người đã có gia đình êm ấm. Đó chính là Bình Hâm Đào, người làm việc tại một nhà xuất bản cao cấp đã giúp Quỳnh Dao xuất bản cuốn Song Ngoại.
Cả hai gặp nhau trong một vụ tai nạn của Quỳnh Dao. Bà đã nhanh chóng siêu lòng trước người đàn ông thành đạt, bảnh bao và đầy chững chạc. Thời điểm mà Quỳnh Dao ly hôn, mối quan hệ mập mờ giữa hai người lại càng phát triển đến một mức mới. Người đàn ông của gia đình đã không thể cưỡng lại nữ sĩ, họ bắt đầu lén lút qua lại với nhau.
"Mẹ đẻ Hoàn Châu Cách Cách" và người chồng thứ hai - Bình Hâm Đào (Ảnh: Sina).
Sau gần 2 năm, Quỳnh Dao đột nhiên nói với Bình Hâm Đào rằng mình muốn chia tay vì không thể chịu cảnh này nữa. Bà sẽ lên xe hoa với người khác để được làm vợ danh chính ngôn thuận. Vì ghen tuông, Bình Hâm Đào đã lập tức về nhà đề xuất ly hôn với vợ để đến với nữ văn sĩ.
Bà Lâm Uyển Trân khi đó là vợ của ông Bình Hâm Đào đã phải ngậm đắng nuốt cay nhẫn nhịn để bảo vệ mái ấm cho các con. Bà chấp nhận cho chồng có quan hệ ngoài luồng trước khi ký vào đơn ly hôn cả chục năm sau đó.
Cuộc tình này của Quỳnh Dao đã dấy lên vô số tranh cãi. Nhìn vào những tác phẩm của bà, mọi người cũng đồng thời nhận ra luôn có sự xuất hiện của người thứ ba, sử dụng “tình yêu” để chen chân vào gia đình của người khác. Có tác phẩm thì đề cập tới mối quan hệ anh rể và em vợ, có cặp đôi thì nói về chuyện tình giữa em chồng và chị dâu… Dư luận cho rằng, đây chính là tâm tư mà nữ văn sĩ muốn gửi gắm.
Quỳnh Dao và Bình Hâm Đào chờ đợi hơn chục năm mới "danh chính ngôn thuận" đến với nhau (Ảnh: Sohu).
Năm 1979, sau 16 năm làm vợ "bé", Quỳnh Dao mới có thể chính thức được ở bên người mình yêu. Khi đó, bà đã 41 tuổi. Tuy vậy, danh hiệu “người thứ ba”, “kẻ cướp chồng” vẫn gắn liền với tên tuổi nữ sĩ, trở thành một vết nứt trong cuộc đời sự nghiệp lẫy lừng của bà.
Cuộc hôn nhân này của bà cũng bị chính các con của Bình Hâm đào phản đối quyết liệt. Cho dù hơn 30 năm sau, khi mà Bình Hâm Đào đã 90 tuổi và mắc chứng đãng trí, quên mất người vợ đầu ấp tay gối với mình, các con của ông đã lập tức cấm cản Quỳnh Dao gặp gỡ hay chăm sóc cho chồng. Bà bị buộc phải quay về cuộc sống một thân một mình khi tuổi già ập tới.
Thời điểm đó, Quỳnh Dao ấp ủ mong muốn phát hành một cuốn sách về tình yêu của hai vợ chồng nhưng tiếp tục bị con riêng của chồng phản đối kịch liệt .Thậm chí, một người con trai còn thẳng thừng tuyên bố: "Nếu một mối tình đánh đổi bằng việc làm tổn thương người khác, bằng sự hy sinh của người phụ nữ khác, thì dù thế nào, tình yêu đó cũng chẳng có gì là cao đẹp, càng không xứng đáng để đem ra khoe khoang hay ngợi ca.”
Năm 2019, ông Bình Hâm Đào qua đời vì tai biến mạch máu não. Sau khi ông mất, cái tiếng "hồ ly cướp chồng" vẫn đeo bám dai dẳng Quỳnh Dao.
Vợ chồng Quỳnh Dao và Bình Hâm Đào chụp ảnh cùng dàn diễn viên của Hoàn châu cách cách (Ảnh: Sina).
Cuộc sống kín tiếng ở tuổi 80 trong biệt phủ 2.000 tỷ đồng, mong tìm lại hai chữ “bình yên”
Ở tuổi 83, nữ văn sĩ nổi tiếng hiện tại đang sống cô độc một mình. Bà chỉ mong muốn dành những ngày tháng cuối đời thật bình dị, yên ả và dồn tâm huyết cho việc sáng tác.
Bà đã không còn dùng mạng xã hội kể từ sau cuộc “khẩu chiến” với các con riêng của chồng vì cho rằng, những năng lượng tiêu cực trên mạng xã hội đã trở thành "gánh nặng cuộc sống", làm bà sống quá mệt mỏi.
Trong bức di thư được chuẩn bị trước để gửi cho người thân, bà dặn rõ rằng, dù có bệnh tật nghiêm trọng cũng không được làm phẫu thuật, không đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, không sử dụng ống thở hỗ trợ, không miễn cưỡng áp dụng các biện pháp cấp cứu. Bà mong muốn mình có thể ra đi một cách không đau đớn là được, cũng không cần tang lễ phô trương, nghi thức, vàng mã hay gì cả. Bà còn đặc biệt dặn dò, người thân không cần lập linh vị hay cúng bái bà vào ngày giỗ, tiết Thanh Minh…
Ở tuổi 84, Quỳnh Dao sống cô độc và tập trung viết lách (Ảnh: Sina).
Ngày 28/3, ETtoday đưa tin, hiện nữ sĩ đang sống kín tiếng tại căn nhà 7 tầng, mang tên Khả Viên ở thành phố Đài Bắc (Đài Loan). Khu nhà được xây cách đây hơn 30 năm, có diện tích 660 m2 với cảnh quan tuyệt đẹp, vườn cây, hồ nước, lối tản bộ và chòi nghỉ chân rộng rãi. Khả Viên hiện được định giá thị trường 2,5 tỷ Đài tệ (tương đương 87 triệu USD, gần 2.000 tỷ VNĐ).
Khả Viên có giá trị lên tới gần 2.000 tỷ VNĐ.
Theo chia sẻ của tờ ETtoday, nữ nhà văn nổi tiếng đang chuẩn bị tiến hành cải tạo khu nhà, xây dựng thang máy nhằm phục vụ cho việc đi lại. Để thuận tiện cho công tác xây dựng, bà quyên tặng cây cổ thụ, hòn non bộ và hơn 100 con cá cảnh cho trường học trên núi Dương Minh.
Khả Viên là nơi lưu giữ hạnh phúc và kỷ niệm giữa Quỳnh Dao và Bình Hâm Đào, được đích thân ông thiết kế theo nhu cầu và sở thích của nữ sĩ. Khu nhà có diện tích rộng lớn này cũng là nơi ghi hình của không ít tác phẩm do Quỳnh Dao biên kịch như Tôi là một áng mây, Cháy lên đi hỡi chim lửa...
"Khả Viên không chỉ là một ngôi nhà, một khu vườn mà hơn cả đó là nơi nương náu, đảm bảo sự bình yên để tâm hồn tôi không còn lang thang nữa", Quỳnh Dao chia sẻ.
Một góc hình ảnh hiếm hoi tiết lộ cảnh quan bên trong Khả viên.
(Theo Sohu, ETtoday, 163, Sina…)