Trời càng về đêm, đường phố TP. Hồ Chí Minh càng đông đúc. Tại những ngã ba luôn luôn là tiếng ồn ào, huyên náo của người và xe. Thế nhưng, dường như những xô bồ tấp nập đó không chạm đến được “góc học tập” của hai mẹ con chị Nguyễn Thị Mai Anh. Ở nơi đó, hai mẹ con chị đơn độc, tĩnh lặng ngồi nắn nót từng nét chữ.
Em bé Thanh Hiền còn nhỏ, hai mắt trong veo nhìn vào quyển vở, nhờ vào ánh đèn đường mà viết từng nét. Thỉnh thoảng, có vài cặp vợ chồng đi đường xúc động với hình ảnh mẹ dạy con học nên dừng lại ghé mua vài tờ vé số, còn lại, người ta phóng đi vội cho kịp đèn giao thông.
Đứt ruột mới để con đi cùng trên chặng đường bươn chải
Chị Nguyễn Thị Mai Anh (40 tuổi, quê Hà Nội, thường trú tại phường Tân Định, Quận.1) đã bán vé số hơn chục năm nay trên con đường Võ Thị Sáu. Người qua con phố này đã quen với hình ảnh người mẹ cùng đứa con nhỏ - bé Nguyễn Thanh Hiền (4 tuổi rưỡi) ngồi ngoan ngoãn học bài trên vệ đường, phía trước trạm xăng (số 123 Võ Thị Sáu, P.6, Q.3, TP. HCM).
Buổi sáng chị Mai Anh bán vé số một mình ở công viên Lê Văn Tám, đến tối, mẹ con mới ra đây để bán. Mỗi ngày, từ 19 giờ đến 23 giờ khuya, ba mẹ con chị Mai Anh vẫn đều đặn ra góc đường bán vé số.
Chị Mai Anh cho biết, mình có hai con là bé Thanh Hiền và Minh Quyên, đều đã theo mẹ đi bán từ nhỏ. Vì hoàn cảnh gia đình, chồng làm nghề chạy taxi thuê nên không thể ở nhà chăm con trong khi chị phải bươn chải ra đường bán vé số, vì vậy chị phải mang 2 bé theo cùng. Hiền và Quyên vì thế cũng rong ruổi theo mẹ ngay từ khi còn trên xe đẩy.
Bé Thanh Hiền năm nay bắt đầu tập viết chữ. Đem con theo, rảnh rỗi nên chị Mai Anh quyết định lấy tập sách ra dạy con học, vừa giúp con kịp bài trên lớp, vừa hỗ trợ cho bé việc học mà cũng tránh để bé nghịch ngợm. Chị chia sẻ, bản thân chỉ muốn con được học chứ không phải đem con ra cho thiên hạ dòm ngó, chỉ trỏ.
Góc học tập của Hiền chỉ đơn giản là những tấm ni lông, bìa cát tông, áo mưa trải xuống nền đất, sách tập bày la liệt và một chiếc ghế xếp để kê lên, thuận tiện cho viết bài. Ánh đèn đường là thứ soi sáng cho em. Dù giản dị, nhưng đó là nơi những con chữ đầu tiên của Thanh Hiền được ra đời. Kế bên em là tập vé số của mẹ được kẹp vào quyển vở.
Ngoài bé Hiền, chị Mai Anh cũng mang theo con lớn của mình - bé Nguyễn Vũ Minh Quyên (12 tuổi). Quyên mắc bệnh động kinh từ nhỏ vì thế mà chị mang theo em đi bán vé số để dễ bề chăm sóc. Chị kể: “Ở nhà thì bé ù lì lắm. Đi bán vé số may ra biết đếm, biết chữ. Chứ ở nhà, có khi con đang chơi tự nhiên giật ra, tay chân co rút hết lại.”
Chị cho biết, vì đem con theo để tiện cho việc chăm sóc nên đã có những tình huống oái ăm như bị công an khu vực hỏi thăm vì tưởng chị lạm dụng trẻ em, chăn dắt con nít. Chị Mai Anh kể: “Người ta hiểu nhầm tôi, coi tôi như tội phạm. Nhưng về sau xác minh được thì thả tôi ra. Anh trinh sát khu vực đó có đến đây mua vé số ủng hộ tôi, cũng như xin lỗi tôi về chuyện hôm ấy.”
“Tôi không phải chăn dắt con nít hay ăn xin. Tôi chỉ người bán vé số đàng hoàng. Tôi đã bán lòng tự trọng để ngồi đây bán vé số, có tiền mua tã sữa cho con.” - chị Mai Anh nói về hoàn cảnh của mình. Chị khẳng định bản thân chỉ đơn thuần là người mẹ mong muốn có một cuộc sống đủ đầy cho con, cám cảnh mới phải để con bươn chải.
Anh Tùng, một bảo vệ gần đó chia sẻ, bản thân đã mua vé số của chị Mai Anh từ lâu, coi như là mối ruột. Hôm nào anh cũng đến mua vài tờ, chủ yếu là vì thấy chị và con nhỏ nên muốn ủng hộ.
Một lúc sau, có một người phụ nữ trung niên dừng chân và tặng cho chị Mai Anh và bé Hiền vài gói bánh. Đó dường như là khách quen của chị, họ không mua vé số mà chỉ tặng cho chị tấm lòng thơm thảo. Chị Mai Anh cười vui vẻ nhận phần bánh, còn dặn con: "Cảm ơn cô đi con."
Chưa bao giờ ngừng nỗ lực tìm đến sách vở cho con
"Con ngồi ngoan viết chữ đi, để mai có bài kịp nộp cho cô."
Chị Mai Anh liên tục nhắc nhở con làm bài. Nhưng dường như thành phố hoa lệ nhiều màu này khiến bé Hiền phân tâm, thỉnh thoảng em lại ngó nghiêng ra đường. Nhưng ngay sau đó, em lại chăm chú vào quyển vở. Có lẽ vì em biết ước mơ của mẹ mình ở đó.
Khi tôi hỏi tại sao chỉ bán vé số ở đây buổi tối, chị Mai Anh cho biết buổi sáng các bé đều đi học. Chị luôn dành việc học của các con lên hàng đầu. Phải đến chiều, khi cho con tắm rửa, ăn uống xong, ba mẹ con mới bắt đầu bán vé số cũng như chị mới có thời gian kèm cặp con nhỏ học hành.
Khi tôi tặng cho bé Hiền những cuốn vở trắng, dù rất ngại ngùng người lạ, em vẫn rất vui vẻ với món quà. Hiền không ngừng mân mê từng trang vở. Em cứ xếp đi rồi xếp lại những cuốn tập trắng.
Bé Hiền sắp vào lớp 1. Xung quanh hai mẹ con lúc nào cũng là những quyển vở, quyển tập, bút viết để em có thể vừa học vừa chơi. Em có thể ngồi mân mê những cây bút chì màu cả tối. Nhưng tính bé lại hiếu động, thích nhảy múa nên chị Mai Anh phải khó khăn lắm mới dạy cho con luyện được vài nét.
Bé Minh Quyên lại là một hành trình dài của mẹ Mai Anh trong việc tìm đến con chữ. Vì căn bệnh nên em ngại tiếp xúc với người lạ, năng lực học tập cũng không thể bằng bạn bè, em Quyên do đó không thể học tập ở những trường bình thường.
Phải qua rất nhiều lần chạy đôn chạy đáo, chị Mai Anh mới có thể tìm được lớp phù hợp với trình độ của con. Đây là một trường Giáo dục đặc biệt dành cho trẻ chậm hiểu. Bé Quyên đã theo học ở trường được 3 năm. Với học phí được miễn giảm 100%, ngược lại, phụ huynh phải chi trả tiền bán trú mỗi tháng là hơn 2 triệu đồng.
Cô Nguyễn Phan Thanh Liễu, giáo viên của bé Quyên cho biết: “Quyên thuộc dạng chậm phát triển trí tuệ. Dù vậy, bé vẫn rất thích được đi học. Tôi thấy mẹ bé chăm sóc con rất tốt, quan tâm bé. Cũng vì hoàn cảnh gia đình, không thể để bé ở nhà nên chị đành đưa bé đi bán vé số cùng để phòng tránh nguy hiểm cho bé vì đã có lúc bé tự cắt tóc mình.”
Từ ngày hình ảnh của hai mẹ con được lan truyền trên mạng xã hội, đã có nhiều người đến ủng hộ hai mẹ con chị. Những bạn trẻ thì tặng tập sách, bút màu cho bé Hiền, còn những cô chú thì gửi tặng bánh kẹo. Mới đây, một người vì yêu quý bé đã gửi tặng gấu bông để Thanh Hiền có bạn đồng hành khi ngồi bán vé số với mẹ.
Đêm khuya, người qua đường Võ Thị Sáu cũng thưa dần. Những đứa trẻ cũng bắt đầu gà gật. Chị Mai Anh bắt đầu dọn dẹp đồ đạc, dắt theo đứa nhỏ và đứa lớn đang dụi mắt, chuẩn bị về nhà. Cả ba đi bộ, thỉnh thoảng nói cười. Dường như cả buổi bán hôm nay đều là niềm vui. Đến lúc hình ảnh ba mẹ con chìm vào bóng tối thì đồng hồ cũng vừa điểm 23 giờ.