Năm 2022 anh nhận được giải đề cử VTV Awards sau nhiều năm được đề cử. Cảm xúc của anh như thế nào?
Gần 10 năm trước, tôi nhận được giải Én vàng của HTV. Gần 10 năm sau, tôi nhận được giải VTV Awards. Như vậy là mở đầu sự nghiệp với một giải thưởng cho người trẻ có tiềm năng, và trọn vẹn với một giải thưởng dành cho những người dẫn chương trình chuyên nghiệp của Đài truyền hình Việt Nam.
Đối với người dẫn chương trình, việc nhận được giải thưởng VTV Award không chỉ là là sự ghi nhận rất lớn của khán giả mà đặc biệt hơn là của cả hội đồng chuyên môn gồm nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực truyền thông, giải trí. Khi nhận được giải thưởng, tôi cảm thấy có thêm cơ sở để vững tin hơn với mong muốn trở thành gương mặt của VTV một cách rõ rệt hơn.
Năm 2022 của tôi vừa vặn hội tụ những yếu tố: Bản lĩnh, kinh nghiệm, cơ hội và sự tự tin. Có lẽ nó gần như hoàn hảo đối với những gì tôi tự đề ra cho bản thân.
Tôi cảm giác mọi người đều là những gương mặt nổi trội nhất ở “mảnh đất” riêng của mình, ít nhất là đối với top 3 đề cử lọt vào tới vòng cuối cùng. Thế cho nên cũng rất khó để gọi đây là sự cạnh tranh trực tiếp.
Bản thân tôi nghĩ đến việc trong đêm chung kết, những người đồng nghiệp có cơ hội chung sân khấu và cùng dẫn với nhau là đã là điều rất vui rồi, hoàn toàn không có sự căng thẳng.
Thành công này có những phần hỗ trợ của ai?
Trong bất cứ một công việc nào thì yếu tố đầu tiên góp phần cho thành công, theo tôi là phải lựa chọn và theo đuổi được thứ mà mình yêu thích, và quan trọng hơn là cần phải có năng lực.
Thứ hai, tôi phải cảm ơn những người thầy, người hướng dẫn. Bản thân tôi không có một “người thầy” nào cụ thể. Tôi chỉ quan sát những cô chú anh chị đi trước để học hỏi, xem họ có cái gì hay, mình liệu có cái đó hay không và cái hay của riêng mình là gì.
Quan trọng hơn, tôi phải cảm ơn các lãnh đạo VTV đã trao cho cơ hội tham gia các chương trình như Cafe Sáng, Chúng tôi là chiến sĩ, Chiếc nón kì diệu, Bữa trưa vui vẻ, VTV kết nối… Nhờ đó, tôi có cơ hội tiếp cận và trở nên “quen mặt” với khán giả của VTV.
Nhiều người nghĩ rằng hình ảnh của tôi bị đóng khung, hoặc tôi không hợp hoặc không dẫn được những chương trình kiểu này, kiểu kia. Tôi chỉ cười. Vì việc đến tay tôi sẽ làm, và làm thật tốt. Còn lại, tôi nghĩ mình không cần phải chứng minh điều gì khác.
Thực sự là hành trình trải nghiệm của tôi rất đa dạng và phong phú. Mỗi lần được đảm nhận một chương trình mới sẽ là một thử thách.
Thử thách đầu tiên trong nghề chắc chắn là 2 tháng tôi khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh để thi Én vàng. Đối với tôi, đó là khoảng thời gian vô cùng biến động và nhiều khó khăn. Chỉ 1 năm trước đó, gia đình trải qua cú sốc nặng nề khi bố tôi qua đời. 2 tháng ở TP. Hồ Chí Minh có thể nói là trải nghiệm tôi không bao giờ quên khi phải tự mình lo liệu mọi việc khi xa nhà lâu đến vậy. Nhưng nhờ có cuộc thi và giải thưởng Én Vàng, tôi nhận ra bài học đầu tiên trong nghề. Đó là những mục tiêu mình đặt ra đều có thể trong tầm tay, miễn là mình có sự chú tâm cao độ và sự chuẩn bị kỹ càng.
Trước những thử thách, với bản tính khát khao những điều mới mẻ nên tôi không hề cảm thấy đó là áp lực hay phải gồng gánh để hoàn thành. Ngược lại, đó là mục tiêu khiến tôi cảm thấy háo hức chinh phục.
Trước mỗi lần áp lực như vậy, anh làm thế nào để vượt qua?
Đầu tiên phải nói rằng tôi chưa bao giờ thiếu tự tin về bản thân.
Tôi biết điểm mạnh của mình. Do đó, một chương trình mới chỉ có thể khiến tôi cảm thấy hứng thú hơn, chứ ít khi vấp phải suy nghĩ “mình không đủ khả năng thực hiện”.
Và để góp phần cho thành công của chương trình, tôi còn được tiếp thêm sức mạnh thì ê-kíp thực hiện chương trình. Trên sân khấu phần thể hiện của người dẫn chỉ chiếm 20%, còn lại 80% thành là nhờ quá trình chuẩn bị của cả một tập thể. Khi đại diện cho một chương trình, một tập thể như vậy, tôi không thể làm việc một cách cẩu thả được. Tất cả những yếu tố đó giúp cho tôi có sự chuẩn bị tốt để làm bất cứ chương trình nào.
Đối với những chương trình lớn như Hoa hậu Hoàn vũ, Lễ trao giải VinFuture, hay SEA Games 31 đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Tôi phải có sự tìm hiểu kỹ thông tin về từng sự kiện, nhân vật như các nhà khoa học tại VinFuture. Việc này giống như làm bài tập về nhà trước. Chuẩn bị càng kỹ thì khi lên sân khấu càng suôn sẻ. Ngoài ra, tôi cũng tham khảo ý kiến đóng góp của những đồng nghiệp để tạo ra những màn dẫn ấn tượng, ví dụ như ý tưởng “lời chào bằng 11 thứ tiếng” tại Lễ khai mạc SEA Games 31 đã tạo ra điểm nhấn và hiệu ứng truyền thông lan tỏa đặc biệt.
Hiện tại khán giả ấn tượng MC Đức Bảo là người dẫn chương trình song ngữ top đầu. Anh định hướng con đường này từ đầu hay có một dấu mốc khiến anh thay đổi?
Thực ra việc dẫn song ngữ tôi đã thực hành trong quá trình sinh viên khi đi làm thêm tại các trung tâm Anh ngữ. Khi đó, tôi đi làm thuần túy là để kiếm thêm thu nhập. Nhưng tôi cũng nhận thấy ở thời điểm đó, trên truyền hình chưa thực sự có nhiều người dẫn tiếng Anh chuyên nghiệp. Phần lớn những MC tiếng Anh khi đó chỉ đọc kịch bản ra chứ không phải host - dẫn chương trình.
Đến năm 2014, lần đầu tiên tôi có cơ hội dẫn song ngữ tại một sự kiện lớn, đó là lễ trao giải Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và gây được nhiều ấn tượng đối với nhiều khán giả. Cũng từ đó, tôi nhận ra trở thành một MC có khả năng dẫn chương trình song ngữ là một hướng đi hay. Số lượng người dẫn chương trình rất đông, ở mảng giải trí có nhiều người mạnh, các chương trình chính luận có BTV thời sự, tôi tự hỏi vậy mình nằm ở đâu trong đám đông đó? Và tôi quyết định, mình phải có cái riêng.
Theo cảm nhận cá nhân, có vẻ sau thành công của tôi, nhu cầu về MC song ngữ ngày càng nhiều hơn. Nhiều bạn trẻ cũng mong muốn trở thành MC song ngữ, giúp nâng tầm danh xưng này hơn. Tôi nghĩ mình cũng góp phần nào đó vào sự thay đổi này.
Khi nhận lời mời dẫn các chương trình song ngữ, anh có mất nhiều thời gian chuẩn bị không?
Thực ra kinh nghiệm của tôi hiện tại đã tích lũy được khá nhiều. Cho nên, tôi không cần chuẩn bị quá nhiều, nhưng điều tôi cần là được trao đổi trực tiếp và hiệu quả với đơn vị tổ chức để nắm bắt được nội dung cần truyền đạt, mục đích của sự kiện là gì. Từ đó kết hợp với những hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân để đưa ra cách dẫn phù hợp.
Tôi nghĩ việc mình được tin tưởng giao trọng trách “cầm trịch” nhiều sự kiện quy mô lớn nằm ở khả năng xử lý được tình huống một cách bình tĩnh và bản lĩnh. Điều này đòi hỏi quá trình tích lũy kinh nghiệm và học hỏi không ngừng. Đặc biệt, công việc MC đòi hỏi EQ khá cao. Điều này phụ thuộc vào sự để ý của cá nhân, sự hiểu biết và kinh nghiệm.
Việc luyện tiếng Anh của tôi bắt đầu từ khi còn là sinh viên. Tôi xem nhiều phim thuộc nhiều thể loại khác nhau, thấm nhuần được nhiều điều như từ vựng, kiến thức chuyên môn và văn hóa.
Nói tiếng Anh sao cho tự nhiên là điều không dễ. Khi xem các chương trình dẫn bằng tiếng Anh của nước ngoài, tôi học được cách dùng từ như thế nào khi làm một người dẫn chương trình, chứ không chỉ là một người đọc và phát âm tiếng Anh hay.
Ngoài ra khi nhà, vợ tôi tôi nói tiếng Anh khá tốt nên chúng tôi nói chuyện với nhau hàng ngày dùng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Tôi nghĩ đó là cách luyện tập khá hiệu quả.
Theo tôi, bản lĩnh của một MC được rèn luyện qua năm tháng, và là thành quả sau quá trình nỗ lực không mệt mỏi.
Lấy vợ cùng nghề MC với anh có thuận lợi hay khó khăn gì?
Cô ấy không chỉ là người đồng hành trong cuộc sống mà còn gắn bó trong công việc, cùng tôi định hướng nên làm gì, xây dựng hình ảnh bản thân ra sao. Khi đã là một người đồng hành, thì chắc chắn chúng tôi phải chấp nhận hai vợ chồng làm việc chung, giữa công và tư phải có sự mâu thuẫn với nhau. Nhưng sự kết hợp này lại tạo ra sự phát triển và cả những điều khác biệt.
Ví dụ người ngoài sẽ không bao giờ nói cho cho chúng ta điểm yếu của mình là gì, cái mình làm chưa được là gì. Nhưng vợ tôi sẽ không ngại chia sẻ điều đó. Đôi khi, điều đó không hẳn dễ nghe như những lời khen ngợi, nhưng khi ngẫm lại thì đó luôn là những lời góp ý đúng.
Chúng tôi cũng không tránh khỏi những lúc giận hờn, trách móc vì cuộc sống bận rộn, dù đã biết rõ tính chất công việc của mình là như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn dành cho nhau sự thông cảm vì hiểu được những vất vả trong nghề.
Chúng tôi đã cùng trải qua nhiều sóng gió nên hiện tại rất thấu hiểu nhau, không có gì để phàn nàn cả.
Các MC sợ nhất điều gì?
Thứ nhất là lên sân khấu mà kịch bản không được chốt rõ ràng.
Thứ hai là sợ mất tín hiệu từ tai nghe.
Thứ ba là đọc sai tên hoặc sai thứ tự khách VIP trong chương trình
Trong công việc, những tình huống như vậy hoàn toàn có thể xảy ra nên khi có lỗi, cũng không cần phải quá nặng nề hoặc tự trách mình quá nhiều. Thông thường, tôi sẽ xin lỗi, xin phép nói lại hoặc chữa lại ngay. MC chuyên nghiệp cần là người hiểu công việc, luôn sẵn sàng cho những thay đổi bất ngờ và khó đoán.
Một ngày anh làm việc bao nhiêu tiếng?
Chia trung bình thì khá khó nói. Vì có những khi tôi đi làm cả ngày liên tục không nghỉ, có lúc lại nghỉ cả ngày không làm gì. Đặc thù nghề nghiệp của tôi là không giống như một người làm văn phòng có giờ làm việc cụ thể. Dần dần tôi đã hình thành thói quen để thích nghi với nhịp độ đó.
Như những người bình thường, các MC cũng cần có lúc nghỉ ngơi giải trí để tái tạo sức lao động. Ngoài thời gian chuẩn bị cho công việc, lên sân khấu thì thời gian còn lại tôi cũng dành cho gia đình, nghỉ ngơi và có những thú vui riêng như chơi game, sưu tập mô hình, đánh golf…
Dĩ nhiên khi đạt được thành công trong công việc, chắc chắn sẽ có sự mất cân bằng khi phải dành thời gian cho công việc. Những yếu tố khác ngoài công việc như gia đình, thời gian cho bản thân… đôi khi sẽ phải giảm bớt đi.
Nhiều MC, BTV ở VTV thường tham gia các công việc đầu tư, kinh doanh khác, anh thì sao?
Tôi đã từng hỏi một người chú làm nghề kinh doanh về mảng F&B rằng mình có nên đầu tư vào kinh doanh hay không. Chú đáp “ nếu cháu đang làm tốt việc dẫn chương trình thì hãy cứ làm đi. Khi nào không còn làm được nữa thì hãy tính đến làm việc khác”. Tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng.
Ở công việc MC này nếu bạn làm tốt, được ghi nhận thì không cần phải lo về kinh tế. Dĩ nhiên nếu muốn trở thành đại gia hay một nhân vật có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn thì phải hiểu được rằng, phần thưởng luôn đi kèm rủi ro. Cho nên tôi nghĩ được làm công việc yêu thích, nhận về thù lao xứng đáng đã là một hạnh phúc ít người có rồi.
Rất nhiều người hỏi tôi về việc đứng lớp giảng dạy về MC. Nhưng hiện tại tôi chưa làm việc đó. Bởi tôi cho rằng, để làm được MC, mỗi người phải tự có hành trình trải nghiệm của cá nhân. Tôi vẫn đang trên hành trình của mình, và tôi chỉ có thể chia sẻ tốt nhất, truyền đạt lại kiến thức và kinh nghiệm tốt nhất khi tôi thấy thỏa mãn với hành trình của bản thân tôi. Lúc đó, tôi sẽ rất sẵn lòng để chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ bước vào đời khá hoang mang vì không tìm được công việc phù hợp. Anh có lời khuyên gì không?
Đầu tiên chúng ta phải hiểu chính mình, xem bản thân có ưu điểm, thế mạnh gì. Tôi khá sợ những người nói “tôi đam mê” vì từ đam mê khá trừu tượng. Quan trọng là bạn làm gì với cái đam mê, chứ không phải quan trọng là có đam mê. Tiếp đó, bạn nên tìm đến một người đi trước, có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình quan tâm và học hỏi từ họ thật nhiều. Thứ ba, tôi tin trong cuộc đời, bất cứ ai có nỗ lực thì cơ hội sẽ đến. Khi cơ hội đến, bạn phải biết “nhai gọn”, làm thật tốt và thật hết mình thì những cánh cửa mới sẽ mở ra.
Tôi chỉ có một tấm bằng ĐH Bách Khoa và chưa từng có thêm bằng cấp nào về truyền thông. Nhưng với tôi điều đó không quan trọng. Quan trọng là mình đã làm được những gì. Chắc chắn khi mình làm tốt người khác sẽ thấy.
Năm 2022 anh đã đạt được nhiều thành tích mà mọi người đều thấy. Vậy có điều gì anh cảm thấy mình chưa làm tốt không?
Tính tôi ít khi cảm thấy tiếc nuối với những điều bản thân chưa làm được. Tôi nghĩ, không ai là trọn vẹn và hoàn hảo cả. Mình không thể làm hết mọi thứ, dù cho có tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng tới đâu, nên tôi không dành nhiều suy nghĩ cho sự tiếc nuối. Trong năm 2022, tôi đã có những kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo ra những thành công nhất định. Nhìn lại cả quãng đường đó, với những thành quả ngày hôm nay, tôi không có gì để tiếc cả.
Năm mới, tôi cũng ấp ủ cho mình nhiều dự định để thực hiện cùng ê kip của mình. Tôi muốn hình ảnh của mình được xuất hiện gần gũi hơn nữa với khán giả, để tôi có thể chia sẻ được nhiều hơn với họ những điều mà tôi cho rằng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ sẽ quan tâm.
2023 được dự đoán sẽ là năm tương đối khó khăn với nhiều ngành nghề. Thế nhưng, chúng ta không nên nhìn vào đó mà trở nên bi quan hay thu mình lại trước những kế hoạch, hoài bão. Ai cũng sẽ trải qua những nốt thăng và nốt trầm trong cuộc đời, nhưng quyết định nằm ở chỗ lúc đi xuống chúng ta sẽ làm gì.
Tôi nghĩ rằng ai cũng sẽ gặp những thách thức hoặc cơ may. Việc của chúng ta là không bao giờ từ bỏ, kiên trì với mục tiêu của mình thì sẽ được mọi người ghi nhận. Điều quan trọng là phải cố gắng hết mình để không bao giờ hối tiếc.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!