Ngày nay, khi bước vào một cửa hàng linh kiện máy tính hay lên các trang thương mại điện tử, bạn sẽ bắt gặp nhiều sản phẩm khác nhau, từ đồng bộ đến riêng lẻ. Nếu bạn là một người sành sỏi trong nghề hoặc có nhiều kiến thức về công nghệ thông tin, bạn sẽ dễ dàng lựa chọn cho mình những sản phẩm phù hợp nhất.
Tuy nhiên, nếu bạn là một người thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì sẽ phải làm thế nào để đưa ra quyết định? Khi đó, việc tự mình chọn lựa các linh kiện để lắp ráp thành một bộ máy tính hoàn chỉnh là điều rất khó khăn. Trong trường hợp này, máy tính đồng bộ chính là sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn.
Máy tính đồng bộ là gì ?
Về cơ bản, máy tính đồng bộ là một sản phẩm đã được nhà sản xuất lắp ráp hoàn chỉnh. Từ những linh kiện nhỏ nhất cho đến tổng thể toàn bộ máy tính đều đã được kiểm tra và đáp ứng tiêu chuẩn mà hãng đề ra. Cả bộ máy tính sẽ được đánh dấu bằng một mã sản phẩm riêng biệt, đồng nhất và không thể thay thế. Hiểu một cách nôm na, máy tính đồng bộ là một sản phẩm tương tự như những chiếc điện thoại, tivi, hay xe máy, ô tô mà chúng ta vẫn thường mua.
Máy tính đồng bộ luôn đảm bảo chất lượng tốt
Như đã nói ở trên, máy tính đồng bộ luôn phải đạt được những tiêu chuẩn khắt khe của hãng sản xuất thì mới được tung ra ngoài thị trường. Do đó, người dùng có thể yên tâm về chất lượng gia công cũng như khả năng đồng bộ của các linh kiện bên trong.
Bên cạnh đó, máy tính đồng bộ cũng nhận được chính sách bảo hành tốt hơn so với các linh kiện riêng lẻ. Người dùng sẽ được bảo hành nguyên cả case, bao gồm mọi linh kiện như mainboard, CPU, RAM, Card đồ họa, ổ cứng, nguồn…
Một lưu ý là máy tính đồng bộ đem đi bảo hành phải đảm bảo tính nguyên vẹn, chưa bị sửa chữa hay thay thế các linh kiện bên trong. Hãng sản xuất hoàn toàn có thể từ chối bảo hành nếu phát hiện bạn đã từng can thiệp vào linh kiện.
Tối ưu hóa hiệu năng
Các máy tính đồng bộ luôn được hãng sản xuất tính toán và đưa ra những sự lựa chọn phù hợp nhất để tối ưu hóa hiệu năng. Người dùng sẽ có thể hoàn toàn yên tâm về độ tương thích của các linh kiện có trong máy. Những trường hợp thường gặp khi tự lắp máy như thắt cổ chai (không đồng bộ giữa CPU và GPU) hay thiếu điện nguồn (PSU không đủ để cung cấp điện cho toàn bộ case) sẽ không bao giờ xảy ra với máy tính đồng bộ.
Phần lớn các máy tính đồng bộ đều đã được cài đặt hệ điều hành bản quyền, đặc biệt một số máy cao cấp còn được tinh chỉnh lại Windows để phù hợp với phần cứng. Như vậy, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng cũng như rất thuận tiện khi sử dụng.
Giá thành cao hơn máy tính tự lắp ráp
Nhìn chung, nếu cấu hình máy tương đương nhau thì việc bạn tự mình chọn lựa linh kiện và lắp ráp case sẽ rẻ hơn khi mua một chiếc máy tính đồng bộ. Tuy nhiên, với những ưu điểm đã nói ở trên, việc giá thành cao hơn một chút là điều có thể chấp nhận được. Đặc biệt là với những người không có kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bạn có thể lựa chọn một bộ máy tính phù hợp với nhu cầu của mình và hoàn toàn yên tâm về chất lượng, hiệu năng cũng như chế độ bảo hành của sản phẩm.