Bên cạnh những thiết bị làm mát như điều hòa không khí và quạt máy, vào mùa hè, những thiết bị cung cấp những cốc nước trái cây mát lạnh, nhiều chất dinh dưỡng, có tính giải nhiệt cho các thành viên trong gia đình cũng được quan tâm không kém. Vài năm trở lại đây, xuất hiện một cái tên mới lạ trở nên nổi bật và được hội người "yêu bếp" ưa chuộng. Nó mang tên máy ép chậm.
Đã là máy ép nhưng lại là ép chậm, vậy vì sao chiếc máy này lại có tên gọi như vậy và nó có điểm gì hơn hẳn để nổi bật hơn so với những loại máy ép thông thường?
Máy ép chậm là gì?
Sở hữu cái tên máy ép chậm là bởi, loại máy ép này hoạt động chậm hơn do nguyên lý hoạt động khác biệt. Máy sử dụng trục vít hình dạng xoắn, tốc độ quay của động cơ chỉ ở khoảng 30-90 vòng/phút, chậm hơn nhiều so với các máy ép tốc độ cao hay máy ép thông thường, khi có thể quay từ 100-200 vòng/phút.
Khi đưa rau củ quả vào máy ép chậm, động cơ máy sẽ từ từ nghiền chúng ra, sau đó đẩy nguyên liệu vào lưới lọc mà không gây ra bất cứ lực ma sát hay lực ly tâm nào. Bên cạnh đó, một bộ phận tách bã sẽ đẩy bã và nước ép ra ngoài một cách tự nhiên thông qua 2 đường ống khác nhau.
Máy ép chậm hơn gì máy ép thường?
Quay nhanh, sử dụng động cơ răng cưa để nghiền hoa quả, rau củ, từ đó vô tình gây mất đi phần nào dưỡng chất hay tạo ra tiếng ồn lớn khi sử dụng... là những nhược điểm thường thấy ở các loại máy xay, máy ép thông thường. Tuy nhiên, máy ép chậm giải quyết hoàn toàn những vấn đề đó.
Theo thông tin từ các nhà sản xuất, phân phối và các chuyên gia trong ngành, chính nguyên lý hoạt động quay chậm, dùng trục vít thay vì lưỡi dao, sẽ giúp thành phẩm sau khi xử lý với máy ép chậm sẽ đậm đặc hơn, nhiều hơn do được ép kiệt bã, hạn chế việc bị tách nước, tạo bọt và đặc biệt là bảo toàn chất dinh dưỡng cao hơn lên tới gấp 6 lần của các nguyên liệu được ép. Ngoài ra, máy cũng hoạt động êm hơn, không gây ra tiếng ồn lớn hay rung lắc.
So sánh kết quả nước ép khi được xử lý với máy ép thường và máy ép chậm
Những ưu điểm này được chứng minh trực tiếp từ ảnh hay các video ghi lại thành phầm từ nhiều người dùng trên các hội nhóm. Người dùng Hương Nguyễn đến từ Hà Nội nhận xét về chiếc máy ép chậm nhà mình đang sử dụng: "Nhà mình dùng 3-4 năm nay rất ok, xứng đáng với giá tiền, ép kiệt bã, nước không bị lợn cợn, vị ngon".
Máy ép chậm cũng được đánh giá là có thể ép được đa dạng các loại trái cây hay rau củ quả hơn, so với các loại máy ép nhanh thông thường. Theo chia sẻ từ những người dùng đã có nhiều kinh nghiệm dùng máy ép nói chung cũng như máy ép chậm nói riêng, các loại như cần tây, táo, ổi cả quả, đậu nành hay gừng khi xử lý với máy ép chậm vẫn cho ra thành quả chất lượng và không tốn nhiều công sức của người thực hiện.
Người dùng chia sẻ thành quả hoa quả, rau củ được ép kiệt bã khi xử lý với máy ép chậm (Ảnh Bon đây nè, Đường Huyền Trang)
Những chiếc máy 2,3 tính năng trong 1
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các loại máy ép chậm hiện nay không chỉ được dùng để ép rau củ quả lấy nước, mà còn nhiều tính năng hơn thế. Những tính năng bổ sung được ưa chuộng và khiến người dùng thích thú nhất ở một số loại máy ép chậm, đó là làm kem và vắt nước cam.
Trong đó, tính năng làm kem được đánh giá là độc đáo hơn cả. Người dùng có thể tự mình làm ra những cốc kem chất lượng và đảm bảo an toàn ngay tại nhà từ những loại trái cây tùy chọn theo sở thích. Theo hướng dẫn, hoa quả muốn dùng để làm kem chỉ cần cho vào ngăn đá tủ lạnh để đông lại. Sau khi chúng đã đông đến một mức nhất định, người dùng lấy ra và cho vào máy ép chậm để máy ép bình thường thì sẽ được thành quả là những cốc kem mát lạnh.
Làm kem là một trong những tính năng được ưa chuộng nhất ở máy ép chậm
Chính bởi những ưu điểm được đánh giá gần như tuyệt đối, bổ trợ công việc giải nhiệt cho người dùng nên máy ép chậm trở thành một trong những mặt hàng "hot" nhất vào mùa hè, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ. Khảo sát tại các siêu thị điện máy, giá thành của máy ép chậm hiện nay đa dạng ở nhiều mức. Các loại máy nội địa dao động khoảng trên dưới 2 triệu đồng, các loại ngoại nhập, đến từ các thương hiệu cao cấp hơn có thể có giá cao hơn, từ 6 - 10 triệu đồng.