CUỘC TẬP TRẬN ĐÁNG CHÚ Ý VỚI JL-10
Theo Global Times, trong cuộc tập trận trên, dòng máy bay phản lực huấn luyện tiên tiến JL-10, hay còn được biết tới với tên gọi L-15 trong phiên bản xuất khẩu, lần đầu tiên đã thả một quả bom hàng không nặng 500 kg.
Ngoài việc hé lộ phần nào kế hoạch đào tạo của Không quân Quân đội Trung Quốc (PLAAF) dành cho học viên trong các bài tập tấn công mặt đất và ném bom thì theo một số nhà phân tích, sự kiện cũng là dịp để PLAAF thể hiện khả năng vượt trội của dòng máy bay này.
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), một lữ đoàn từ Học viện Không quân Thạch Gia Trang của Không quân PLA đã chọn ra một nhóm các giảng viên bay giỏi nhất và thực hiện bài tập bắn đạn thật với hai quả bom hàng không nặng 500 kg trên máy bay huấn luyện JL-10 hồi đầu mùa Xuân năm nay.
HÉ LỘ THAM VỌNG XUẤT KHẨU CỦA BẮC KINH?
Cuộc tập trận diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) công bố kế hoạch mua phiên bản xuất khẩu của JL-10 - máy bay huấn luyện tiên tiến L-15.
Hiện nay, trên thế giới mới chỉ có Zambia là quốc gia duy nhất đã mua và tổ chức huấn luyện với L-15 mặc dù Uruguay và Venezuela cũng bày tỏ sự quan tâm.
Cuối tháng 2 vừa qua, có thông tin cho biết Bộ Quốc phòng UAE sẽ ký hợp đồng với Tổng công ty Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Quốc gia Trung Quốc (CATIC) để mua máy bay huấn luyện và chiến đấu hạng nhẹ L-15 với tùy chọn sẽ mua thêm 36 chiếc nữa sau này.
Năm 2020, PLAAF đã khởi động một chương trình huấn luyện mới dựa trên JL-10 thế hệ thứ ba với nỗ lực giảm thiểu thời gian huấn luyện cho các học viên phi công và tăng cường khả năng làm quen với các phương tiện để chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai.
Theo giới phân tích, các khả năng không chiến cơ bản và chi phí đỡ tốn kém hơn của JL-10 khiến nó phù hợp với các quốc gia có môi trường phòng không ít bị đe dọa.
Theo Global Times, đây là lần đầu tiên máy bay JL-10 thực hiện một nhiệm vụ huấn luyện như vậy (thả bom hàng không) kể từ khi được biên chế vào Lực lượng Không quân PLA.
“Chúng tôi chưa bao giờ thả một quả bom 500 kg trong các cuộc huấn luyện trước đây, vì vậy đây là lần đầu tiên. Tôi rất vui mừng khi hoàn thành nhiệm vụ này và chúng tôi sẽ thực hành bất cứ điều gì được yêu cầu trên chiến trường”, Li Liang - giảng viên bay của Lữ đoàn Không quân PLA nói với CCTV.
Điều này cho thấy Trung Quốc đang tập trung vào khả năng chiến đấu và có một lực lượng sẵn sàng chiến đấu nhằm đối đầu với kẻ thù trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng Hàn Quốc - nước láng giềng và đối thủ nặng ký của Trung Quốc, cũng đã phát triển máy bay huấn luyện tiên tiến cho riêng mình - T-5O Golden Eagle mà Seoul đang rất tích cực tiếp thị để xuất khẩu.
UAE được cho là đã thể hiện sự quan tâm đến máy bay phản lực của Hàn Quốc vài tuần sau khi thông báo mua L-15.
Một trong những đối thủ khác nữa của Trung Quốc ở bên kia biên giới là Ấn Độ cũng đang trong quá trình phát triển biến thể máy bay huấn luyện dựa trên dòng LCA Tejas của mình.
Yak-130 của Nga, MB.346 của Ý, K-8 cận âm của Trung Quốc, T-50 Golden Eagle và có thể là T-X của Boeing đều là những đối thủ trên thị trường máy bay huấn luyện/máy bay tấn công hạng nhẹ hiện nay.
Còn quá sớm để khẳng định liệu L-15 có thành công về mặt xuất khẩu hay không nhưng doanh số bán máy bay huấn luyện/máy bay chiến đấu siêu thanh giá rẻ có thể trở thành một dấu hiệu hấp dẫn cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh trong những năm tới.
Nguồn vốn khổng lồ, ảnh hưởng kinh tế và khả năng tiếp cận chính trị của Trung Quốc là nền tảng cũng như lợi thế đáng kể trong chính sách xuất khẩu quốc phòng của nước này.
Hơn nữa, chi phí thấp và sự tương đồng của máy bay Trung Quốc với máy bay thế hệ thứ tư khiến nó trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia.
L-15 không chỉ thực hiện các hoạt động chiến đấu cơ bản mà còn có thể đảm trách nhiều nhiệm vụ và tấn công đường không cũng là lợi thế bán hàng độc đáo của dòng máy bay này so với các đối thủ cạnh tranh của nó.