Đầu năm 2022, 1 hãng thông tấn của Trung Quốc đã đăng một đoạn video nhắc nhở những thanh niên Trung Quốc sinh năm 2000 rằng họ đủ điều kiện kết hôn. "Những người sinh sau 2000 đã đến tuổi kết hôn hợp pháp".
Hashtag về câu chuyện này nhanh chóng lọt top danh sách chủ đề hot được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo - MXH Trung Quốc. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là một kiểu áp lực lên những người trẻ. "Ngày nay, mấy ai dám kết hôn? Chúng tôi không cần kiếm tiền sao?" một tài khoản bày tỏ sự bức xúc của mình trong câu chuyện này.
Theo luật pháp Trung Quốc, nam giới có thể kết hôn từ 22 tuổi và nữ giới từ 20. Phản ứng trái chiều của giới trẻ Trung Quốc giải thích cho tỷ lệ tăng dân số đã giảm xuống mức thấp nhất trong 61 năm. Trong đó, số ca sinh chỉ nhiều hơn số ca tử vong vào năm 2021, bất chấp những nỗ lực khuyến khích các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh con trong vài năm qua.
Tiến sĩ Ye Liu, giảng viên cấp cao tại Học viện Lau Trung Quốc của Đại học King's College London, cho biết: "Thái độ của giới trẻ Trung Quốc đối với hôn nhân là mối đe dọa lớn đối với nỗ lực nhằm thay đổi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang diễn ra. Cùng với trình độ học vấn cao hơn và sự cải thiện kinh tế, điều này sẽ trở thành vấn đề đau đầu hơn trong những năm tới".
Ngày càng nhiều thanh niên ở các xã hội Đông Á trì hoãn việc kết hôn khi khu vực này trở nên thịnh vượng hơn. Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California, Irvine, cho biết ở đô thị Trung Quốc, sự thay đổi này diễn ra rất nhanh chóng. So sánh dữ liệu điều tra dân số Trung Quốc năm 1990 và 2015, Wang nói rằng tỷ lệ phụ nữ Trung Quốc chưa từng kết hôn ở độ tuổi cuối 20 đã tăng gấp 8 lần trong vòng 25 năm.
Dữ liệu điều tra dân số từ những năm 2000 và 2010 cho thấy thanh niên Trung Quốc có trình độ đại học trong độ tuổi từ 25 đến 29 có nhiều khả năng là người độc thân. Đặc biệt, phụ nữ ở các thành phố phát triển của Trung Quốc có ít tham vọng kết hôn hơn.
Theo Ye Liu, thuộc Đại học Kings College London, điều thế hệ trẻ muốn là một tương lai nghề nghiệp tốt hơn, một cơ hội để có tất cả - sự nghiệp và gia đình cũng như sự hoàn thiện bản thân. Nếu không có những điều này, thật khó để thuyết phục họ sinh con trước.
Điều này đặc biệt xảy ra với phụ nữ trẻ Trung Quốc, cô nói thêm. "Phụ nữ Trung Quốc thuộc thế hệ Z có trình độ học vấn cao hơn các thế hệ trước. Họ thường ưu tiên sự nghiệp hơn là kết hôn sau khi học đại học".
***
Đối với nhiều người trẻ, hôn nhân là một dạng rủi ro tài chính. Chen Yu, 35 tuổi, một phụ nữ độc thân đến từ tỉnh Quảng Đông, đã quen với việc bạn bè bày tỏ sự lo lắng rằng cô ấy vẫn chưa lập gia đình riêng. "Cha mẹ và người thân của tôi đang lo lắng. Họ đều nghĩ rằng tôi nên lập gia đình ở tuổi này. Rất nhiều người Trung Quốc có suy nghĩ này".
Nhưng Chen Yu, hiện đang là một bác sĩ nói rằng cô ấy rất vui với cuộc sống hiện tại. Cô sở hữu một căn hộ rộng 1.000 mét vuông ở thành phố Trạm Giang, nơi cô thỉnh thoảng tiếp đón em gái và cháu trai khi anh rể đi công tác xa.
Sở hữu tài sản là một điểm mà thế hệ Millennials Trung Quốc cân nhắc kết hôn. Không có sổ đỏ của một căn hộ hoặc ngôi nhà có thể là một yếu tố khiến nhiều cặp đôi tan vỡ khi thảo luận về hôn nhân. Song để sở hữu BĐS ở Trung Quốc rất khó khăn trong bối cảnh giá đang tăng vọt.
Mặt khác, đối với Chen Yu, việc tìm kiếm một người bạn đời không phải là một trong những mục tiêu cuộc sống của cô ấy. "Những quan điểm từ lâu nhưng vẫn hiện hữu trong xã hội thời nay rằng phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình trong khi chồng đi làm và chịu trách nhiệm toàn bộ trong khiến tôi thấy áp lực".
Chen Yu không đơn độc. Allison Malmsten, giám đốc tiếp thị tại Daxue Consulting có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết, nhiều phụ nữ Trung Quốc độc thân lo ngại rằng hôn nhân sẽ khiến họ phải hy sinh tự do tài chính.
Trong 2 thập kỷ qua, phụ nữ Trung Quốc trở nên giàu có hơn. "Họ đang chi tiêu nhiều tiền hơn cho bản thân hơn là cho gia đình. Ngày càng có nhiều phụ nữ mua sắm lớn như ô tô hoặc bất động sản. Đối với một số phụ nữ, cuộc sống độc thân của họ rất tốt và có chất lượng cao như vậy, và họ biết rằng việc kết hôn có thể gặp rủi ro".
Trợ lý Giáo sư xã hội học Mu Zheng từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết có một "áp lực kép" đối với phụ nữ ở Trung Quốc khi phải đồng thời là những phụ nữ có sự nghiệp thành công và những người nội trợ tận tụy.
"Những phụ nữ có trình độ học vấn cao đang trì hoãn hoặc từ bỏ hôn nhân để tránh xa những áp lực". Malmsten chỉ ra một cuộc khảo sát năm 2021 của trang web tìm kiếm việc làm Trung Quốc Zhaopin Recruiting, cho thấy 43,5% phụ nữ độc thân đang do dự khi nhắc đến kết hôn vì lo lắng điều đó sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của họ.
Trong khi đó, 53,6% nam giới được khảo sát cho biết lý do chính của họ vẫn độc thân là vì chưa có tài chính ổn định để nuôi gia đình.
Theo The Guardian và Insider