Nhiều người lựa chọn con đường du học, phần vì muốn tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của nước ngoài, phần vì muốn mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, không phải du học sinh nào về nước cũng có công việc như mình mong ước.
Năm 2021, Trung Quốc đón hơn 1 triệu du học sinh trở về lập nghiệp. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm và xa lạ với môi trường bản địa, họ không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Công ty lớn không còn chỗ, công ty nhỏ "ghét bỏ" vì trình độ cao
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh, Vũ Triết (27 tuổi) quay trở về Trung Quốc. Anh nộp CV cho hơn chục công ty tại Thượng Hải, nhưng chỉ nhận được 2 lời mời làm việc. Tuy nhiên, đa số đều là các công ty nhỏ, chế độ đãi ngộ bình thường. Cảm thấy không hài lòng, anh từ chối.
Hơn 1 năm sau, Vũ Triết quyết định về Tây An làm việc. Anh ứng tuyển vào hơn 100 công ty, nhận được 20 lời mời phỏng vấn nhưng mọi thứ vẫn rất mơ hồ. Các công ty lớn tuyển dụng ít, còn các công ty nhỏ thì không dám nhận du học sinh như anh.
Khi đến phỏng vấn ở một công ty Internet hàng đầu thành phố, Vũ Triết cảm thấy sự cạnh tranh thật sự khốc liệt. Các ứng viên đều có trình độ học vấn cao, câu hỏi của nhà tuyển dụng lại vô cùng hiểm hóc, khiến anh không khỏi lúng túng.
Tuy nhiên,cuộc phỏng vấn ở các công ty nhỏ cũng chẳng mấy dễ chịu. Họ nói thẳng với Triết Vũ: "Anh giỏi quá, đến công ty tôi thì là vùi dập nhân tài", "Anh không ở lại công ty chúng tôi lâu đâu". Chưa kể, mức lương kỳ vọng mà giới du học sinh đưa ra cũng cao gấp 3-4 lần so với mức lương tối thiểu tại địa phương.
Triết Vũ chia sẻ, anh đi làm vì muốn học hỏi từ thực tế, chứ không mặn mà lắm đến tiền lương. Anh cho rằng không thể so sánh thu nhập với chi phí du học.
"Đi du học không chỉ là để nâng cao kiến thức hay kỹ năng mà là nâng cấp bản thân một cách tổng thể, bao gồm cả trí lực, khả năng chịu áp lực, tầm nhìn và tư tưởng. Những giá trị này rất khó để lượng hóa", anh nhận định.
Không quen với công ty lớn, nghỉ việc và gap year 1 năm
Sau khi tốt nghiệp một trường đại học trọng điểm ở Trung Quốc, Trương Lạc Lạc (27 tuổi) sang Anh du học thạc sĩ. Hết 3 năm, cô trở về nước với mục tiêu tìm việc tại các công ty Internet hoặc kỳ lân công nghệ.
Lạc Lạc tham gia phỏng vấn ở hơn 20 công ty lớn nhỏ ở thành phố, nhưng không được nhận. Tấm bằng du học không giúp cô có thêm ưu thế cạnh tranh nào. Có nhà tuyển dụng còn nói thẳng, nếu không học trường hàng đầu ở nước ngoài thì về học trường trọng điểm trong nước còn chất lượng hơn.
Lạc Lạc nhận được 5 lời mời làm việc, đều không phải là vị trí mà cô mong muốn. Do đó, Nữ du học sinh quyết định chọn công việc có mức lương cao nhất.
Tuy nhiên, sau khi đi làm, Lạc Lạc không bao giờ tan sở trước 8h tối, thậm chí có những hôm 10h tối vẫn còn họp. Cô chỉ trụ được 6 tháng, rồi nghỉ việc, chịu cảnh thất nghiệp suốt 1 năm sau đó.
Vì gia đình có điều kiện, Lạc Lạc không gặp quá nhiều áp lực. Cô cho rằng 2 năm ở Anh đã đem lại khá nhiều lợi ích, giúp cô phát triển năng lực và tầm nhìn của bản thân. Nếu có cơ hội chọn lại, Lạc Lạc vẫn muốn đi du học.
Thay vì chấp nhận một công việc mình không thích, hoặc không được đãi ngộ xứng đáng, Lạc Lạc dự định sẽ gap year 1 năm, rồi từ từ tính tiếp.
Du học hết 500.000 NDT nhưng chỉ tìm được công việc với thu nhập 8.000 NDT/tháng
Nghĩ rằng tấm bằng cử nhân ngành truyền hình - điện ảnh sẽ khó tìm việc làm, Lục Trì (24 tuổi) quyết định đi du học thêm 1 năm để gia tăng cơ hội. Tuy nhiên, sau khi trở về, mọi chuyện lại không như anh nghĩ.
Vào thời điểm đấy, gần như không có công ty nào phản hồi đơn ứng tuyển của Lục Trì. Đến khi anh được nhận vào làm, mức đãi ngộ của công ty cũng không cao. Lục Trì tốn 500.000 NDT (1,8 tỷ VNĐ) để đi du học, trong khi lương chỉ 8.000 NDT/tháng (28 triệu VNĐ). Nếu không tính thuế, phải mất hơn 5 năm anh mới có thể hoàn vốn.
Gia đình Lục Trì không mấy khá giả. Tuy nhiên, anh nghĩ du học là khoản đầu tư xứng đáng, giúp mình trưởng thành hơn. Chàng trai 24 tuổi hy vọng mình có thể làm việc trong công ty này trong một thời gian dài.
Do số lượng du học sinh ngày càng lớn, ưu thế cạnh tranh của họ trên thị trường không còn mạnh. Lục Trì khuyên mọi người nên rèn luyện tiếng Anh thật tốt, hiểu rõ mục đích học tập của bản thân và lập kế hoạch cho mình từ sớm.
Ứng tuyển 50 công ty vẫn thất bại, phải đổi ngành
Tiểu Lộc (27 tuổi) là sinh viên đại học tại Đức, chuyên ngành hóa học ứng dụng. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về Trung Quốc gap year 1 năm. Được một thời gian, anh lại đến ĐH Manchester (Anh) để học thạc sĩ thêm 1 năm nữa.
Cuối năm 2021, Tiểu Lộc tốt nghiệp thạc sĩ và trở về Trung Quốc. Kế hoạch nghề nghiệp của anh rất rõ ràng: đến một công ty nước ngoài và làm ở vị trí nghiên cứu phát triển.
Tiểu Lộc tốt nghiệp đúng đợt tuyển dụng mùa thu năm đó. Anh đã ứng tuyển vào hơn 50 công ty, gồm nhiều công ty hàng tiêu dùng và dược phẩm nổi tiếng như Unilever, P&G, Bayer và Pfizer.
Lần đầu tìm việc, Tiểu Lộc rất tự tin, nghĩ mình có nhiều cơ hội. Đáng tiếc, đã qua 2 tháng, anh vẫn chưa nhận được lời mời làm việc nào.
Chuyên ngành của Tiểu Lộc có tính đặc thù cao, tìm việc rất khó. Anh lại còn theo định hướng nghiên cứu phát triển thì bắt buộc phải làm việc trong phòng thí nghiệm. Có rất ít công ty có thể đáp ứng nhu cầu của anh.
Đối thủ cạnh tranh với anh trong các cuộc phỏng vấn đều đến từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc như ĐH Phúc Đán, ĐH Giao thông, ĐH Công nghệ Nanyang, UCL,.... Không ít người trong số đó là tiến sĩ.
Thất vọng một thời gian, Tiểu Lộc định chuyển sang những ngành có triển vọng, cơ hội và mức lương tốt hơn. Anh tham gia lớp phân tích dữ liệu, lớp huấn luyện phỏng vấn, cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Trung. Trong thời gian đó, hôm nào anh cũng thức học đến 3-4h sáng, hôm sau lại phải đến phỏng vấn.
Dần dần, tình hình đã khả quan hơn. Anh nhận được 3 lời mời phỏng vấn, trúng tuyển vào một công ty đãi ngộ tốt. Khi đi phỏng vấn, kỹ năng quan trọng nhất là phải chuẩn bị kỹ càng, tìm hiểu chi tiết công ty. Ứng viên phải đặc biệt tự tin và thể hiện quyết tâm muốn được đồng hành cùng công ty.
Cơ hội tìm việc của du học sinh không còn tiếc như trước đây. Các trường đại học tại Trung Quốc không những bắt kịp mà còn vượt trội một số trường đại học ở phương Tây, nên giá trị của họ cũng giảm xuống.
May mắn là thời gian ở Đức đã giúp Tiểu Lộc quen với áp lực và kỷ luật. Nhờ đó, công việc của anh cũng thuật lợi hơn.
Chi phí học tập ở Đức là 150.000 NDT/năm (539 triệu VNĐ) còn ở Anh là 350.000 NDT/năm (1,3 tỷ VNĐ). Tiểu Lộc sẽ mất khoảng 5-6 năm mới có thể hồi vốn. Anh mong mình sẽ tìm được vị trí phù hợp nhất cho mình.
***
Chẳng du học sinh nào ngờ rằng mình sẽ gặp phải hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, họ cho rằng giá trị của việc du học không nhất thiết được đo lường bằng vị trí công việc và mức lương. Điều quan trọng hơn là họ được nhìn thấy thế giới rộng lớn, mở rộng tầm mắt.
Trong tương lai gần, việc bình tâm lại, hạ thấp kỳ vọng và đối diện với thực tế là những bài học mà các du học sinh sẽ phải trải qua trước khi bước vào nơi làm việc.