Billy Roberts, chuyên gia y khoa trên trang mạng tư vấn sức khỏe Focused Mind ADHD Counseling ở Columbus, Ohio cho biết, môi trường chỉ là một trong những yếu tố cản trở sự tập trung. Căng thẳng cũng có thể góp phần dẫn tới tình trạng này. Trên thực tế, không ít người nhận thấy cảm xúc như lo lắng hay thất vọng ảnh hưởng lớn tới sự tập trung khi làm việc.
Nếu bạn không muốn bị mất tập trung và hoàn thành công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, hãy tham khảo một số mẹo đến từ các chuyên gia dưới đây:
Tạo môi trường thích hợp
Một số người chỉ có thể tập trung ở môi trường hoàn toàn yên tĩnh, không ồn ào. Trong khi đó, những người khác lại cần tới âm nhạc hoặc bàn phải đặt các vật lưu niệm, ảnh của người thân hoặc tác phẩm nghệ thuật, mới có thể làm việc hiệu quả nhất.
Không gian làm việc mang tính cá nhân cao. Chuyên gia Billy khuyên, hãy chú ý tới các khía cạnh như âm thanh, ánh sáng, tầm nhìn và nhiệt độ để từ đó xây dựng một môi trường làm việc cho riêng mình.
Thiền định
Dorlee Michaeli, nhà tâm lý trị liệu ở thành phố New York giải thích, thiền giúp cải thiện sự tập trung bằng cách giảm căng thẳng và hạn chế sự phân tâm. Phương pháp này khiến cơ thể ít phản ứng với sự khó chịu và ảnh hưởng do cảm xúc gây ra.
Hơn nữa, khi thiền, bạn còn học được cách hít thở trong khi tâm trí đang “lang thang”, xuất hiện những suy nghĩ không liên quan tới hiện tại. Theo nhà tâm lý Dorlee, xây dựng kỹ năng này sẽ giúp não bộ nhanh chóng lấy lại sự tập trung sau khi bị gián đoạn do các yếu tố bên ngoài như tin nhắn hoặc điện thoại.
Rèn luyện
Hoạt động thể chất cũng đóng một vai trò quan trọng giúp cải thiện khả năng tập trung và tăng cường trí nhớ. Scott Allen, tiến sĩ về tâm lý học tại Trung tâm tư vấn Just Mind, Texas cho biết, vận động và nghỉ ngơi vừa phải có khả năng kích thích não bộ và tăng năng suất làm việc. Ngoài ra, thường xuyên tham gia hoạt động thể chất như chạy bộ, tập thể dục còn góp phần giảm căng thẳng và giải tỏa tâm trạng.
Lựa chọn thời gian phù hợp
Một số người cảm thấy buổi sáng là thời điểm tuyệt vời để thực hiện những công việc trí óc đòi hỏi độ chính xác cao. Trong khi đó, những “cú đêm” nên làm việc nhẹ ban ngày và dành thời gian cho các dự án phức tạp vào buổi tối. Tiến sĩ Scott đã chỉ ra, hãy thực hiện hoạt động cần tới sự tập trung vào những thời điểm bạn cảm thấy tỉnh táo nhất.
Chia nhỏ công việc
Đứng trước một công việc lớn và khó thực hiện có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng, chán nản, từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới sự tập trung. Tiến sĩ Scott khuyên, khi gặp phải điều này, bạn nên chia chúng ra thành nhiều bước. Những nhiệm vụ nhỏ sẽ ít gây ảnh hưởng tới tâm lý và giúp bạn dễ dàng duy trì sự tỉnh táo.
Nghỉ ngơi đầy đủ
Mọi người nên nghỉ ngơi đầy đủ để lấy lại sự tập trung. Nhà tâm lý Dorlee cho biết, kỹ thuật Pomodoro được không ít người áp dụng để duy trì sự tỉnh táo. Bạn chỉ cần tập trung cao độ trong 25 phút, sau đó nghỉ trong 5 phút hoặc làm trong 90 phút và nghỉ 15-20 phút sau đó.
Bổ sung thực phẩm tăng cường nhận thức
Trên thực tế, thực phẩm bạn tiêu thụ mỗi ngày có thể tác động không nhỏ tới hoạt động của não và cơ thể. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, carb đơn giản và đường tinh luyện khiến năng lượng tăng một cách nhanh chóng rồi dẫn tới buồn ngủ. Bạn sẽ không thể giữ được sự tập trung nếu mắt luôn muốn nhắm lại.
Trong khi đó, các loại thực phẩm khác lại hỗ trợ trí não. Hầu hết mọi người đều biết cafein trong cà phê giúp tăng cường sự tập trung và chức năng thần kinh. Các loại rau thuộc họ cải như cải xoăn, súp lơ xanh, cải thìa, bắp cải cùng với quả mọng góp phần cải thiện khả năng ghi nhớ và tiếp nhận thông tin.
(Nguồn: Health)