1. Học ngữ pháp thật chắc
Đây luôn là lời khuyên đầu tiên của mình khi có ai hỏi mình là mất gốc thì học thế nào. Ngữ pháp là công việc phải giải quyết ngay, nếu không sau này bạn sẽ học cực kì chậm.
Thực ra tiếng Anh nó không có phức tạp như các bạn nghĩ: để giỏi tiếng Anh, bạn phải nhảy vào "thực chiến" càng sớm càng tốt, tức là phải đọc và nghe nhiều. Để đọc và nghe được tiếng Anh, bạn phải chắc ngữ pháp.
Khác với từ vựng (một thứ vô hạn, học bao nhiêu cũng không hết), ngữ pháp tiếng Anh, đặc biệt là những kiến thức cần thiết để nghe-nói-đọc-viết, khá ít và dễ hiểu. Chung quy lại, để đọc hay học bất cứ một thứ gì, các bạn chỉ cần nhìn ra được chủ vị của câu. Để nhìn được chủ vị, mình chỉ cần 3 kiến thức sau: Chia động từ, các dạng của từ và mệnh đề quan hệ.
Các kiến thức ngữ pháp khác các bạn không cần phải lăn tăn quá nhiều về mặt lý thuyết, mà cứ thấy thói quen sử dụng người bản địa thế nào thì dùng theo như thế. Ví dụ: Mình thấy việc dùng ‘a’, ‘an’ hoặc ‘the’ các bạn có thể tự cảm nhận trong quá trình đọc báo hoặc truyện thay vì thuộc lòng công thức hay quy tắc nào đó. Mình thấy những kiến thức bên lề kiểu này thì kể cả những người am hiểu về ngữ pháp đến mấy vẫn thỉnh thoảng dùng sai. Do vậy, các bạn nên tập trung vào 3 thứ thật sự nền tảng, bắt-buộc-không-được-sai như ở trên.
Thầy giáo soái ca 9.0 IELTS Đặng Trần Tùng.
Có nhiều cách học ngữ pháp, nhưng mình thấy quan trọng nhất là học xong phải áp dụng được ngay chứ không đơn thuần chỉ nhớ công thức. Vì thế, tài liệu học ngữ pháp tốt nên có nhiều bài tập trực quan để thực hành và lý thuyết trình bày ngắn gọn dễ hiểu. Mình đã đọc và học kha khá những đầu sách ngữ pháp phổ biến, và xin được review các tài liệu đó ngắn gọn như sau:
- English Grammar in Use (Raymond Murphy) – hơi chán.
- Destination B1 & B2 (MacMillan) – hơi dài.
- Grammar for IELTS (Collins) – hơi bị hay.
Có một số đầu sách hơi hiếm và học tốn thời gian, không cần thiết cho những người mất gốc nhưng mình thấy rất hay, các bạn cũng có thể tham khảo:
- Bộ Cambridge Profiency Examination Practice – nho nhỏ, màu trắng, cày xong sẽ rất chắc ngữ pháp nâng cao.
- Bộ Heinle & Heinle TOEFL Test Assistant – nho nhỏ, màu hồng, cày xong sẽ tẩu hoả nhập ma.
Theo thầy Đặng Trần Tùng, học thật chắc ngữ pháp là điều đầu tiên mà các bạn mất gốc tiếng Anh cần phải khắc phục.
2. Học thật chắc phát âm
Đây là một khâu mà nhiều người học tiếng Anh hay bỏ qua hoặc học rất lướt phướt, và hậu quả thì thật khôn lường. Một phần cực kì lớn của việc học tiếng Anh – hay bất kì ngôn ngữ nào đi chăng nữa – là bạn phải thích giai điệu của nó, mà để thấy thích giai điệu của nó thì bạn phải biết từng âm thanh nghe thế nào đã.
Có nhiều bạn học IELTS bị kẹt ở khúc 5.5 – 6.0 cảm thấy rất khó lên điểm vì phát âm không tốt, khiến cho việc nghe và nói cực kì khó khăn và đâm ra nản chí. Nhưng lại có những bạn không cần đầu tư quá nhiều công sức cho việc học IELTS nhưng lại vít lên band 7 hoặc cao hơn một cách khá đơn giản, đơn giản vì phát âm (và ngữ pháp) tốt, khiến cho tất cả mọi thao tác từ nghe, nói cho tới việc tra cứu thông tin và nghe giảng dễ dàng hơn rất nhiều
Tin mình đi, đầu tư vào phát âm từ đầu sẽ tiết kiệm thời gian học của bạn sau này rất nhiều. Bạn sẽ cảm thấy cực kì thích thú và bá đạo khi phát âm đúng được những từ mà nhiều người phát âm sai. Phát âm là một thứ mà hơi khó học từ sách vở kể cả nếu có đi kèm băng đĩa Thay vào đó, bạn nên học qua những phương tiện nghe nhìn nhiều hơn. Nếu chịu khó tìm tòi bạn có thể lên YouTube và search "English Pronunciation" sẽ ra một đống clip.
Còn nếu cảm thấy thực sự mất phương hướng, hoang mang thì nên đi học những lớp chuyên về phát âm.
3. (Cố gắng) tra từ điển Anh – Anh
Mình biết là với những bạn mới bắt đầu thì tra từ điển Anh – Anh vô cùng cực, nhưng đây sẽ là một thói quen cực kì có lợi cho việc học trong tương lai. Tiếng Anh là một ngôn ngữ "living and breathing", có nhiều sắc thái nghĩa phức tạp mà trong tiếng Việt cũng khó diễn tả nổi. Ví dụ, mình chỉ biết dùng từ ‘nonchalant’, chứ bảo mình dịch ra một từ tương đương trong tiếng Việt thì mình chịu.
Đây cũng là điều mình hi vọng những bạn ở trình độ trung bình và khá cũng nhận ra: Định nghĩa không quan trọng. Miễn là bạn hiểu, dùng được, phát âm được – đây mới là mục tiêu quan trọng nhất. Ví dụ, mình thấy em học sinh cấp 3 nào cũng biết từ ‘facilitate’ là ‘tạo điều kiện’, nhưng hầu như ai cũng dùng sai từ này là ‘facilitate someone to do something’ vì đúng là trong tiếng Việt thì câu ‘tạo điều kiện để ai làm gì’ nó nghe khá xuôi tai. Nhưng trong tiếng Anh, từ này chỉ dùng với danh từ - một thứ các bạn sẽ hiểu ngay nếu xem kĩ các ví dụ trong từ điển.
Như có nói ở một số chia sẻ trước, mình không thấy từ điển nào là hoàn hảo kiểu ‘one-stop destination’ cả, nghĩa là các bạn đôi khi một từ phải tra nhiều chỗ mới hiểu sâu. Nhưng với đa phần người học tiếng Anh, mình thấy dùng từ điển Oxford Learner’s Dictionary là khá đầy đủ rồi. Bên cạnh định nghĩa và cách phát âm, từ điển này còn bao gồm nhiều ví dụ, có liệt kê collocations đầy đủ, từ họ hàng, và thậm chí là nguồn gốc từ này ở đâu nữa.
4. Đọc hàng ngày
Trong tất cả những cách học, mình thấy đọc là phương pháp chủ động và hiệu quả nhất. Khi đọc, bạn sẽ rèn luyện được rất nhiều kỹ năng: nắm bắt ý chính, đoán nghĩa từ mới, cách tư duy logic... Và điều quan trọng nhất là bạn hoàn toàn làm chủ tốc độ học của mình.
Khi chắc ngữ pháp và quen thuộc với đa phần các từ vựng ở level B1 – B2, các bạn đã có thể tự đọc báo chí và tra từ điển rồi. Đến lúc này trình độ tiếng Anh của các bạn đã qua được giai đoạn khó khăn nhất và tốc độ lên trình sẽ nhanh hơn đáng kể.
Nhưng đến lúc này, chúng ta lại gặp phải một câu hỏi quen thuộc là: "Thế bây giờ đọc cái gì?" Cái này thì mình không giải đáp cho các bạn được, vì các bạn phải đọc về những thứ mình thực sự quan tâm, nói cách khác là sở thích riêng của bạn. Nếu không có sở thích thì rất khó để có thể tiếp tục tiến bộ trong tiếng Anh. Bạn có thể học hết sách tiếng Anh này tới sách tiếng Anh khác, nhưng nếu không thực sự tiếp xúc với báo chí, sách, truyện, bạn sẽ luôn bị tách biệt khỏi thế giới nơi tiếng Anh được thực sự sử dụng và biến hoá.
Sở thích, đam mê không cần phải cái gì quá là cao siêu. Mình thích 3 thứ chính: menswear, du lịch và đồ ăn – đều là những thứ rất đời thường và đôi khi có phần hơi phù phiếm, nhưng từ những sở thích này mình được mở mang kiến thức tới những mảng mình không bao giờ nghĩ tới. Ví dụ: Khi đọc về menswear và cụ thể là lịch sử của tailoring, mình tự thấy đọc về lịch sử khá hay và không nhàm chán như mình nghĩ. Khi đọc một số bài báo hay về du lịch, mình có tình cờ hiểu thêm về các vấn đề như quá tải dân số, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường... ở những địa điểm du lịch mà mình quan tâm.
Dưới đây là một số nguồn đọc mình khuyến nghị cho các bạn ở trình độ beginner:
- News in levels – tổng hợp các mẩu báo ngắn được viết ở 3 trình độ khác nhau từ dễ tới khó. Trang này vẫn update thường xuyên, và là một website được nhiều thầy cô khuyên dùng.
- Twitter – người ở trình độ beginner nên đọc những gì ngắn, dễ tiếp thu nhưng vẫn phải hấp dẫn và tân thời (mình thấy chẳng người lớn nào học tiếng Anh thích đọc truyện trẻ con…). Vì thế mình thấy Twitter với những status siêu ngắn là một nguồn cực kì thích hợp để học tiếng Anh. Các bạn có thể theo dõi tài khoản của những người bạn quan tâm; bên cạnh đó mình cũng đề xuất theo dõi Obama, Elon Musk hoặc các báo như The Economist.
Còn đây là những trang mình đọc và tự thấy rất tốt cho quá trình học tiếng Anh của bản thân.
- Báo chí: Quartz Magazine (https://qz.com ), The Economist (https://www.economist.com) và The New York Times (https://www.nytimes.com)
- Blog về menswear: Permanent Style (https://www.permanentstyle.com) và Die, Workwear (https://dieworkwear.com )
- Tạp chí đồ ăn: Eater (https://www.eater.com) và That Food Cray – tiếc là bây giờ không update nữa rồi (http://www.thatfoodcray.com )
- Tạp chí về lifestyle/ du lịch: Monocle (không có báo online) và chuyên mục Books & Culture của The New Yorker (https://www.newyorker.com/culture)
Như đã nói, truyện tranh cũng là một thứ giúp mình lên trình rất nhiều, đặc biệt là trong việc mở rộng từ vựng và nâng cao tốc độ đọc. Một số truyện dễ đọc mình nghĩ các bạn sẽ thích:
- Suzuka (https://mangapark.net/manga/suzuka ): truyện tình cảm, thân thiện với mọi lứa tuổi, có một số cảnh hơi hơi 18
- Bambino (https://mangapark.net/manga/bambino): truyện nấu ăn, thân thiện với mọi lứa tuổi, thỉnh thoảng có cảnh 18
- Liar Game (https://mangapark.net/manga/liar-game) : truyện hack não, thân thiện với mọi lứa tuổi, không có cảnh nào nhạy cảm
Cứ đọc những gì bạn muốn và đừng sợ nó quá khó. Kể cả nếu bạn phải dành cả chiều để tra từ điển, đó sẽ là một buổi chiều bạn không bao giờ hối hận.
5. Hãy hỏi thật nhiều câu hỏi chất lượng
Trên mạng xã hội có rất nhiều cộng đồng học tiếng Anh và luyện thi chứng chỉ, các bạn đừng ngại làm phiền các "cao nhân" trong các group này – sau cùng thì các group lập ra cũng là để khuyến khích mọi người chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, bạn hãy học cách đặt câu hỏi thông minh nếu bạn muốn có được câu trả lời thực sự hữu ích. Mình thấy nhiều bạn post những câu hỏi rất chung chung, kiểu như "làm thế nào giỏi nghe?", "học viết IELTS bắt đầu từ đâu?" hoặc kinh điển nhất là … "làm thế nào giỏi tiếng Anh?". Theo mình, khi đặt câu hỏi các bạn nên nói cụ thể là bạn đang ở trình độ nào (nếu chưa biết trình độ thì làm thử một đề Nghe – Đọc IELTS để người trả lời còn biết lựa) và bạn đang muốn đạt kết quả ra sao.
Ngoài ra, bạn hãy tự nghiên cứu câu trả lời trên mạng trước, thử áp dụng những gì bạn tìm hiểu được xem hiệu quả thế nào, sau đó mới đặt câu hỏi. Mình cam đoan là khi các bạn đặt những câu hỏi như "Mình đã luyện tiếng Anh được 3 tháng, có thể chia động từ và đặt câu khá tốt, bây giờ mình muốn luyện kỹ năng đọc để mở rộng vốn từ. Có ai có thể chia sẻ giúp mình một số website phù hợp với người trình độ như mình không?" – tất cả mọi cao thủ sẽ đều nhảy vào giúp bạn.