Theo các nhà khoa học, khi còn tồn tại, siêu cá mập megalodon là loài khá phàm ăn và “món snack” yêu thích của chúng chính là… mặt cá nhà táng, cụ thể là phần mũi.
Trên thực tế, mũi cá nhà táng là món ăn nhẹ phổ biến không chỉ đối với megalodon mà còn đối với những loài cá mập cổ đại khác.
Khi các nhà khoa học ở Peru nghiên cứu một loạt hộp sọ cá nhà táng tuyệt chủng, sống trong cuối thế địa chất Miocen (23 triệu đến 5,3 triệu năm trước, gọi tắt là thế Miocen), họ đã tìm thấy rất nhiều vết cắn do nhiều loài cá mập để lại, bao gồm cả megalodon (Otodus megalodon) và những loài cá mập vẫn còn tồn tại đến ngày nay, chẳng hạn như cá mập trắng lớn (Carcharodon carcharias) và cá mập mako (Isurus).
Trong một số trường hợp, nhiều loài cá mập đã đánh chén một con cá nhà táng duy nhất, khiến hộp sọ bị sẹo do hơn chục vết cắn. Hơn nữa, vị trí của các vết cắn cho thấy rằng cá mập đang nhắm vào trán và mũi của cá nhà táng. Các nhà khoa học phát hiện dấu vết cắn trong hộp sọ của cá nhà táng Miocen cũng tương ứng với vị trí của những cấu trúc này ở cá nhà táng hiện đại, đây là nơi dồi dào dinh dưỡng và dầu từ các cơ quan chất béo.
“Nhiều con cá mập đã sử dụng những con cá nhà táng này như một kho chứa chất béo”, tác giả chính của nghiên cứu, Aldo Benites-Palomino, một tiến sĩ tại Bảo tàng Cổ sinh vật học của Đại học Zurich ở Thụy Sĩ, cho biết. Ông nói: “Trong một mẫu vật, tôi nghĩ rằng có ít nhất năm hoặc sáu loài cá mập cắn cùng một khu vực - điều này thật điên rồ.”
Có ba loài cá nhà táng đang còn sống ngày nay: cá nhà táng lớn (Physeter macrocephalus), cá nhà táng nhỏ (Kogia breviceps) và cá nhà táng lùn (Kogia sima). Nhưng khoảng 7 triệu năm trước, đã có ít nhất bảy loài cá nhà táng, từ các loài cá nhỏ trong các chi Kogia và Scaphokogia dài không quá 4 mét, đến những sinh vật khổng lồ như Livyatan, dài tới 18 mét.
Và theo sau những con cá nhà táng đó là rất nhiều loài cá mập hung hãn, chực chờ cơ hội để tấn công và nhâm nhi chất béo.
Để phục vụ cho nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích hộp sọ của cá nhà táng trong bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Lima. Các hộp sọ đã được thu thập từ Hệ tầng Pisco ở miền nam Peru và có niên đại khoảng 7 triệu năm trước. Các nhà nghiên cứu cho biết trong thế Miocen, vùng sa mạc ven biển này là một điểm có đa dạng sinh học biển rất cao.
Nhóm đã phát hiện ra các vết cắn trong sáu hộp sọ. Một số chỉ có vài vết cắn, trong khi những hộp sọ khác có tới 18 lỗ thủng tập trung quanh mặt. Benites-Palomino cho biết: “Bằng cách nào đó, cá mập đang ăn phần mũi của cá nhà táng.”
Sự thay đổi về kích thước và hình dạng của vết cắn cho thấy nhiều loài cá mập tham gia và “bữa tiệc”. Những vết cắn lớn với dấu răng cưa là điển hình của megalodon, trong khi những vết cắt sâu trông giống như được tạo ra từ một con dao sắc có thể là mako hoặc cá mập cát, những vết hơi nông hơn và răng cưa không đều chủ yếu là do các thành viên của dòng dõi cá mập trắng gây ra.
Theo nghiên cứu, cá mập hiện đại ăn nhiều thứ (bao gồm chim, rùa biển và thậm chí cả xác cá voi) nhưng không phải cá nhà táng. Điều này khiến các nhà nghiên cứu thắc mắc tại sao những kẻ săn mồi phàm ăn này lại thay đổi thói quen, từ bỏ những chiếc mũi béo ngậy ngon lành của cá nhà táng. Đó là một câu hỏi mà những nhà nghiên cứu vẫn chưa có lời đáp.
Tham khảo: LiveScience