Như vậy, thông qua công ty con The Sherpa, Masan đã tiến hành mua thêm 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần Phúc Long Heritage, nâng tổng lợi ích từ 51% lên 85%.
Điều đáng nói, tổng số tiền thanh toán trả cho 34% cổ phần lần mua này là 3.617.700 triệu VND, tương đương mức định giá vào hơn 10.600 tỷ đồng.
Còn nhớ lần mua đầu tiên, vào tháng 5/2021, Masan mua 20% vốn cổ phần của Phúc Long với giá 15 triệu USD, tương ứng định giá 75 triệu USD, khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.
Không lâu sau, vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này.
Cái giá lần 2 Masan đã bỏ ra cho 31% cổ phần Phúc Long là 110 triệu USD, tương ứng định giá vốn cổ phần công ty này là 355 triệu USD, khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.
Việc mua bán lần 2 này đã mang lại cho Phúc Long khoản lợi nhuận tài chính từ khoản lãi phát sinh một lần từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trước đây vào Phúc Long Heritage trị giá 516 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của Phúc Long sau khi về Masan, công ty cho biết: "Trong nửa đầu năm 2022, Phúc Long Heritage ghi nhận doanh thu 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước và EBITDA 117 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk hiện vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động" - trích báo cáo tóm tắt kết quả KD 6 tháng đầu năm của Masan.