Để duy trì được hạnh phúc hôn nhân luôn cần có sự nỗ lực vun đắp của cả 2 vợ chồng. Nếu chỉ có 1 người ra công hi sinh, một người lại vô tâm thì chẳng mấy chốc nửa kia sẽ mệt mỏi bỏ cuộc dù rằng họ có yêu tổ ấm của mình tới mấy. Bởi sức chịu đựng của ai cũng có giới hạn.
Giống như cô vợ trong chuyện dưới đây, sống bên người chồng hững hờ, coi thường công lao của vợ, cô đã bức xúc vào mạng xã hội than thở: "Nghĩ tới cảnh lấy chồng của em mà chán quá các chị ạ. Chồng người ta thì hết lòng yêu chiều, chăm lo chia sẻ việc nhà với vợ, còn chồng em lúc nào cũng như ông lớn coi vợ không khác gì giúp việc không lương. Nói ra thì vợ chồng lại cãi vã, mà nín nhịn mãi em stress nặng, nhiều lúc phát khùng với chồng.
Sau khi sinh bé thứ 2 vì không có ai trông con cho, hai vợ chồng bàn nhau để em nghỉ việc ở nhà chăm con 1 vài năm. Chồng em làm quản lý nhân sự cho một doanh nghiệp tư nhân nước ngoài thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 25 triệu, khéo chi tiêu thì vẫn ổn.
Có điều sau khi vợ nghỉ việc chăm con, thái độ của chồng đối với em ngày một coi thường. Trong mắt anh em dần trở thành hạng ăn bám chồng. Việc nhà cửa con cái, đối nội đối ngoại, chăm 2 đứa con anh dồn tất cho em gánh hết. Nhiều lúc mệt mỏi, em cằn nhằn vài câu thì anh quay ra bảo em không kiếm ra tiền, có mấy việc đó không làm thì làm gì.
Qua thằng út nhà em sốt viêm họng, nó mới được 23 tháng, ốm tí là quấy kinh người. Đêm hôm trước nó sốt khóc cả đêm, chồng em không ngủ được bật người dậy mắng vợ không biết dỗ con. Sau anh ôm gối lên tầng trên đóng cửa ngủ một mạch tới sáng.
Chiều con vẫn sốt, em gọi bảo chồng tranh thủ về sớm chợ búa cơm nước đỡ vợ tí thì anh quát thượng bảo tự em lo lấy, anh còn đi đá bóng.
9h tối chồng em huýt sáo phóng xe về sân. Tới cửa chẳng hỏi 1 câu con ốm đau thế nào, chỉ giục ầm vợ sắp cơm cho ăn vì đói. Em lừa con đi dọn bữa, ai ngờ còn chưa bưng được bát cơm chồng đã trợn mắt đập bàn: 'Cô nấu nướng cái kiểu gì, canh nhạt như nước lã thế này ai ăn được'.
Chồng nói em mới nhớ ra lúc đang nấu canh, con khóc quá, mải dỗ nó em quên không cho gia vị. Nói lại với chồng như thế mà anh cứ làu bàu đay nghiến bảo vợ vô dụng, ăn hại. Thậm chí anh còn bảo thà mất tí tiền thuê giúp việc còn được bữa cơm ngon nghẻ chứ nuôi không em chả tích sự gì.
Cảm giác bị xúc phạm tới chân tơ kẽ tóc, không chịu được hơn, em bê nguyên bát canh ụp vào bồn rửa bát rồi quay ra bảo chồng: 'Thôi, thế anh đi thuê giúp việc nấu nướng cho mà ăn. Anh thuê được người nào tới hầu hạ phục vụ anh thay tôi được thì tốt quá, để tôi đi làm kiếm tiền khỏi sống cảnh phụ thuộc.
Anh nên nhớ, trước khi nghỉ việc trông con theo ý anh, lương của tôi không kém cạnh anh chút nào. Chẳng qua vì gia đình tôi mới phải gác bỏ sự nghiệp của mình lại. Vậy mà cuối cùng anh coi tôi là gì. Một ngày trăm thứ việc đổ đầu vợ, con ốm anh dửng dưng không hỏi han 1 lời, giờ còn về trách vợ không làm gì ra hồn. Tôi mệt mỏi với cảnh sống này lắm rồi".
Nói rồi em đi thẳng về phòng đóng sập cửa. Chồng em chưa bao giờ thấy vợ phản ứng gay gắt như thế nên khá bất ngờ. Song tự nhiên đêm ấy anh lại chủ động vào phòng xuống giọng tự nhận mình vô tâm, ích kỷ rồi hứa thay đổi.
Cũng chẳng biết anh ấy có thay đổi thật không nhưng đấy là lần đầu tiên sau 7 năm chung sống anh biết nhận sai với vợ các chị ạ. Hi vọng là anh ấy làm được đúng như những lời đã hứa".
Trong hôn nhân, phụ nữ luôn là người đứng ra chịu thiệt, chấp nhận hi sinh quyền lợi bản thân để chồng con có cuộc sống thoải mái nhất. Tiếc rằng không phải người chồng nào cũng đủ tâm lý để hiểu và trân trọng những điều tốt đẹp mà vợ đã quên bản thân làm vì chồng. Giống người chồng trong câu chuyện trên và vợ anh có phản ứng bức xúc, gay gắt như vậy là dễ hiểu.