Thông thường, chuyện trao vàng trong ngày cưới cho cô dâu chú rể là một nét văn hóa đặc trưng ở mỗi địa phương. Có những miền quê thậm chí anh em thân thuộc sẽ tặng vàng, sổ tiết kiệm thay vì phong bì tiền mừng đám. Người giàu có sẽ tặng nhiều vàng, người có gia cảnh bình thường thì số vàng làm quà tặng cũng sẽ ít hơn.
Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa chúc phúc cho cặp tân hôn được sống hạnh phúc bên nhau. Ngoài ra, việc tặng vàng cưới cũng biểu thị cho việc những người làm cha làm mẹ và anh em họ hàng thân thuộc giúp đôi dâu rể chút của cải để làm vốn. Họ sẽ dùng số vàng đó để phát triển kinh tế sau khi đã chính thức về chung một nhà.
Nhiều năm gần đây, việc những gia đình trao số lượng vàng “khủng” hay quà đắt đỏ gây chú ý mạng xã hội. Hình ảnh những cô dâu từ cổ đến các ngón tay, cổ tay trĩu nặng những vàng không còn quá xa lạ. Đó cũng là cách thức khiến không ít cô dâu bỗng trở thành đối tượng “hot” trên mạng xã hội.
Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh trao vàng của một người chị gái dành cho hai người em cũng khiến người ta phải xuýt xoa mãi không thôi.
Người chị trao vàng cưới cho em
Được biết, nhân vật chính trong clip là chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (SN 1988, sống tại TP. Hồ Chí Minh). Vốn làm công việc liên quan tới lĩnh vực tài chính nên gia đình Ánh Ngọc rất dư giả. Bởi vậy, vào ngày trọng đại của em gái, cô đã tặng em 49 cây vàng và 2,5 tỷ làm của để dành. Theo đó, những hộp đựng vàng được mở ra. Người chị gái đã đi đeo từng món đồ một lên người các em. Từ lắc vàng, nhẫn vàng và kiềng vàng, dây chuyền vàng, bông tai đều có cả.
Ánh Ngọc cho biết, do thấy em rể hiền lành, ngoan ngoãn và yêu thương em gái cô hết mực nên cô mới trích một phần nhỏ trong khối tài sản của mình để dành tặng hai vợ chồng em.
"Lúc đầu mình mang quà ra em gái mình bất ngờ lắm. Nó vui tới mức rơm rớm nước mắt. Cũng tại từ xưa tới giờ mình thương nó thật lòng. Ngày hôm đó mình phải mất gần 40 phút mới trao hết được của hồi môn cho cô dâu - chú rể.
Đám cưới tổ chức tại quê nhà nên không khí nóng. Đeo vàng xong mà mình và vợ chồng em mình ai cũng nóng toát mồ hôi. Sau màn trao quà của mình thì ba má cũng lên tặng em 1 cái kiềng, 1 đôi bông tai, 1 vòng và 1 nhẫn.
Chú rể thì được tặng 1 sợi dây chuyền. Tính ba má mình giản dị nên cỗ cưới cũng không đặt quá xa hoa, chỉ bình thường như bao nhà khác thôi", cô chị gái đại gia chia sẻ.
Cô dâu - chú rể trong bài là Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1999) và Trần Nguyễn Đăng Khoa (SN 1998). Cặp đôi yêu nhau vài tháng rồi nhanh chóng đi tới kết hôn. Đám cưới của cặp đôi có sự tham gia của diễn viên Kinh Quốc.
Dân mạng đã tỏ thái độ khác nhau với clip trao quà cưới của người chị gái. Theo đó, nhiều người cho rằng màn trao quà này hơi “lố”. Họ hoàn toàn có thể treo tượng trưng một chút đồ lên thôi. Vàng trong hộp vẫn để nguyên như thế. Thời gian để treo đủ 49 cây vàng lên người cặp dây rể là quá nhiều, gián đoạn cả thời gian làm lễ cũng như tốn công chờ đợi của quan viên hai họ.
“Mình nghĩ rằng chị gái nên chỉ trao cho em gái nhẫn, lắc tay, dây chuyền, bông tai lấy từ các hộp đó. Vì lúc đầu hộp cũng được mở ra cho hai bên cùng xem rồi, đợi đeo cho đủ ai cũng ngáp dài ngáp ngắn hết cả rồi kia kìa. Trao quà thôi mà cũng mệt mỏi nữa”, một dân mạng viết.
Tuy nhiên, số khác cho rằng số lượng vàng nhiều như thế chính là tấm lòng của người chị dành cho em. Người ta muốn phô trương một chút, nhiều vàng cũng chứng tỏ sự yêu quý của chị dành cho em mình. Ngoài ra, với quan niệm “nở mày nở mặt” nhiều gia đình càng cho con gái nhiều vàng cưới càng chứng tỏ được sự “mạnh mặt” của họ nhà gái. Bởi vậy, việc này không nên bị đưa ra phán xét như thế.
“Có yêu có quý và có điều kiện thì người ta mới cho em cả gia sản lớn như thế. Ở chỗ tôi họ hàng bên nội bên ngoại đều trao vàng hết cả. Mỗi nhà một người lần lượt lên trao cũng tốn nhiều thời gian lắm. Đó là phong tục. Trao cho con gái được nhiều chừng nào thì tốt chừng đó. Mọi người đừng vội vàng phán xét như thế”, dân mạng khác bình luận.
Ai mà chẳng muốn có một đám cưới hoàn hảo trong suy nghĩ và tưởng tượng của mình. Với nhiều người, thích thú nhất là được nhận những món quà từ người thân, gia đình. Trao vàng cưới không chỉ là nghi thức không thể thiếu, nó còn mang cả nét văn hóa, phong tục vùng miền sâu sắc. Tuy nhiên, người ta cũng nên chú ý nhiều hơn đến cách thức trao tặng, tránh rề rà, kéo dài thời gian quá lâu bởi thời gian làm lễ trên sân khấu là có hạn.
Tổng hợp