Trên trang cá nhân, thầy Ma Đình Hiểu (sinh năm 1989, Trường Mầm non Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) mới đây chia sẻ màn hát múa mà thầy triển khai với lớp 4 tuổi.
Thầy Hiểu cho hay trước khi vào mỗi giờ học, anh sẽ có một hoạt động giúp trẻ hứng thú trước khi bước vào một buổi học để đạt hiệu quả cao hơn.
Các bé mầm non lớp 4 tuổi và thầy giáo trẻ thể hiện màn múa hát gây bão.
"Thời điểm mới vào nghề khi mình đăng tải những clip dạy học này thường nhận những ý kiến trái chiều. Nhưng hiện tại thì những bình luận hầu hết tích cực. Mình muốn lan tỏa những điều này để những người yêu nghề hãy mạnh dạn, đặc biệt là nam giới vì những đứa trẻ chúng luôn luôn dễ thương và cần sự yêu thương như vậy", thầy Hiểu bộc bạch.
Bắt đầu dạy trẻ từ năm 2014, sau 8 năm làm nghề, thầy Hiểu tự hào khi mình trở thành một người gieo mầm tương lai. Thầy hài hước kể: "Nhiều đồng nghiệp, bạn bè vẫn bảo mình là "nghiện" mầm non, quả đúng là bây giờ mình "nghiện" thật. Tuổi đời của mình thì cứ già đi, còn tâm hồn thì trẻ lại và chẳng... lớn nổi".
Thầy cũng tự nhận mình là thầy giáo "của hiếm" của bậc học này. Toàn huyện Võ Nhai hiện chỉ có thầy Hiểu là thầy giáo mầm non có biên chế chính thức.
Nói về cơ duyên đến với nghề, thầy cho hay xuất phát từ tình yêu trẻ và ước mơ của mình hồi còn đi học là trở thành một giáo viên. Song khi tốt nghiệp THPT, do điều kiện kinh tế gia đình nên từ đó cho đến năm 2012, anh ở nhà và tham gia công tác Đoàn của xã.
Sau khi lập gia đình, kinh tế ổn định hơn một chút, vợ chồng anh Hiểu rủ nhau cùng đi học tiếp và quyết định chọn theo học ngành Giáo dục Mầm non của Trường CĐ Sư phạm Thái Nguyên.
Vốn có năng khiếu múa, hát nên từ ngày bước vào nghề, thầy trở thành biên kịch cho tất cả các hoạt động văn nghệ của thầy cô và trò ở trường cũng như thôn, xã. Các tiết học của thầy cũng vì thế mà sôi nổi hơn.
Tuy vậy, là nam giới theo nghề dạy trẻ mầm non, thời gian đầu đi dạy, thầy Hiểu cũng bắt gặp rất nhiều ánh mắt dị nghị, lời bàn tán không hay từ mọi người. Đó cũng là quãng thời gian công việc có nhiều khó khăn khiến thầy từng nghĩ để chuyện dừng lại để đổi công việc khác. Năm đầu tiên đi dạy, thầy nhiều lần phải bật khóc vì cảm thấy áp lực, cứ đi làm về chẳng muốn ăn uống gì chỉ muốn đi ngủ bởi mệt mỏi,...
Nhưng tình yêu nghề, mến trẻ khiến thầy Hiểu dần quen với công việc này. Thầy dần thuần thục với việc tết tóc, cho ăn, dỗ dành hay vệ sinh cho trẻ cũng như "cảm hóa" các bậc phụ huynh bằng tấm lòng, sự nhiệt tình của mình. Ở một số giờ dạy, thầy mời phụ huynh đến lớp cùng dự để hiểu hơn về mình cũng như công việc của các thầy cô mầm non, từ đó gây thiện cảm với họ.
Từ tháng 11/2020, thầy Hiểu được bổ nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghinh Tường. Nơi thầy Hiểu hiện công tác có 4 điểm trường, trong đó điểm xa nhất cách trường chính hơn 10 km, theo học là trẻ dân tộc Tày và Dao.
Dù đã làm quản lý, song thầy Hiểu vẫn thường xuyên đứng lớp, trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 4 giờ trong mỗi tuần.
Ở vị trí quản lý, thầy cho rằng bản thân càng cần sự nhiệt tình, gần gũi với con trẻ để phụ huynh muốn cho con đến trường và tin tưởng giao trẻ.
Nói về kỉ niệm làm nghề, thầy phó hiệu trưởng trẻ tuổi hào hứng kể, mỗi ngày đến lớp, đến trường đều có những niềm vui rất khác nhau bởi sự đáng yêu, ngộ nghĩnh của lũ trẻ.
Ảnh, clip: NVCC