Câu chuyện của chú tiểu
Tiểu hoà thượng nọ có ba người anh, hàng ngày những người này đều làm việc trong im lặng và xưa nay đều rất ít nói. Riêng tiểu hoà thượng thì khác, chú ta luôn muốn thu hút sự chú ý của mọi người.
Ví dụ như mỗi khi quét sân xong, tiểu hòa thượng sẽ nói với các anh mình rằng mình đã quét sân. Hay khi đi gánh nước xong, chú ta sẽ nói với các anh mình rằng đã gánh nước. Khi niệm kinh xong cũng vậy, kiểu gì chú tiểu cũng sẽ đi nói với các anh rằng mình đã niệm kinh.
Tiểu hoà thượng rất muốn các anh khen ngợi mình vài lời, nhưng các anh luôn phớt lờ cậu em này.
Vào một ngày, tiểu hoà thượng mặc một bộ quần áo mới mà sư phụ cho chú. Tiểu hoà thượng đi đến và nói với anh trai cả: "Đại sư huynh, nhìn xem hôm nay đệ có đặc biệt không?"
Người này đang quét sân và như mọi lần, vẫn không để ý đến tiểu hoà thượng. Chú ta bước tới, nắm lấy tay của đại sư huynh và nói: "Đại sư huynh, nhìn đi mà!"
Người này nhìn lướt qua tiểu hoà thượng và nói: "Không có gì đặc biệt!"
Tiểu hoà thượng không vui, bèn đi tìm người anh thứ hai và nói: "Nhị sư huynh nhìn xem hôm nay đệ có đặc biệt không?"
Nhị sư huynh đang gánh nước và cũng phớt lờ tiểu hoà thượng. Chú ta liền bước tới chặn đường của người này, nói: "Nhị sư huynh, hãy nhìn đi mà!"
Người anh thứ hai lúc này mới liếc nhìn tiểu hoà thượng và nói: "Không có gì đặc biệt!"
Chú tiểu lại càng không vui, chạy đi tìm người anh thứ ba và nói: "Tam sư huynh, hôm nay huynh có thấy đệ hơi đặc biệt không?"
Người này đang niệm kinh nên không để ý đến tiểu hoà thượng. Tiểu hoà thượng bước tới cầm lấy kinh thư và nói: "Tam sư huynh, nhìn đi mà!"
Lúc này, anh ba mới ngẩng đầu lên nhìn tiểu hoà thượng và nói: "Không có gì đặc biệt!"
Tiểu hoà thượng giận dữ chạy đi, chú ta thực sự rất tức giận, không ai trong ba người anh nhận thấy rằng hôm nay mình mặc một bộ quần áo mới có màu trắng của mình.
Tiểu hoà thượng đi đến chỗ sư phụ, khuôn mặt đầy sự bất bình, nói: "Sư phụ ..."
Sư phụ hỏi: "Có chuyện gì với con vậy?"
Tiểu hoà thượng nói: "Con mặc quần áo mới, nhưng ba anh đều không để ý đến!"
Sư phụ nói: "Con tức giận vì điều này sao? Họ nghiêm túc làm việc của họ, làm sao mà chú ý đến quần áo mới của con được! Làm người, không nên để ý bản thân quá nhiều, tự cho rằng bản thân mình quan trọng, kết quả nhận được sẽ chỉ là thất vọng mà thôi!"
Tiểu hoà thượng đột nhiên nhận ra rằng mình không còn tức giận nữa.
Kể từ đó, chú ta cũng âm thầm làm việc như những người anh của mình, cố gắng hết sức để hoàn thành công việc, không nói nhiều nữa và không còn nũng nịu gây ồn ào như trước.
Nhiều năm sau, tiểu hoà thượng trở thành trụ trì của tu viện. Và đây là điều mà hoà thượng này chưa bao giờ nghĩ tới, thật sự nằm ngoài tưởng tượng.
Sau khi trở thành trụ trì, hòa thượng đã viết lên vách tường phòng thiền của mình: Một người quá để ý đến bản thân mình thì người khác thường không quan tâm đến anh ta; một người không quan tâm đến bản thân mình thì người khác thường để ý đến anh ta rất nhiều.
Lời bình
Bạn có quan tâm đến việc người khác chú ý đến bạn không? Bạn có quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bạn không?
Nếu bạn tự coi bản thân mình là quan trọng, chắc chắn bạn sẽ xem nhẹ người khác.
Một người có thể tự tin nhưng không nên kiêu ngạo; có thể phóng khoáng nhưng tuyệt đối không được ngông cuồng.
Không quá coi trọng bản thân thực ra là một cách tự tu luyện, là một hành động đẹp, là một cảnh giới cao, là một thái độ sống lạc quan, là một tâm lí trưởng thành là một nội tâm thanh bạch.