Từ Cindy Thái Tài tới Hương Giang Idol, hành trình gian nan tìm kiếm sự thừa nhận của người chuyển giới
20 năm trước, khi định kiến xã hội về cộng đồng LGBT vẫn rất nặng nề ở Việt Nam, nữ ca sĩ Cindy Thái Tài đã mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi là người chuyển giới".
Là nghệ sĩ đầu tiên công khai thực hiện phẫu thuật chuyển đổi hoàn toàn từ nam sang nữ, quyết định táo bạo của Cindy Thái Tài từng bị dè bỉu, chê trách bằng những từ ngữ thậm tệ nhất.
Thậm chí, thời điểm mới phẫu thuật về nước, Cindy chia sẻ, ngày nào cũng có hàng chục người hiếu kỳ tụ tập trước nhà để xem chị “trở thành con quái vật nào sau khi chuyển giới”.
Dù vậy, Cindy vẫn dũng cảm đối diện với dư luận. Khi đã vượt qua nỗi đau thể xác và đặt cược cả tính mạng với quyết định sống còn này, đối với Cindy, được sống với đúng con người thật là điều khiến chị hạnh phúc nhất.
Cindy Thái Tài là nghệ sĩ Việt đầu tiên công khai chuyển giới.
Nhiều năm sau, Lâm Khánh Chi tiếp tục tạo ra một cơn chấn động trên truyền thông khi ra mắt công chúng hình hài mới sau chuyển giới. Không những vậy, cô cũng chẳng ngại công khai chuyện hẹn hò và kết hôn với chồng trẻ kém tuổi.
Một mặt cô nhận được ủng hộ từ người hâm mộ LGBT, một mặt cô biến mình thành một trong những nghệ sĩ đông antifan nhất showbiz Việt. Chỉ bởi niềm tự hào, kiêu hãnh về bản thân của Lâm Khánh Chi bị nhìn nhận thành “màu mè”, “lố lăng”.
Những ý kiến tiêu cực về cộng đồng LGBT nói chung và cộng đồng người chuyển giới nói riêng vẫn tiếp tục tạo ra làn sóng tranh cãi gay gắt ở Việt Nam cho đến tận năm 2018, khi Hương Giang Idol trở thành người Việt Nam đầu tiên đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế.
Chiếc vương miện của Hương Giang giúp thông điệp về quyền bình đẳng, chống kỳ thị đối với người chuyển giới mới được lan tỏa một cách mạnh mẽ.
Con đường sự nghiệp của Hương Giang cũng khiến cho xã hội có cái nhìn mới, gần gũi và thiện cảm hơn với người chuyển giới. Từ một nữ ca sĩ yếu về giọng hát trở thành Hoa hậu, Hương Giang đã không dùng chiếc vương miện để diễu đi diễu lại trong các sự kiện hời hợt.
Thay vào đó, cô nỗ lực không ngừng để trở thành một ngôi sao giải trí với những MV được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, với những show truyền hình phô diễn sự thông minh và khả năng hoạt ngôn hiếm có.
Hương Giang đã cho công chúng thấy, người chuyển giới cũng có tài năng, có khả năng làm việc, có sự chăm chỉ nỗ lực phi thường như những người thuộc giới tính khác.
Sức ảnh hưởng của Hương Giang cũng làm thay đổi truyền thông chính thống về người chuyển giới. Dễ dàng thấy không ít những show truyền hình ủng hộ cộng đồng LGBT được lên sóng như: Come out, Sống thật - Real life, Love is blind hay Người ấy là ai…
Thế nhưng, không khó để nhận ra, trong sự ủng hộ rộng rãi nói trên vẫn tồn tại những bình luận ẩn chứa sự tò mò, soi mói. Cộng đồng bên ngoài phạm vi LGBT vẫn dễ dàng ném về phía người chuyển giới những bình luận khiếm nhã, những nhận xét tổn thương một cách vô thức và hồn nhiên.
Phải chăng, sự cởi mở với việc sống thật với giới tính đã diễn ra chỉ là bề nổi, đi theo số đông và nhiều người thực ra chưa thật sự nhận thức được cách tôn trọng người chuyển giới khi họ muốn sống thật với con người mình?
Giải mã dư luận dưới góc nhìn văn hóa
Mới đây, khi ca sĩ Lynk Lee công khai ngoại hình vừa chuyển giới, các diễn đàn ngập tràn bình luận châm biếm, giễu cợt, miệt thị ngoại hình của cô.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Mia Rennie - người chuyển giới gốc Việt đầu tiên trong tổ chức phi chính phủ thuộc Bộ Xã hội Úc - chỉ ra, trong hơn 10.000 comments dưới hình ảnh Lynk Lee diện váy, có đến 80% là bình luận về ngoại hình, giới tính, cơ thể, bộ phận sinh dục, cách làm tình, khả năng sinh đẻ... Đa phần là những nội dung khiếm nhã, bất lịch sự và “ác”.
Đứng sau bàn phím, những kẻ miệt thị gọi cô là "quái thai", "tởm lợm" hay thậm chí cho rằng Lynk Lee đang làm “lệch lạc tư tưởng giới trẻ”.
Vô số những bình luận ác ý dưới hình ảnh nữ tính của Lynk Lee.
May mắn là bên cạnh những chỉ trích trái chiều, một số người hâm mộ và nhân vật thuộc giới nghệ sĩ đã lên tiếng bảo vệ, ủng hộ Lynk Lee.
Cũng như bao người khác, nữ ca sĩ từng trải qua khoảng thời gian tổn thương, áp lực khi nhận vô số chỉ trích từ cộng đồng. Tuy nhiên, cô xác định những quan điểm trái chiều là điều đương nhiên phải đối mặt và vượt qua.
Xã hội sẽ ngày càng tốt lên, văn minh hơn và biết chấp nhận sự khác biệt, còn những người thuộc giới LGBT không nên chờ đến ngày đó mới dám chứng minh sự hiện hữu của mình.
“Em chịu đựng dần dần và bây giờ đã chai lì hơn nhiều. Em đã không màng tính mạng của mình trải qua các cuộc phẫu thuật nên mấy lời tiêu cực như thế này đã không còn "xi nhê" gì với em nữa. Mọi người yên tâm nha. Giờ em chỉ có vui và cười thôi ạ. Em mạnh mẽ lắm rồi”, nữ ca sĩ chia sẻ.
Có thể thấy, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng LGBT để được “sống thật” và “sống như một người bình thường”, định kiến giới tính vẫn chưa thực sự được tháo gỡ mà chỉ ẩn mình, trực chờ để trỗi dậy gây sát thương đến nhóm thiểu số.
Việc tồn tại hai luồng dư luận trái chiều về vấn đề chuyển giới có thể được giải thích dưới góc độ đạo đức trong văn hóa.
Cuốn “Giao tiếp liên văn hóa trong cuộc sống thường nhật” của tác giả Baldwin và cộng sự chỉ ra rằng, trong các trường phái đạo đức của con người, có hai trường phái là chủ nghĩa vị kỷ (Egoism) và chủ nghĩa công ích luận (Utilitarianism).
Chủ nghĩa vị kỷ cho rằng, con người luôn được thúc đẩy bởi những tư lợi, mong muốn cá nhân, mình có thể làm mọi thứ bản thân muốn, miễn là cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn, đồng thời không làm hại đến cá nhân khác.
Chủ nghĩa vị kỷ cũng là tư tưởng của cộng đồng bảo vệ người chuyển giới. Họ cho rằng, người chuyển giới vốn dĩ được sinh ra hoàn toàn bình thường, họ cũng lao động, cống hiến cho xã hội và xứng đáng được hưởng hạnh phúc cá nhân dưới sự công nhận của cộng đồng.
Trái ngược với đó, chủ nghĩa công ích luận cho rằng, cá nhân phải đưa ra quyết định có lợi cho nhiều người trong cộng đồng nhất có thế chứ không nên chỉ lo riêng cho hạnh phúc của mình.
Xét trong khía cạnh việc chuyển giới, đó là không nên làm rối loạn chức năng xã hội, không nên công khai chuyển giới để khuyến khích hành động tương tự hay tạo ra những nhận thức lệch lạc với tự nhiên.
Chủ nghĩa công ích luận vốn đã ăn sâu vào xã hội truyền thống, lý giải cho việc một bộ phận không nhỏ khán giả có cái nhìn tiêu cực, kỳ thị người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung.
Việc tháo gỡ hoàn toàn định kiến giới tính là điều không thể bởi chủ nghĩa vị kỷ và công ích luận luôn tồn tại song song, song cả hai đều hướng tới mục đích cuối cùng là sự phát triển chung của cộng đồng.
Vì vậy, thay vì buông ra những lời miệt thị để bài trừ nhóm thiểu số là người chuyển giới, tôn trọng và cùng họ xây dựng một xã hội hạnh phúc mới là điều cộng đồng cần chung tay vun đắp.