6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trẻ dễ mắc ở những tháng đầu đời
Ở những tháng đầu đời, trẻ nhỏ với hệ miễn dịch non nớt, thường đưa tay vào miệng, trong khi kháng thể bảo vệ từ mẹ giảm dần theo thời gian nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib.
Theo ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Ho gà thường gặp ở trẻ nhỏ, với biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp, mệt mỏi, chán ăn và ho. Trẻ càng nhỏ mắc Ho gà có biến chứng càng nặng, tỷ lệ tử vong càng cao.
Trẻ nhỏ thường có thói quen đưa tay vào miệng nên nguy cơ mắc bệnh cao. Ảnh: Vecteezy
Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến tháng 8, có 570 trường hợp mắc và nghi mắc Ho gà, tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2023 (33 trường hợp). Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) từ đầu năm đến tháng 7/2024 điều trị gần 400 trẻ mắc Ho gà, phần lớn chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin, trong đó nhiều ca gặp biến chứng viêm phổi, phải điều trị tích cực.
Bạch hầu do vi khuẩn Bạch hầu gây nên, dễ lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn, vùng da tổn thương của người bệnh. Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 9 ca mắc, trong đó có 1 ca tử vong. Nếu trẻ không may mắc bệnh có thể biến chứng thành viêm phổi, suy tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Với bệnh Uốn ván, từ năm 2015 đến nay, trung bình có 350 ca mắc mỗi năm. Nếu trẻ nhỏ không may mắc Uốn ván khi chưa tiêm vắc-xin, bệnh sẽ dễ trở nặng, nguy cơ tử vong cao. Cụ thể, tháng 1/2024, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 1 ca tử vong do Uốn ván sơ sinh.
Hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên dễ dàng bị vi khuẩn, virus tấn công. Ảnh: Vecteezy
Theo thống kê của Bộ Y tế tế, nước ta đến 90% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiễm Viêm gan B chuyển thành viêm gan mạn tính.Còn bệnh do vi khuẩn Hib là nguyên nhân gây viêm phổi nặng, viêm màng não và các bệnh xâm lần khác ở trẻ dưới 5 tuổi. Đáng lưu ý, bệnh này có nguy cơ cao nhất ở trẻ từ 4 đến 18 tháng tuổi.
Tại Việt Nam, trước khi có vắc-xin, Bại liệt là gánh nặng bệnh tật lớn. Tháng 4/2023, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cảnh báo, bệnh Bại liệt đang xuất hiện ở một số nơi trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào nước ta khi tình hình du lịch, giao thương giữa các nước ngày càng thuận lợi.
Những điều cha mẹ cần làm để giúp con tránh mắc bệnh truyền nhiễm
Hiện thời tiết nước ta đang mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, dễ khiến các loại vi khuẩn, virus phát triển gây nên bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ Phượng lưu ý, nếu trẻ mắc các bệnh trên sẽ dễ trở nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ăn đủ chất, giữ vệ sinh sạch sẽ, trẻ cần được tiêm đầy đủ vắc-xin để phòng tránh mắc bệnh. Theo TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng, số ca mắc 6 bệnh truyền nhiễm trên đã giảm đáng kể, khiến cộng đồng phần nào quên lãng. Tuy nhiên, các bệnh này vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn mà vẫn bùng phát lẻ tẻ, có thể quay lại bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Trẻ nhỏ đang tiêm vắc-xin 6 trong 1 tại trung tâm tiêm chủng. Ảnh: Shutterstock
"Vắc-xin sẽ tạo "rào chắn" bảo vệ trẻ, nếu bỏ lỡ các mũi tiêm đầu đời trẻ khó có cơ hội bù đắp", bác sĩ Nghĩa chia sẻ. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Bộ Y tế, cho biết vắc-xin đã cứu sống 4,4 triệu người mỗi năm, có thể tăng lên 5,8 triệu người vào năm 2030.
Hiện Việt Nam đã có vắc-xin 6 trong 1 phòng 6 bệnh nguy hiểm kể trên trong cùng một mũi tiêm. Vắc-xin có thành phần Ho gà vô bào nên hạn chế phản ứng sốt, giảm thiểu cảm giác đau khi phải tiêm nhiều mũi.
Có 2 loại vắc-xin 6 trong 1 gồm loại ở dạng pha sẵn và loại sẽ qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai loại vắc-xin đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau. Cha mẹ có thể tiêm hai loại vắc-xin này cho con bắt đầu từ khi trẻ được 6 tuần tuổi. Lịch tiêm đầy đủ 4 mũi vắc-xin 6 trong 1 như sau:
- Mũi 1: khi trẻ 2 tháng tuổi (sớm nhất là 6 tuần tuổi)
- Mũi 2: khi trẻ 3 tháng tuổi
- Mũi 3: khi trẻ 4 tháng tuổi
- Mũi 4: khi trẻ được 16-18 tháng
Lưu ý cần hoàn thành 4 mũi tiêm trước 2 tuổi và nên tiêm cùng một loại vắc-xin trong loạt các mũi tiêm cơ bản để đảm bảo hiệu quả của vắc-xin tối ưu nhất.