Có người đặt ra một câu hỏi trên mạng xã hội rằng: Tại sao bạn lại nghèo?
Phía dưới có một câu trả lời như này:
"Vì không có tiền.
Ban đầu, chỉ muốn mua một chiếc iphone mới ra. Tháng trả góp vài triệu, hoàn toàn không phải vấn đề.
Nhưng sau này, thứ muốn có ngày một nhiều. Bắt đầu dùng đến thẻ tín dụng, và đủ các kênh cho vay khác nhau.
Rất nhanh sau đó, lương tháng làm ra, ba phần tư là để trả nợ…"
Những người như vậy, không chỉ nghèo, mà còn đáng bị nghèo. Không có năng lực, không muốn kiên trì vì sợ sự nhàm chán, không muốn học hỏi vì sợ nó vô vị, rồi lại tiêu tiền để "an ủi" cuộc sống nhàm chán của bản thân, lương có tăng tới đâu cũng không đuổi kịp tốc độ nợ nần.
Thứ các bạn thiếu, có lẽ không chỉ là tiền.
Thế giới chưa bao giờ thiếu những ước mơ, những nỗ lực, nó chỉ thiếu sự bền bỉ và chuyên tâm
Các huyền thoại về việc làm giàu từng bước trở nên phổ biến hơn bởi các phương tiện truyền thông, thế giới nay một triệu phú, mai một người giàu, sự giàu có và thành công của người khác dường như rất dễ dàng và bình thường trong mắt bạn, nhưng tại sao khi tới lượt bạn, nó lại khó khăn đến vậy?
Tác gải Yishu, một nhà văn nổi tiếng của Hồng Kông từng viết trong một cuốn sách của mình như này:
"10 năm vất vả, 10 năm khổ cực, cộng với may mắn đúng thời điểm, mới có một sự nghiệp viên mãn, bạn đừng bao giờ nghĩ mọi việc quá dễ dàng, phần lớn mọi người đều chỉ có một công việc, một thứ để kiếm sống, có bao nhiều người dám nói công việc của họ là sự nghiệp?"
Không có thành công nào là tự nhiên cả, đằng sau nó luôn là mồ hôi và cả những vất vả, mất mát, đánh đổi mà chúng ta không thể tưởng tượng.
Không có thành tựu nào là dễ dàng, bởi nếu không chịu được thử thách và sự mài dũa của số phận, bạn sẽ không bao giờ biết trân trọng mọi thứ.
Muốn kiếm được một mức lương độc nhất, bạn cũng phải làm cho mình trở nên độc nhất.
Thời đại ngày càng phát triển, nhưng dường như chúng ta cũng ngày một trở nên hời hợt và cả thèm chóng chán hơn, thấy cái gì nổi lên, chúng ta học, chúng ta bắt chước làm cái đó, chưa từng có một sự lựa chọn khiến ta sẵn sàng dành thời gian để tĩnh tâm lại và mài dũa nó đến mức tốt nhất.
Từ năm 2010, nhà văn Liang Xiaosheng (tiểu thuyết gia và nhà biên kịch người Trung Quốc, giáo sư tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh. Tiểu thuyết của ông đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nhật, Nga và Ý) đã bắt đầu "cuộc đua marathon viết" của mình.
Mỗi sáng, ông mài một thùng bút chì, trải bản thảo trên chiếc bàn hình chữ nhật, và bắt đầu ngồi vào bàn làm việc trong 10 tiếng đồng hồ.
Ông bị thoái hóa đốt sống cổ do ngồi lâu, ngoài ra còn bị bệnh dạ dày nặng do ăn uống không khoa học.
Cảm xúc chán nản và lo lắng khiến móng tay của ông bị hỏng, thường xuyên ở trạng thái lật nửa móng.
Tuy nhiên, dù vậy, ông vẫn kiên định với cường độ làm việc kiểu này trong suốt 5 năm.
Sau cùng, ông viết ra cuốn "Nhân thế gian" dài 1,15 triệu chữ, cuốn sách được xem là "thiên anh hùng ca về hình tượng đương đại của Trung Quốc".
Ngay cả trong những năm tháng gần đất xa trời, Liang Xiaosheng vẫn viết khoảng 10 trang và 2.000 từ mỗi ngày, thói quen này, ông đã kiên trì trong nửa thế kỷ.
Hơn 100 năm trước, có một bài toán lý thuyết số học đã làm các nhà toán học trên toàn thế giới phải kinh ngạc:
"2 lũy thừa 67 trừ đi 1, kết quả có phải là số nguyên tố mà mọi người vẫn đoán không?"
Trong thời đại không có máy tính, độ khó của việc giải mã nó không kém gì "giả thuyết Goldbach".
Các nhà toán học trên khắp thế giới vắt óc suy nghĩ về câu hỏi này, nhưng tất cả đều vô ích.
Nhưng vào năm 1903, tại Hội nghị thường niên Toán học Thế giới ở New York, một nhà toán học người Đức, không nói một lời, đã đi thẳng lên bảng đen và giải thành công bài toán với hai đẳng thức, chứng minh được rằng kết quả của nó là hợp số chứ không phải là số nguyên tố như mọi người đoán.
Vài phút sau, những tràng pháo tay nồng nhiệt nổ ra, vô số người đứng lên hoan hô.
Có người hỏi ông: "Anh mất bao lâu để giải bài toán này?"
Ông trả lời: "Tất cả các ngày chủ nhật trong 3 năm."
Bạn thấy đấy, thế giới chưa bao giờ thiếu những ước mơ, những nỗ lực, nó chỉ thiếu sự bền bỉ và chuyên tâm. Và thế giới sẽ chỉ trả cho những người có chuyên môn giỏi nhất bởi lẽ họ là không thể thay thế được.
Cơ hội làm giàu không thiếu, vấn đề là bạn có đủ khả năng để nắm bắt hay không
Một ngày nọ, tôi đọc được tâm sự của một người bạn trên trang cá nhân, chuyện là bố mẹ vừa bán nhà, cho cậu ấy 1 tỷ để cậu ấy khởi nghiệp.
Bỗng dưng có một số tiền lớn khiến cậu ấy rất hoang mang, bởi lẽ không biết tiêu nó thế nào. Hiện tại cậu ấy hoàn toàn không có khả năng để chi tiêu số tiền tỷ này.
Có những thứ, nó không phụ thuộc vào tuổi tác, nó phụ thuộc vào năng lực và tâm thái.
Có những người hai mấy tuổi đầu đã có thể điều hành cả một công ty triệu đô, nhưng cũng có những người gần 40 tuổi vẫn chỉ có thể làm được những công việc của một nhân viên, không có khả năng lãnh đạo.
Đôi khi, có những cơ hội tới nhưng bản thân bạn lại chẳng đủ năng lực để nắm bắt được nó, vì vậy, đừng luôn phàn nàn về sự bất công của thực tế, đừng ngây thơ cố gắng thay đổi thực tế, bởi điều duy nhất bạn có thể thay đổi là chính mình.
Bi kịch lớn nhất của cuộc đời là những người giỏi hơn bạn cũng đang làm việc chăm chỉ hơn bạn, còn bạn thì lại không bao giờ nghĩ như vậy.
Bạn bối rối, bạn lo lắng, bạn muốn giàu có như người khác, bạn không thể ngủ, vì bạn không biết làm thế nào để giàu?
Bạn ảo tưởng: Giờ mà tự dưng giàu thì tốt biết mấy! Không phải lo tiền nhà, tiền xe, thích ăn thì ăn, thích uống thì uống, thích đi chơi là đặt vé máy bay đi, hoàn hảo!
Nhưng trước đó, bạn đã bao giờ nghĩ rằng: Bạn đã đủ năng lực để trở thành người giàu hay chưa? Có hàng ngàn hàng vạn cơ hội làm giàu, nhưng tại sao chưa bao giờ tới lượt bạn?
Một tác gia từng nói với người trẻ ở thế hệ của ông rằng: vấn đề chính của các bạn là đọc ít và suy nghĩ quá nhiều.
Sự lo lắng của bạn bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của bạn. Thay vì ngồi đó hỏi "tại sao tôi lại nghèo?", hãy đọc nhiều sách hơn và ngẫm xem bạn là ai, năng lực của bạn đang ở đâu?
Có ba nỗi khổ trong cuộc đời, nỗi khổ đầu tiên là thiếu hiểu biết.
Nhiều người sống tầm thường, họ cho rằng thứ mình thiếu là tiền, là một người cha giàu có, nhưng thật ra, cái họ thiếu chính là niềm tin, sự bền bỉ, kiến thức và tầm nhìn.
Mong rằng mỗi chúng ta đều là những người trẻ cầu tiến, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, tích cực hoàn thiện bản thân, hướng tới cuộc sống mà mình muốn.
Theo Toutiao