Lời cảnh báo của Nga lại khiến một ngành công nghiệp cốt lõi phương Tây “lo sốt vó"

Hữu Hiển | 20-06-2022 - 19:06 PM

(Tổ Quốc) - Chiến lược sử dụng lợi thế tài nguyên của Nga để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn tiếp tục, lần này là với khí trơ - nguyên liệu thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn.

Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga ngày 2/6 thông báo, vào cuối năm nay sẽ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với khí trơ như khí neon, vốn cần thiết để sản xuất chất bán dẫn, chủ yếu nhằm vào "các quốc gia và khu vực không thân thiện".

Trang web "Quỹ Văn hóa Chiến lược" của Nga ngày 4/6 đưa tin, phương Tây trước đó đã cấm xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến, "thiết bị nhạy cảm" và hóa chất sang Nga; đồng thời các nhà sản xuất chip của Nga cũng bị trừng phạt.

Những lệnh trừng phạt này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung chip trên thị trường toàn cầu. Do sự bất ổn của hoạt động sản xuất liên quan do căng thẳng Nga - Ukraine gây ra, giá khí neon toàn cầu tăng mạnh gần đây đã gây áp lực lên các nhà sản xuất chất bán dẫn ở Hàn Quốc và các nước khác.

Lời cảnh báo của Nga lại khiến một ngành công nghiệp cốt lõi phương Tây “lo sốt vó - Ảnh 1.

Nguyên liệu thô thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn

Theo tờ Izvestia của Nga, Bộ Công nghiệp và Thương mại nước này sẽ quyết định xem ai có thể có được các loại khí thiết yếu để sản xuất chất bán dẫn như neon, krypton và xenon. Nga hiện chiếm hơn 30% thị phần quốc tế trong lĩnh vực này.

Tờ Izvestia cũng dẫn lời một số thành viên trong chính phủ Nga cho biết, Nga đã quyết định nhắc nhở "các quốc gia và khu vực không thân thiện" phải chú ý đến sự phụ thuộc của mình vào nguồn nhập khẩu này.

Hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 2/6 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga Vasily Shpak cho biết, việc sản xuất chất bán dẫn liên quan đến 4.000 nguyên liệu thô và các chất hóa học khác nhau, nhưng các loại khí trơ có độ tinh khiết cao như neon là nguyên liệu thô mà hầu hết các nhà sản xuất đều cần.

Nhà phân tích Alexey Boyko thuộc công ty phân tích dữ liệu MForumAnalytics của Nga cho biết: "Một số người tưởng rằng xuất khẩu khí neon của Ukraine chiếm 50% thị phần quốc tế, nhưng trên thực tế, chúng được tinh chế bằng cách tách khí neon của Nga".

Ông Boyko cho biết thêm, do Nga thiếu ngành công nghiệp vi điện tử, nên rất ít công ty Nga tham gia vào việc sản xuất khí trơ có độ tinh khiết cao. Trên thị trường quốc tế, các công ty Nga bán hỗn hợp khí trơ (neon và krypton, krypton và xenon) cho Ukraine, sau đó các công ty Ukraine sản xuất khí trơ có độ tinh khiết cao rồi bán chúng ra nước khác.

Lời cảnh báo của Nga lại khiến một ngành công nghiệp cốt lõi phương Tây “lo sốt vó - Ảnh 2.

Hãng thông tấn CNA của Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin, Ukraine từng là một trong những nhà cung cấp khí trơ lớn nhất thế giới, nhưng cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2 đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy sản xuất khí trơ ở các thành phố Mariupol và Odessa của Ukraine trong tháng 3.

Trang web Bloknot của Nga ngày 3/6 dẫn lời nhà phân tích kinh tế Denis Efremov đưa tin rằng, việc Nga cấm xuất khẩu khí trơ là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đây là phản ứng của Nga trước các lệnh trừng phạt từ bên ngoài, phương Tây sẽ phải đàm phán với Matxcơva, nếu không các ngành công nghiệp chiến lược quan trọng sẽ sụp đổ.

Nhưng nhà phân tích Boyko tin rằng, lệnh cấm của Nga sẽ không tác động đến các nước khác trong ngắn hạn, và các nước có nhu cầu có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Mỹ hoặc Trung Quốc.

Hàn Quốc buộc phải mua khí trơ với giá cao

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nhận định, một số quốc gia nhiều khả năng sẽ phải mua các loại khí thiết yếu này từ Trung Quốc, nhưng giá sẽ cao hơn 20% đến 25% so với khí trơ do Nga cung cấp.

Tờ Kinh tế hàng ngày của Hàn Quốc ngày 4/6 đưa tin, ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu một lượng lớn khí neon từ Trung Quốc sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực sản xuất khí trơ.

Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đã thành lập một nhà máy sản xuất khí neon vào tháng 1 và có kế hoạch bắt đầu sản xuất khí neon có độ tinh khiết cao trong năm nay.

Samsung Electronics và SK Hynix cũng đã tăng cường nhập khẩu khí neon từ Trung Quốc. Hiện tại, họ đã dự trữ lượng khí neon đủ dùng trong ít nhất 3 tháng.

Thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho thấy, giá khí neon trung bình nhập khẩu vào Hàn Quốc trong tháng 4 là 1.300 USD/kg, cao gấp 4,5 lần so với tháng trước.

Theo số liệu của Ngành Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc và Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc, các nguồn nhập khẩu khí trơ như neon của Hàn Quốc chủ yếu đến từ Trung Quốc (66,6%), Ukraine (23%) và Nga (5,3%). Hiện nay, do xung đột Nga - Ukraine, Hàn Quốc đã phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Lời cảnh báo của Nga lại khiến một ngành công nghiệp cốt lõi phương Tây “lo sốt vó - Ảnh 3.

Các công ty Đài Loan nghe ngóng tình hình

Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga từ tháng 3, nên bị Nga đưa vào "Danh sách các quốc gia và khu vực không thân thiện". Do đó, lời cảnh báo hạn chế xuất khẩu khí trơ của Nga là không thể coi thường

TSMC - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan - đã cắt nguồn cung cấp chip sang Nga từ cuối tháng 2. Tính đến ngày 5/6, TSMC không có bình luận gì về việc Nga hạn chế xuất khẩu khí trơ.

UMC của Đài Loan cho biết, đã tăng dần lượng khí trơ tích trữ trong kho, nguồn cung sẽ không có vấn đề gì trong năm tới.

Power Semiconductor cũng cho biết, khí neon chỉ được sử dụng với số lượng rất ít trong quá trình khắc laser. Một bình nhỏ có thể sử dụng từ 1 đến 2 tháng. Hàng dự trữ hiện tại đủ dùng trong 9 tháng. Căn cứ theo đơn đặt hàng và sản lượng trong năm nay, "sẽ không phải lo về vấn đề thiếu khí trơ".

Lời cảnh báo của Nga lại khiến một ngành công nghiệp cốt lõi phương Tây “lo sốt vó - Ảnh 4.

Dương Thụy Lâm - Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Công nghiệp Đài Loan – cho biết, các hạn chế xuất khẩu khí trơ của Nga có thể làm giảm nguồn cung khí neon hơn nữa, nhưng các nhà cung cấp có thể ưu tiên cung cấp cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn. 

Theo ông Dương, ngành công nghiệp bán dẫn trước mắt có thể không phải đối mặt với khủng hoảng do gián đoạn chuỗi cung ứng; nhưng các nhu cầu về sinh kế và thị trường thương mại khác có thể bị ảnh hưởng. Chuỗi cung ứng của các trung tâm dữ liệu, điện thoại di động và máy tính tương đối ổn định, nhưng tình trạng thiếu chip cho ô tô và công nghiệp có thể gia tăng.

Theo số liệu do Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Quốc tế (SEMI) công bố vào ngày 2/6, doanh số bán dẫn tại thị trường Hàn Quốc và Đài Loan từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và tốc độ tăng trưởng chung đang chậm lại. Doanh số tại Trung Quốc đại lục - thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới - tăng 27% lên 7,57 tỷ USD; Nhật Bản tăng 15% lên 1,9 tỷ USD; Hàn Quốc giảm 29% xuống 5,15 tỷ USD và Đài Loan giảm 15% xuống 4,88 tỷ USD.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM