1. Kagome Kagome
Đây có lẽ là bài đồng dao nổi tiếng nhất của trẻ em Nhật Bản, gắn liền với một trò chơi dân gian. Bài đồng dao này đã nhiều lần đi vào phim ảnh, game và manga.
Có nhiều phiên bản của khúc đồng dao này, nhưng phổ biến nhất vẫn là bản bên dưới:
Kagome, kagome
Kago no naka no tori wa (Hỡi chú chim trong lồng)
Itsu, itsu deyaru (Khi nào, khi nào chú bay ra?)
Yoake no ban ni (Lúc chập choạng và lúc tối trời)
Tsuru to kame ga subetta (Cả sếu và rùa đều nhào ngã)
Ushiro no shoumen dare? (Ai đang ở sau lưng?)
Có nhiều cách để hiểu bài đồng dao này. Từ Kagome có thể kết hợp từ hai từ khác, "giỏ" và "phụ nữ", ám chỉ một phụ nữ mang thai. Con chim trong lồng là đứa con chưa sinh ra. Ai đó đã đẩy cô xuống cầu thang, khiến cô bị sảy thai. Do đó, cô tự hỏi ai đã đứng trên cầu thang sau lưng mình.
Dù là gì, bài hát Kagome Kagome cũng luôn gắn với một ý nghĩa hay câu chuyện rùng rợn nào đó. Nhưng không ai biết đâu mới là câu chuyện thật phía sau bài đồng dao trẻ em này. Bài đồng dao còn nổi tiếng hơn khi trở thành một ca khúc Vocaloid nhiều năm trước.
2. Em gái cõng búp bê
Bài đồng dao kinh dị này luôn đứng trong top những cấm khúc kinh dị của Trung Quốc. Bản dành cho các bé nghe chỉ gồm 4 câu đầu tiên:
Em gái cõng theo búp bê
Đi tới vườn hoa để ngắm hoa anh đào
Búp bê òa khóc gọi mẹ
Chú chim trên cây đang cười ha ha...
Câu chuyện phía sau bài đồng dao kể về một bé gái, con một vị tướng quân thời xưa của Trung Quốc. Từ nhỏ cô bé đã xấu xí, lớn lên lại càng xấu hơn. Cha không thích em, mọi người xung quanh cũng xa lánh và coi em như dịch bệnh. Cô bé cứ vậy thu mình lại trong căn phòng nhỏ. Thứ duy nhất làm bạn với em là một con búp mê mặt cười.
Lên 15 tuổi, cô bé thắt cổ tự tử trong căn phòng của mình. Do mọi người luôn bỏ mặc, nên mãi tới khi mái tóc ngang lưng của cô bé dài đến chấm đất thì người ta mới tìm ra. Sau khi con gái mất, mẹ của em cũng suy sụp mà tự tử trong chính căn phòng đó, ôm theo cả con búp bê.
Sau đó, chiến tranh nổ ra, con búp bê lưu truyền từ tay người ngày qua người khác. Thời gian trôi qua, nó trở thành đồ chơi của một cô bé nọ. Một tối, cô bé ôm búp bê ra vườn ngắm hoa đào, bỗng nghe thấy tiếng gọi da diết, ai oán: "Mẹ ơi... mẹ ơi...".
3. Bắc Kim Thang
Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo là kèo qua cột
Chú bán dầu qua cầu mà té
Chú bán ếch ở lại làm chi
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tò tí te tò te
Là bài đồng dao quen thuộc của trẻ em Việt Nam, Bắc Kim Thang cũng có câu chuyện kể đầy ám ảnh phía sau.
Trong khúc ca, anh bán dầu và anh bán ếch vốn thân thiết với nhau như anh em. Một lần, anh bán ếch cứu được le le và bìm bịp khỏi bẫy; hai con vật này liền kể lại với anh rằng ở khúc sông cầu khỉ kia, có hai con ma da đáng sợ. Chúng muốn kéo anh bán dầu và anh bán ếch xuống để được đầu thai thành người, vì thế phải tránh đi qua cầu lúc trời hửng sáng trong bảy ngày kế tiếp.
Anh bán ếch về kể với bạn mình, nhưng bạn anh không tin. Nghe theo mưu kế của le le và bìm bịp, anh cố viện cớ, chuốc rượu bạn sáu ngày tiếp theo, anh bán ếch ngủ quên vào ngày thứ bảy. Lúc ấy, anh bán dầu tỉnh giấc và dọn đồ đi bán, phải băng qua cây cầu khỉ sang sông. Anh trượt chân ngã, bị ma da lôi xuống và dìm chết đuối.