Lĩnh vực nào cũng có những góc khuất và bí mật, cả trong thế giới đồ ăn thức uống cũng vậy. Ta chỉ nghĩ đơn giản rằng chúng là thứ để cho vào mồm thưởng thức mà chẳng hề hay biết một loạt sự thật thú vị còn ẩn giấu phía sau.
Cùng khám phá thử xem đó là những gì nhé!
1. Tương cà có thể không được sản xuất từ cà chua?
Tương cà là một sáng tạo của người Anh, được lấy cảm hứng từ một loại sốt làm từ cá lên men của châu Á. Vào khoảng những năm 1700, cà chua từng bị xem là có độc. Thế nên công thức của món này chỉ có một số loại nguyên liệu mà người dùng ngày nay khó tưởng tượng được như nấm, hàu, cá trích và hạt dẻ. Đến tận năm 1812, cà chua mới được sử dụng để làm tương cà.
Ngày nay, dù cà chua không phải là loại trái cây đắt đỏ gì, thế nhưng chúng vẫn thường được nhiều nhà sản xuất thay thế bằng các nguyên liệu rẻ tiền hơn, chẳng hạn như sốt táo và các chất phụ gia làm đặc, tạo màu khác nhau. Để phân biệt tương cà thật - giả, trước tiên bạn hãy nhìn vào màu sắc, nó phải có màu đỏ hoặc đỏ sẫm. Về độ đặc, tương cà thật thường không chứa quá nhiều nước.
2. Tại sao bánh quy thường có những lỗ nhỏ?
Không phải để trang trí như nhiều người vẫn nghĩ, các lỗ nhỏ đảm bảo rằng chiếc bánh quy được nướng đúng cách. Bột được sử dụng để làm bánh quy giòn chứa rất nhiều bọt khí và khi được làm nóng trong lò, các túi khí này sẽ nở ra. Để ngăn những bong bóng này vỡ ra có thể làm xấu xí cái bánh, một chiếc máy gọi là "docker" sẽ chọc những lỗ nhỏ trên bột để không khí thoát bớt ra ngoài, giúp bánh giòn và trông đẹp mắt hơn.
Được biết, những chiếc bánh quy giòn đầu tiên được sản xuất ở Mỹ, có các lỗ được làm thủ công hoàn toàn. Ban đầu mỗi cái bánh quy thường có 13 lỗ tương ứng với số bang của đất nước lúc bấy giờ.
3. Tại sao sữa có màu trắng?
Sữa bò chứa 87% là nước, 13% còn lại bao gồm chất béo, protein, đường (lactose), vitamin và khoáng chất. Chất béo và protein (chất casein) là thứ tạo nên màu trắng của sữa. Các phân tử này phản xạ tất cả các bước sóng ánh sáng nhìn thấy được, khi kết hợp với nhau thì mắt chúng ta sẽ cảm nhận được nó là màu trắng.
Nếu không có chất béo, các phân tử protein nhỏ hơn trong sữa sẽ phản xạ nhiều bước sóng ánh sáng xanh hơn. Đó cũng là lý do tại sao các loại sữa tách kem, tách béo có thể ánh lên màu xanh lam nhẹ.
4. Bơ là loại trái cây "khó lường" nhất trong thế giới thực vật!
Hiện tượng các loại trái cây, củ quả chuyển sang màu tối khi để ngoài không khí quá lâu không phải là chuyện quá xa lạ với nhiều người. Khi trái cây bị cắt làm đôi, phần thịt của nó tiếp xúc với oxy tạo ra một loại enzyme gọi là polyphenol oxidase, khiến chúng bị tối màu đi nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu để ý bạn sẽ thấy quá trình này luôn diễn ra nhanh hơn ở quả bơ, đơn giản vì chúng chứa nhiều polyphenol oxidase hơn. Để ngăn chặn hiện tượng này, bạn có thể bọc phần quả bị cắt đôi để tránh cho thịt của chúng tiếp xúc với oxy. Hoặc bạn cũng có thể thêm một ít nước chanh lên bề mặt quả bơ, vì chanh có tính axit giúp làm chậm quá trình tạo ra polyphenol oxidase.
Nguồn: Brightside, Daily Mail