5. Marcus Hutchins - Người hóa giải WannaCry
Marcus Hutchins là một trong số ít những nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng (và thậm chí là quan trọng nhất) trong thế giới an ninh mạng ngày nay. Đơn giản bởi mọi động thái của vị "anh hùng phản diện này" đều có thể tạo ra những thay đổi đáng kể đến cách thức các hacker khác hoạt động trong không gian mạng, cũng như nắm trong tay khả năng "thay đổi màu mũ" của họ trong những năm tiếp theo của sự nghiệp.
Nói ngắn gọn về tiểu sử của Marcus Hutchins. Anh ta là một chuyên gia an ninh mạng tương đối ẩn dật, làm việc cho một công ty bảo mật nhỏ có tên Kryptos Logic ngay tại nhà. Cách đây 2 năm, mã độc tống tiền WannaCry khét tiếng được tung ra trên phạm vi toàn cầu khiến thế giới bảo mật như chao đảo, khi đó, Marcus Hutchins đang trong kỳ nghỉ mát với gia đình và đã nhận được vô số lời "thỉnh cầu" nhanh chóng tham gia vào cuộc chiến chống lại WannaCry từ nhiều tổ chức bảo mật lớn. Marcus đã bị lôi ra khỏi kỳ nghỉ để trở thành người tiên phong trong cuộc chiến này, và quả thực anh đã không khiến thế giới thất vọng khi tìm ra phương pháp có tên "kill switch", giúp từ từ ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn phần mềm độc hại đáng sợ này.
Marcus Hutchins đã “một mình một ngựa” ngăn chặn thành công chiến dịch tấn công quy mô lớn nhất năm 2017, trở thành anh hùng của thế giới an ninh mạng và được đối xử như một vị vua tại hội nghị hacker DEF CON cũng được tổ chức trong năm đó.
6. Fancy Bear - Những chú gấu hắc ám
Fancy Bear là 1 nhóm đến từ nước Nga và được xem là nhóm hacker tinh nhuệ nhất với các thành viên sở hữu kiến thức cực kỳ uyên thâm trong lĩnh vực bảo mật, tấn công mạng, và đặc biệt có chủ trương hoạt động rõ ràng. Fancy Bear đôi khi còn được biết đến với tên gọi Sofacy, Pawn Storm hay APT 28, nhóm hacker này được cho là có liên quan mật thiết đến cơ quan tình báo lớn nhất tại Nga.
Chiến dịch gây tiếng vang đầu tiên của Fancy Bear diễn ra vào năm 2008, khi nhóm này hack thành công các trang web và hệ thống mạng của chính phủ Gruzia. Vụ tấn công đã khiến hệ thống thông tin trực tuyến của Gruzia bị rối loạn sau đó tê liệt nghiêm trọng ngay trước thời điểm quân đội Nga chính thức vượt qua biên giới và đổ bộ vào quốc gia này.
Fancy Bear đã tham gia và đồng thời là nguyên nhân trực tiếp của vô số xung đột trên không gian mạng giữa chính phủ Nga và các quốc gia đối đầu. Từ những phi vụ nhắm vào nhà báo và người biểu tình chống điện Kremlin, cho đến các chiến dịch hack hệ thống mạng quốc hội Đức kéo dài liên tục trong hơn 6 tháng vào năm 2014, tấn công hệ thống máy tính của quân đội Hoa Kỳ, hay vô hiệu hóa 20% hệ thống pháo binh của Ukraine... Tất cả đều được thực hiện dưới bàn tay của Fancy Bear.
7. Michael Bevan và Richard Pryce
Năm 1996, hai gã đàn ông người Anh bắt đầu xâm nhập trái phép vào các máy tính của Không lực Mỹ, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cả hai đã gây ra tổn thất to lớn đối với những hệ thống này khi các file bị di dời và xóa bỏ. Các vụ tấn công của Bevan và Pryce cũng khiến những cơ quan chức trách hao tổn lớn về tài chính khi hy động các chuyên gia trong quân đội Mỹ ngăn chặn tin tặc và vô hiệu hóa các nỗ lực tiếp theo của chúng.
Sau đó, bộ đôi hacker cũng đột nhập vào một cơ sở nghiên cứu ở Hàn Quốc và chuyển thông tin về các chương trình hạt nhân sang các server của Không lực Mỹ, một động thái có thể dẫn đến xung đột vũ trang nếu những dữ liệu bị đánh cắp thuộc về CHDCND Triều Tiên, do nước này chắc chắn sẽ ngay lập tức nghi ngờ chính phủ Mỹ và tiến hành các cuộc tấn công trả đũa. May mắn là, các thông tin bị lấy cắp thực tế của Hàn Quốc và do đó, chính phủ Mỹ đã có thể giải quyết sự cố quốc tế này một cách tương đối dễ dàng.
8. Michael Calce
Được biết đến nhiều hơn với biệt danh "cậu bé mafia", Michael Calce vẫn còn là học sinh trung học ở Quebec, Canada khi đột nhập thành công vào một số website có lượng truy cập cao nhất trên Internet vào năm 2000. Trong hàng loạt các vụ tấn công từ chối dịch vụ, Calce đã có thể đánh sập các website Yahoo!, FIFA, Amazon, Dell, eBay và CNN suốt nhiều tiếng đồng hồ mỗi vụ, gây tổn thất cho các hệ thống máy tính của họ. Các công tố viên cho biết, tổng thiệt hại kinh tế mà các hành động của Calce gây ra khắp toàn cầu là 7 triệu USD, mặc dù các chuyên gia phân tích ước tính chúng có thể lên tới 1 tỉ USD.