Trong 9 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn tới nhu cầu vay vốn sụt giảm. Tín dụng tại nhiều ngân hàng đã chậm lại rõ rệt, đặc biệt trong những tháng đầu năm. Cùng với đó, các ngân hàng còn tập trung cơ cấu lại dư nợ, đồng thời giảm lãi suất cho vay khiến nguồn thu nhập từ tín dụng kém khả quan hơn so với năm ngoái. Nhiều ngân hàng đã ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng rất thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm.
Trong khi đó, các mảng kinh doanh ngoài lãi tại nhiều ngân hàng bất ngờ có kết quả tăng trưởng ấn tượng, nổi bật là hoạt động mua bán chứng khoán ghi nhận lãi đột biến khi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại BIDV, thu nhập lãi thuần của ngân hàng 9 tháng đầu năm 2020 giảm 4,42% so với cùng kỳ, chỉ đạt 23.232 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh của ngân hàng đạt 479 tỷ, tăng 82% so với cùng kỳ. Đồng thời, mua bán chứng khoán đầu tư cũng có lãi đột biến tới 1.009 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ 266 tỷ đồng.
Cơ cấu đóng góp của các mảng kinh doanh cho tổng thu nhập hoạt động BIDV cũng có sự thay đổi đáng kế, tỷ trọng của thu nhập lãi thuần giảm từ 77% xuống còn 73% trong khi hoạt động mua bán chứng khoán từ 0 lên 4%.
Tương tự, VietinBank trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có lãi từ mua bán chứng khoán lên tới 640 tỷ đồng, cao gấp 7 lần mức đạt được 9 tháng đầu năm 2019.
Một ngân hàng lớn khác cũng có lãi đột biến ở mảng này là ACB khi ngân hàng ghi nhận hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 700 tỷ, trong khi cùng kỳ chỉ lãi vỏn vẹn 3,6 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng nhỏ cũng ghi nhận lãi đột biến từ chứng khoán. Trong đó, VietBank có lãi từ mua bán chứng khoán lên tới 582 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ và mức lãi này còn lớn hơn cả thu nhập lãi thuần của nhà băng nay (chỉ đạt 487 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm). Theo đó, mảng kinh doanh chứng khoán trở thành động lực tăng trưởng chính, và đóng góp phần lớn trong tổng thu nhập hoạt động.
Còn tại NCB, ngân hàng có lãi 86,6 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng.
Nhiều ngân hàng khác như SeABank, VIB cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh ở hoạt động kinh doanh này.
Hiện chứng khoán đầu tư do các ngân hàng nắm giữ bao gồm các loại giấy tờ có giá, trong đó chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, và các công cụ phái sinh có rủi ro thấp. Trái phiếu thường là loại giấy tờ có giá trị lớn trong danh mục chứng khoán đầu tư của các ngân hàng. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng,…Trong đó trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn, độ rủi ro cũng lớn hơn trong khi trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các TCTD lãi suất thấp, nhưng an toàn hơn.