Đối với Susan Eapen - người mắc bệnh đái tháo đường từ năm 2008, việc kiểm soát đường huyết là một thách thức thường trực. Cô đã thử mọi chế độ ăn, từ low-carb cho đế keto giàu chất béo, nhưng đều bỏ cuộc vì chóng mặt. Eapen quyết định cắt giảm tinh bột, bằng cách sử dụng bột hạnh nhân thay vì bột mì, ăn kèm với trứng và rau. Tuy nhiên, việc chuẩn bị một bữa ăn kỹ lưỡng như vậy không hề dễ dàng.
“Tôi cảm thấy kiệt sức khi phải cố gắng chuẩn bị từng bữa ăn cho mình”, cựu nhân viên ngân hàng tại Kerala (Ấn Độ) cho biết. Dù vậy, sau mỗi bữa ăn, đường huyết tăng khiến cô cảm thấy mệt mỏi và tiểu tiện nhiều.
Cuộc sống của Eapen đã thay đổi vào năm 2018, khi cô đọc được bài báo về Jackfruit365 - một công ty khởi nghiệp sản xuất bột làm từ mít xanh chưa chín. Những quả mít này sẽ được sấy lạnh và nghiền thành bột.
Với hương vị tự nhiên, lại không mùi, bột mít có thể được sử dụng trong nhiều món ăn. James Joseph - cha để của sản phẩm này - đã ủy thác cho Dịch vụ Nghiên cứu Chỉ số Glycemic, Đại học Sydney (Úc) tiến hành nghiên cứu về tác động của thực phẩm đối với nồng độ glucose trong máu.
Kết quả cho thấy, thực phẩm có chỉ số glycemic cao sẽ khiến đường huyết tăng nhanh hơn so với thực phẩm có chỉ số glycemic (chỉ số đường huyết của thực phẩm) thấp. Nghiên cứu này chỉ ra, 1 bát bột mít, tương đương 30g, chứa ít glycaemic hơn (17) so với 1 bát cơm (29) hoặc 2 miếng bánh mì roti (27).
Bột mít xanh được làm từ mít chưa chín, được sấy lạnh và nghiền thành bột. (Photo: Getty Images)
Eapen đã mua bột mít về để trộn với các loại thực phẩm khác.
“Loại bột này giúp tôi kiểm soát đường huyết mà không cần tốn quá nhiều công sức. Không giống như bột hạnh nhân, bột mít dễ mua và rẻ hơn. Việc chuẩn bị đồ ăn không còn khó khăn nữa”, cô nói.
“Giờ đây, đường huyết của tôi đã ổn định. Tôi không còn cảm thấy mệt mỏi hay tỉnh giấc giữa đêm với mồ hôi đầm đìa”.
Joseph cũng ủy thác Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ thực hiện một nghiên cứu trên các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 vào tháng 6/2020. Các tình nguyện viên sẽ ăn 30g bột mít xanh mỗi ngày để thay thế cho cơm hoặc bột mì. Sau 90 ngày, lượng đường huyết của họ đã giảm đáng kể.
Oommen V Oommen là một giáo sư đã nghỉ hưu tại Đại học Kerala (Ấn Độ), người cũng mắc bệnh đái tháo đường suốt 15 năm qua. Ông cũng nhận thấy bột mít có tác dụng trong việc giảm đường huyết.
“Chỉ trong 3 tháng, các chỉ số của tôi giảm đáng kể”, bệnh nhân 71 tuổi này cho biết. Ông thường thêm 1 thìa bột mít vào đồ uống thảo mộc mỗi ngày.
“Bột mít giúp tôi giảm liều lượng insulin, từ 14 xuống còn 10 đơn vị vào buổi sáng, từ 10 xuống còn 8 đơn vị vào buổi tối. Đây không phải là thuốc, nhưng là một dạng thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị đái tháo đường”.
James Joseph cùng sản phẩm Jackfruit 365. (Ảnh: James Joseph)
Vinu Nair - một vận động viên marathon từ Chennai (Ấn Độ) - đã rất ngạc nhiên khi thấy đường huyết tăng trong đợt khám sức khỏe tổng quát hàng năm. Kể từ đó, anh bắt đầu uống thuốc đái tháo đường.
Sau đấy, vợ anh - một bác sĩ nhi khoa - đã trộn một lượng nhỏ bột mít vào bột bánh mì Ấn Độ. Trong vòng 3 tháng, chỉ số đường huyết của anh giảm đáng kể. “Điều đó tạo động lực để tôi tiếp tục”, Nair nói. Không chỉ có đường huyết và triglyceride được kiểm soát, bột mít giàu chất xơ còn giúp anh trở nên cân đối hơn.
Bác sĩ Thomas Varughese - chuyên gia lâu năm về phẫu thuật ung thư và tái tạo tại Bệnh viện Renai Medicity ở Kerala (Ấn Độ) - cho biết, bột mít cũng được thêm vào chế độ ăn của bệnh nhân ung thư để giúp họ chống chọi với hóa trị. Kết quả nghiên cứu này đã được ông công bố trên tạp chí Văn thư Y khoa Quốc gia.
Bác sĩ Varughese cũng kê cho các bệnh nhân tham gia nghiên cứu uống 30g bột mít xanh mỗi ngày.
“Điều khiến bệnh nhân bận tâm nhất là các tác dụng phụ của hóa trị”, ông nói. “Thuốc hóa trị khi hoạt động cũng rất độc. Chúng tác dụng lên các tế bào phân chia nhanh, dẫn tới giảm bạch cầu, rụng tóc, loét miệng và họng, nhiễm trùng phổi, nhiễm nấm và tiêu chảy.
Theo bác sĩ Varughese, tình trạng giảm bạch cầu không xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng bột mít. Niêm mạc ruột của họ cũng được bảo vệ. Tuy nhiên, bột mít không giúp giảm các tác dụng phụ như rụng tóc hoặc nôn mửa.
“Khi lượng bạch cầu được duy trì ở mức bình thường trở lên, bệnh nhân có thể ăn uống mà không gặp vấn đề gì”, ông nói. Ngoài ra, việc niêm mạc ruột được bảo vệ cũng giúp bệnh nhân không bị tiêu chảy. Nhờ vậy, họ không cần nhập viện trở lại để truyền nước và tiết kiệm đáng kể chi phí.
Jyothi Rajeev - một bệnh nhân từng chiến thắng ung thư vú - không hề biết về bột mít cho tới khi bác sĩ Varughese kê đơn. Ban đầu, cô trộn nó cùng bột bánh roti, nhưng rồi chuyển sang hòa nó cùng nước và uống trong một lần.
“Quá trình hóa trị diễn ra trôi chảy tới mức tôi không biết mình đã làm tới đợt thứ 6. Ngoại trừ việc rụng tóc, tôi không bị loét miệng, buồn nôn hay chán ăn. Tôi có thể đi bộ 5km mỗi ngày”, cô nói.
Bác sĩ Varughese cho biết, việc sử dụng bột mít là một “khám phá tình cờ”, sau khi ông thấy 2 bệnh nhân của mình không gặp tác dụng phụ của phương pháp hóa trị.
“Họ kể với tôi về việc dùng bột mít xanh trong khẩu phần ăn để kiểm soát tiểu đường. Tôi quyết định thử trên một số bệnh nhân. Vì là sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nó không hề có hại”, ông nói.
Những bệnh nhân không dùng bột mít vẫn gặp các tác dụng phụ. Tuy nhiên, khi bắt đầu uống bột mít ở đợt kế tiếp, tình trạng cũng được cải thiện.
“Bệnh nhân của tôi có thể tiếp tục sống năng nổ và đi bộ thường xuyên. Kể cả trong đợt Covid-19, họ vẫn tiếp tục hóa trị được. Bột mít đã giúp họ tăng cường hệ miễn dịch”.
Joseph - cha đẻ của bột mít - không ngạc nhiên quá trước kết quả này. “Một cây mít trong vườn có thể kéo dài tuổi thọ thêm 10 năm”, ông nói. Khi còn nhỏ, chú của Joseph thường so sánh quả mít “giống như một chiếc chổi cọ cho thành ruột con người”.
(Theo SCMP)